Nhà xuất bản Giáo Dục nói gì về lãi đậm?
Trước thông tin Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam công bố lợi nhuận sau thuế của năm 2021 vượt gần 2,5 lần so với kế hoạch, câu chuyện giá sách giáo khoa cao lại được đặt ra.
Theo số liệu Nhà xuất bản Giáo Dục cung cấp cho phóng viên Tuổi Trẻ vào ngày 4-7, tổng doanh thu từ các sản phẩm năm 2021 là 1.828 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 287,4 tỉ đồng, vượt gần 2,5 lần so với kế hoạch đặt ra.
Sách giáo khoa là nguồn thu chính
Trong số các sản phẩm mang lại doanh thu, sách giáo khoa, bao gồm sách giáo khoa và sách bổ trợ, là nguồn thu chính (chiếm 87%).
Nhưng để đánh giá tác động của việc giá sách giáo khoa mới (thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018) và sách giáo khoa hiện hành (thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 do Nhà xuất bản Giáo Dục độc quyền xuất bản) thì phải tách bạch doanh thu và lợi nhuận của hai dòng sách này.
Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo Dục phát hành 164,6 triệu bản sách giáo khoa, vượt mức khoảng 40% so với kế hoạch 117 triệu bản. Doanh thu năm 2021 từ sách giáo khoa là 1.583 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ sách giáo khoa hiện hành là 674 tỉ đồng (37%), sách giáo khoa mới là 675 tỉ đồng (chiếm 37%), sách bổ trợ 234 tỉ đồng (chiếm 13%).
Nhà xuất bản Giáo Dục còn có doanh thu từ các nguồn cổ tức của các đơn vị nhận vốn góp, hoàn nhập dự phòng, khai thác cơ sở vật chất... Khoản này là 245 tỉ đồng, chiếm 13%. Tương ứng với doanh thu, lợi nhuận sau thuế từ xuất bản sách giáo khoa là 137 tỉ đồng (chiếm 47,6% so với tổng lợi nhuận).
Trong đó, lợi nhuận từ sách giáo khoa hiện hành là 20 tỉ đồng (chiếm 6,9% tổng lợi nhuận), từ sách giáo khoa mới là 72 tỉ đồng (chiếm 25% tổng lợi nhuận). Số tiền nộp thuế và các khoản cho Nhà nước của nhà xuất bản này là 208,5 tỉ đồng.
Có phải do tăng giá sách giáo khoa?
Trong khi đó, nhiều phụ huynh học sinh và giáo viên băn khoăn khi chỉ phát hành sách mới ở ba lớp mà lợi nhuận đã chiếm 25% tổng lợi nhuận năm 2021 và cao hơn gấp ba lợi nhuận phát hành sách giáo khoa hiện hành năm 2021 (cho 9 lớp còn lại đang học chương trình cũ).
Điều này cho thấy giá sách giáo khoa mới cao hơn đã góp phần đáng kể vào việc tăng lợi nhuận của nhà xuất bản. "Nếu nhà xuất bản phát hành đủ sách giáo khoa cho 12 lớp phổ thông học chương trình giáo dục phổ thông 2018 với giá cao gấp 2-4 lần giá sách cũ thì lợi nhuận từ sách giáo khoa sẽ có biến động lớn trong tổng lợi nhuận của nhà xuất bản" - một phụ huynh phân tích.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về vấn đề này, đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục cho rằng không thể dùng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 để tính toán cho các năm tiếp theo vì các lý do: vật tư (giấy in) chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá sách giáo khoa. Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo Dục mua được vật tư ở thời điểm có giá thấp nên sách giáo khoa có lãi.
Về sản lượng sách giáo khoa, vì năm 2020, 2021 là các năm đầu áp dụng sách giáo khoa mới đặc biệt ở các lớp 1, 2 của bậc tiểu học nên số lượng phát hành lớn. Trong các năm tiếp theo, và theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục - đào tạo thì tỉ lệ sử dụng lại sách giáo khoa và sử dụng sách trong thư viện sẽ tăng lên.
