Nhận biết giai đoạn nguy hiểm khi trẻ mắc sốt xuất huyết
Việc phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết và những diễn tiến bệnh trong từng giai đoạn sẽ giúp phụ huynh theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời.
Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong những tháng gần đây, số trẻ nhập viện do sốt xuất huyết tăng cao. Có thời điểm, bệnh viện có gần 200 ca sốt xuất huyết đang điều trị, 49 ca sốt xuất Dengue nặng, trong đó có 14 ca nặng được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Phần lớn các ca sốt xuất huyết nặng là do độc lực virus, cơ địa của từng trẻ cũng như sự chủ quan của các bậc cha mẹ phát hiện trễ những dấu hiệu nặng ở trẻ.
Đơn cử như trường hợp bé T.H.T.N., (4 tuổi, trú tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) phải thở máy do sốc sốt xuất huyết và bị nhiễm trùng huyết.
Anh T.V.K., bố của bé N. cho hay: Ngày đầu thấy bé sốt cao, gia đình cho uống thuốc hạ sốt. Đến ngày thứ 2, bé hết sốt nên gia đình nghĩ bé không sao. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, thấy bé đau bụng, nôn ói, khó chịu, gia đình mới đưa bé vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám. Lúc này mới biết bé bị sốc sốt xuất huyết và bị nhiễm trùng huyết.
ThS.BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết: Không riêng gì trường hợp bệnh nhi trên, mà những trường hợp khác vào đây phải thở máy, lọc máu điều trị sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Nếu những trẻ này được theo dõi sát và vào viện kịp thời sau khi điều trị khỏi sẽ không để lại di chứng, còn phát hiện sốc trễ, thiếu oxy ở giai đoạn này khiến oxy não cũng bị thiếu và đưa vào viện muộn có thể để lại nhiều di chứng sau này.
Sốt xuất huyết diễn tiến qua 3 giai đoạn và không có thuốc ngăn chặn được giai đoạn diễn tiến này. Giai đoạn đầu sốt phụ huynh quan tâm con nhiều hơn do thấy trẻ sốt cao, tiếp đến giai đoạn nguy hiểm thường các bé đã hết sốt, những bé còn sốt ở giai đoạn này thì nặng hơn, còn hết sốt sẽ nhanh dẫn đến sốc. Nếu phụ huynh chủ quan khi thấy con hết sốt không theo dõi sát và khi trẻ sốc không phát hiện kịp thời thì việc điều trị rất khó khăn.
Việc theo dõi và nhận biết giai đoạn nguy hiểm khi trẻ mắc sốt xuất huyết rất quan trọng. Vì vậy, phụ huynh phải hiểu diễn tiến bệnh sốt xuất huyết. 3 ngày đầu trẻ sốt cho uống thuốc hạ sốt theo dõi, nếu hết sốt và tỉnh táo chơi bình thường vẫn phải theo dõi. Còn từ ngày thứ 3 trở đi, nếu trẻ sốt phải đưa đi khám và trong giai đoạn nguy hiểm này có thể tái khám 2 lần/ngày.
"Việc tái khám rất quan trọng, trẻ được làm xét nghiệm máu để xem tình trạng cô đặc máu và có diễn tiến vào sốc hay không, tiểu cầu giảm thế nào, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, phụ huynh phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt ở giai đoạn này phải có người chăm sóc trẻ 24/24 và khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường, ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời, không được chậm trễ" - ThS.BS Phạm Thị Kiều Trang cho biết thêm.
Cũng theo bác sĩ Trang, bệnh sốt xuất huyết có 4 type, trẻ em, người lớn đã mắc sốt xuất huyết type 1 vẫn có thể tái nhiễm với các type khác còn lại và nặng hơn lần đầu. Hiện, chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị, do đó người dân cần cảnh giác và chấp hành các khuyến cáo phòng chống dịch của cơ quan y tế.
Đặc biệt, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.