Nhà xây sẵn ế ẩm, rao bán nửa năm không ai mua
Nhà xây thương mại từng được ví như “con gà đẻ trứng vàng” nhưng đến hiện tại, nhiều khu vực ghi nhận loại hình này trong tình trạng ế ẩm.
2018-2021 được ví như thời kỳ “hoàng kim” của loại hình nhà xây thương mại. Đánh trúng vào tâm lý chuộng sản phẩm nhà gắn liền với đất, nhà xây thường mại “hút” người mua nhà.
Một nhà đầu tư thời đó chia sẻ rằng: “Bán nhà xây thương mại rất thích vì khách đông. Cứ xây đến đâu, nhà thương mại hết đến đấy. Thậm chí, mới xuống móng, xây đến tầng 1 đã có khách tới đặt cọc, chuyển nhượng”.
Đó là giai đoạn mà các nhà đầu tư mạnh tay mua đất, đẩy mạnh hoạt động xây nhà thương mại khi nguồn lợi nhuận thu về đều đặn.
Lý giải về sức hút của dòng nhà xây thương mại, một nhà đầu tư (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, mức giá hợp lý cộng với loại hình nhà xây sẵn, thuận tiện khiến nhiều vợ chồng trẻ yêu thích. Thực tế, việc xây dựng nhà tại trung tâm Hà Nội cũng gặp nhiều bất cập khi thủ tục giấy tờ xin phép phức tạp. Điều này khiến cho người mua nhà phải lựa chọn nhà thương mại xây sẵn thay vì việc tìm kiếm khó khăn căn nhà do người dân xây.
Khảo sát ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư chủ yếu xây căn nhà từ 4-5 tầng, diện tích 30-32m2. Phần lớn nhà xây thương mại đều nằm trong ngõ nhỏ. Giá nhà xây thương mại tại Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) dao động từ 95-100 triệu đồng/m2 (bao gồm cả đất và nhà). Trong khi đó, tại Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), nhà xây thương mại được rao bán với giá 70-95 triệu đồng/m2.
Mức giá 100-120 triệu đồng/m2 được rao bán với các căn nhà phố tại La Dương, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội. Tại khu vực Ỷ La, Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), mức giá trung bình ở ngưỡng 85 triệu đồng/m2. Tại An Khánh, La Phù (Hoài Đức), mức giá nhà xây thương mại từ 70-85 triệu đồng/m2.
So với thời điểm đầu năm 2020, mức giá nhà xây thương mại tăng trung bình 15-25%. Mặc dù mức giá nhà xây thương mại neo ở ngưỡng cao nhưng tỷ lệ thanh khoản rất thấp. Theo chia sẻ môi giới khu vực Ỷ La (Hà Đông), khu vực La Phù, An Khánh, Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), lượng nhà xây thương mại thanh khoản rất thấp. Nhiều khu vực, số lượng căn còn tồn lên tới 30-40 căn.
Đơn cử như ở Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), có căn 5 tầng, diện tích 32m2 với mức giá 3,1 tỷ đồng đã rao bán hơn nửa năm nay nhưng chưa có khách chốt mua.
“Anh em môi giới chật vật rao bán nhưng thị trường rất trầm. Thời điểm tháng 3, tháng 4/2022, thị trường còn tốt, nhà xây thương mại dễ bán nhưng hiện tại đã khác. Nhiều chủ nhà cũng rao bán nhà tự xây cũng khó tìm người chốt”, môi giới ở Tây Mỗ chia sẻ.
Theo môi giới này, việc vay vốn ngân hàng khó là lý do rất lớn khiến khả năng thanh khoản nhà xây thương mại giảm. Đặc biệt là mức lãi suất tăng cao là trở ngại khiến người mua nhà lo ngại phải gồng nợ, lãi cao.
Một điểm khác nữa là người mua nhà e dè sự bất ổn của nền kinh tế. Trường hợp mất việc, họ khó xoay xở trả được khoản nợ, lãi. Bởi vậy, người mua nhà hướng tới chọn phương án an toàn như giữ tiền mặt, chấp nhận đi thuê. Mặt khác, một số người mua nhà chia sẻ, chính mức giá quá cao của loại hình nhà xây thương mại khiến họ không muốn xuống tiền. Họ chờ đợi sang năm 2023, sẽ xuất hiện tình trạng nhiều căn nhà hạ giá.
“Đã có chủ nhà phải giảm bớt lợi nhuận kỳ vọng từ 200-300 triệu để tìm chủ mới cho căn nhà. Tuy nhiên, người mua vẫn đến từ phần lớn nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính tốt”, môi giới ở khu vực Hà Đông chia sẻ.