Do đó số sách phát hành trong các năm tiếp theo sẽ giảm. Đồng thời, năm 2022 Nhà xuất bản Giáo Dục đã giảm giá sách giáo khoa nên kết quả các năm tiếp theo dự kiến sẽ giảm.
Theo Nhà xuất bản Giáo Dục, còn một điều nữa là sách giáo khoa là mặt hàng không thể điều chỉnh tăng/giảm ngay lập tức như một số mặt hàng khác nên Nhà xuất bản Giáo Dục đã tính toán giá sách giáo khoa trên cơ sở giữ ổn định giá trong cả quá trình.
Với những biến động tăng hiện nay về giá vật tư đầu vào (giấy, mực, keo...), xăng dầu, lương tối thiểu... thì hiệu quả (lãi) của mảng sách giáo khoa sẽ có biến động giảm mạnh.
Lợi nhuận sau thuế chiếm tỉ lệ không lớn
Theo một chuyên gia tài chính, nếu chỉ nhìn vào con số về lợi nhuận sau thuế của sách giáo khoa mới được doanh nghiệp xác nhận thì thấy nó chiếm tỉ lệ không lớn so với tổng lợi nhuận năm 2021.
Nhưng với công bố lãi năm 2021 gấp gần 2,5 lần so với kế hoạch, giá sách giáo khoa mới tăng từ 2-4 lần khiến đơn vị này có doanh thu ấn tượng trong một năm khó khăn vì COVID-19.
"Phân tích từ số liệu của Nhà xuất bản Giáo Dục thì thấy việc lấy tổng lợi nhuận của doanh nghiệp đổ lỗi cho việc tăng giá sách giáo khoa là chưa đầy đủ. Vì lợi nhuận từ sách giáo khoa mới năm 2021 chỉ chiếm 25% và đó mới chỉ là sách lớp 1, lớp 2, lớp 6" - chuyên gia này phân tích.
Báo cáo tài chính của Nhà xuất bản Giáo Dục
Năm 2018: tổng doanh thu 1.234 tỉ đồng, doanh thu từ sách giáo khoa 734 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 128 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 160 tỉ đồng.
Năm 2019: tổng doanh thu 1.482 tỉ đồng, doanh thu từ sách giáo khoa 967 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 131,9 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 91 tỉ đồng.
Từ báo lỗ triền miên đến lãi
Trong nhiều năm trước đây, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam luôn báo lỗ về hoạt động phát hành sách giáo khoa nhưng ở báo cáo tài chính năm 2021 sách giáo khoa hiện hành (của 9 lớp chưa học chương trình mới) lại có lãi 20 tỉ đồng.
Giải thích về điều này, đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục cho biết việc "lỗ" và phải bù lỗ bằng các nguồn khác xảy ra trước năm 2019. Khi không còn khả năng bù đắp, nhà xuất bản đã kiến nghị cơ quan chức năng cho điều chỉnh tăng giá, đồng thời tiết giảm nhiều chi phí ở khâu quản lý, phát hành nên mảng sách giáo khoa hiện hành bắt đầu có lãi, tính từ thời điểm này.
Trao đổi chung về lý do tăng trưởng trong năm 2021, đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục cho biết trong khó khăn về đại dịch COVID-19, nhà xuất bản phải có phương án rà soát giảm chi phí, cắt bỏ nhiều chi phí ở các khâu gián tiếp. Trong khi đó thị phần và lượng phát hành của năm 2021 tăng rõ rệt so với năm 2020.
Trước đó, nhà xuất bản này đã chia sẻ các yếu tố tham chiếu để tính giá sách giáo khoa mới. Ngoài yếu tố khách quan như số đầu sách, nội dung sách thay đổi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các yếu tố khác khiến giá sách cao hơn so với sách hiện hành là: chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm), chi phí vật tư, công in, chi phí marketing... để đáp ứng yêu cầu mới về sách giáo khoa.
Năm 2021, mặc dù trải qua đại dịch nhưng Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam vẫn đạt doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng, lãi ròng tới 287 tỉ đồng, chủ yếu nhờ phát hành sách giáo khoa.