Nhận chuyển giao 2 ngân hàng yếu kém, Vietcombank và MB sẽ có thêm lợi thế gì hơn hẳn các nhà băng khác?
Với việc nhận chuyển giao 2 tổ chức ngân hàng yếu kém, báo cáo phân tích mới đây từ các công ty chứng khoán đánh giá MB và Vietcombank sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.
Tại chỉ thị 01 ban hành ngày 8/2, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương triển khai xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.
Theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ tái cơ cấu 2 ngân hàng yếu kém trong thời gian tối đa khoảng 8-10 năm.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.
Cụ thể theo đánh giá của công ty chứng khoán Vietcombank trong báo cáo triển vọng quý 2/2022 ngành ngân hàng, MB sẽ có tăng trưởng tín dụng và quy mô vượt trội so với ngành. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế mở cửa trở lại. Với việc nhận chuyển giao bắt buộc, MB sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng thêm 5-10% trong năm 2022 và các năm tới, có thể tăng khoảng 30%/năm mà vẫn đảm bảo an toàn với tỷ lệ CAR duy trì ở mức 10-11%.
Trong khi đó nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng này vẫn được đảm bảo nhờ nguồn lợi nhuận giữ lại dồi dào. Trong năm 2022, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ lên 46.882 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%, phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược và ESOP.
VnDirect nhận định ngân hàng này sẽ được tăng trưởng tín dụng không giới hạn nhưng vẫn phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn bắt buộc (CAR).
Đến tháng 6/2022, tăng trưởng tín dụng theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước đã đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Dù còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% nhưng nhiều ngân hàng ngay từ hồi cuối tháng 5 đã đồng loạt xin được cấp thêm hạn mức (room) tín dụng.
Cụ thể tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt gần 9% sau 4 tháng đầu năm so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% tại cùng thời điểm trên, dù room được cấp là 10%. MB cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng tới 14,3% ngay sau quý I/2022, gần chạm trần mốc 15% được cấp.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... cũng trong tình trạng tương tự.
Theo VCBS, NHNN đang xem xét nới room tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng. Công ty chứng khoán này kỳ vọng các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn đầu quý 3/2022.
Các tiêu chí xét duyệt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có thể kể đến như mức độ dồi dào VCSH (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội (miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các TCTD,…).
Mộc An
Theo Nhịp Sống Kinh Tế