Nhân dân tệ giảm giá: Việt Nam, thiệt hơn và ứng xử

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 10:52:18

Một lần nữa biến động đồng tiền của đối tác thương mại lớn nhất lại đặt ra những tính toán và ứng xử…


Không mới, đồng Nhân dân tệ (NDT) giai đoạn trước từng có quãng phá giá liên tiếp, mà giới quan sát từng xem đó như một công cụ phi thuế quan trong ứng xử với xung đột thương mại.

Có giai đoạn mức độ phá giá của đồng tiền này khiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp Việt quan ngại. Lần này, mức độ giảm giá và xu hướng cũng đang định hình những tác động đáng chú ý.

Bởi lẽ Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ), suốt chiều dài nhiều năm qua cho đến nay.


NDT vẫn có xu hướng giảm giá?

Tháng 8/2022, đồng NDT có tháng giảm thứ 6 liên tiếp - chuỗi giảm giá dài nhất của đồng tiền này kể từ giai đoạn đỉnh điểm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vào tháng 10/2018.

Theo dự báo của Societe Generale SA, Nomura Holdings Inc., hay của Credit Agricole CIB, NDT sẽ giảm giá sâu hơn và về dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD trong năm nay. Những ngày đầu tháng 9 này, tỷ giá NDT tại thị trường Trung Quốc đại lục giảm còn khoảng 6,9 NDT đổi 1 USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, NDT đã giảm giá khoảng 8% so với USD.

Về nguyên nhân, theo ông Đỗ Ngọc Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với chính sách Zero COVID khiến cho tăng trưởng chậm lại rất rõ. Đối mặt với tình trạng này, Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc tiến hành giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục do tổn thương bởi COVID-19, trong khi thế giới đã mở cửa nền kinh tế.

“Chính sách tiền tệ của Trung Quốc bị ngược so với các ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới, theo hướng đồng NDT mất giá rất nhiều”, ông Bảo lý giải.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các số liệu kinh tế Trung Quốc công bố sắp tới sẽ tiếp tục cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, bao gồm dự trữ ngoại hối đi xuống, tăng trưởng xuất khẩu giảm, và sự giảm tốc của ngành dịch vụ.

“Do triển vọng xấu, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rút vốn ra khỏi nước này cũng khiến đồng NDT tiếp tục mất giá”, ông Phương dự báo.

Diễn biến cặp tỷ giá USD/CNY một năm trở lại đây - Nguồn: Tradingview


Thiệt hơn với Việt Nam?

Theo ông Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế, tác động của việc Trung Quốc hạ giá đồng NDT lần này đến thương mại hai nước là không đáng quan ngại. Bởi, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc dù lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là đồng USD, chỉ có một số nhỏ hợp đồng kinh tế giao dịch bằng đồng NDT, mà với hợp đồng này về cơ bản hai bên đã chốt giá với nhau trước đó.

“Nếu đồng NDT giảm nhiều, trong khi đồng USD tăng thì lại có lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi quy đổi từ đồng USD sang NDT thì doanh nghiệp sẽ được lợi ích cao hơn”, ông Phong tính toán.

Tuy nhiên, TS. Lê Quốc Phương lại cho rằng, những tác động đến nền kinh tế Việt Nam do đồng NDT mất giá dù ít hay nhiều là không thể tránh khỏi. Về nguyên tắc, nếu NDT mất giá so với VND thì hàng hóa của Trung Quốc đổ vào Việt Nam sẽ rẻ đi, nhập siêu của Việt Nam sẽ tăng lên. Nếu điều này xảy ra sẽ tạo sự cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam về chất lượng, giá cả, thị phần. Khi ấy, các doanh nghiệp Việt sẽ phải “gồng mình” để cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc nếu nước này tiếp tục phá giá đồng NDT.

“Chưa hết, dù cơ hội mua nguyên phụ liệu đầu vào từ thị trường này với giá thấp hơn, nhưng ngược lại hàng Trung Quốc cũng sẽ rẻ hơn ở các thị trường khác, giúp nâng cao tính cạnh tranh, nhất là thị trường EU, Nhật và các nước Đông Á... Lúc này, hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh, thậm chí doanh nghiệp trong nước mất thị phần vào tay doanh nghiệp Trung Quốc ở những thị trường khác”, ông Phương quan ngại.

Về phía doanh nghiệp, ông Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng cũng cho rằng, việc đồng NDT giảm đã khiến các sản phẩm công nghệ thông tin nhập từ Trung Quốc giảm giá đến 30% so với đầu năm. Điều này làm cho các sản phẩm của doanh nghiệp tiêu thụ rất khó trong thời điểm hiện tại.

“Khi các doanh nghiệp nhập sản phẩm theo đơn giá đơn giá đầu năm thì bây giờ không thể bán được bằng đơn giá đầu năm do các sản phẩm đã giảm giá rất nhiều, doanh nghiệp lâm vào tình trạng không thể tiêu thụ được hàng hóa”, ông Dương cho biết.


Giảm thiểu tác động?

Để giảm thiểu tác động, Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng cho rằng, một trong những cách tốt nhất lúc này là cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục hành chính, những chi phí không cần thiết để doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh tốt hơn không chỉ đối với doanh nghiệp Trung Quốc mà cả những doanh nghiệp các khu vực khác.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là đường tiểu ngạch vì khi đồng NDT mất giá như vậy, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam sẽ rất nhiều.

Về việc điều chỉnh tỷ giá, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, với tiềm lực dự trữ ngoại hối và quan hệ cung cầu tiền tệ như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá nếu cần thiết. Tuy vậy, việc điều chỉnh ngày cần phải nhìn vào xu hướng của các đồng tiền lớn trên thế giới như đồng USD, đồng Euro, Yên Nhật (những đồng tiền lớn mạnh hơn của Trung Quốc) để quyết định cân nhắc.

Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào tỷ giá đồng VND với các đồng tiền khác để có chính sách chung nhưng cũng không nên điều chỉnh quá mức.

“Nói chung các đồng tiền biến động nhanh, nên không nên coi đó là xu hướng vững chắc để có chính sách lâu dài. Mọi thứ đều mang tính chất thời điểm và hết sức linh hoạt”, ông Phong khuyến nghị.

Về sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả. Trong đó, cần thay đổi cách thanh toán, giảm lượng hàng và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới tiềm năng hơn để giảm thiệt hại.

“Đồng thời, chú trọng đến công tác phòng vệ rủi ro tỷ giá, lãi suất thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro”, ông Bảo nói thêm.

Chia sẻ Facebook