Nhà văn trẻ: một thế hệ bị coi là nhạt cũng có quyền viết
Tại buổi tọa đàm "Văn học trẻ Hà Nội có gì mới" do Ban văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 10-6, một số tiếng nói văn chương trẻ đã cất lên để bảo vệ "quyền được viết" của mình ngay cả khi thế hệ họ bị dán nhãn là "nhạt".
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến dẫn dắt tọa đàm đã đặt câu hỏi phải chăng các nhà văn, nhà thơ trẻ hiện nay xa rời đời sống cần lao của nhân dân nên không có sự cộng hưởng và tri âm trong lòng bạn đọc.
Trong tham luận gửi tọa đàm, nhà văn trẻ Hiền Trang (tác giả truyện dài Chopin biến mất vừa đoạt giải 4 giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7) chia sẻ tâm sự công chúng và cả đồng nghiệp đòi hỏi nhà văn phải có vốn sống dồi dào khi viết, thứ mà những nhà văn trẻ, đặc biệt là "thế hệ bị coi là nhạt" của cô, khó có được.
Hiền Trang cho rằng đòi hỏi vốn sống dồi dào chỉ thu hẹp ở một dạng nhà văn. Còn có những dạng nhà văn khác, có những người viết về cái tri thức mình thu nạp được qua việc đọc chứ không phải bằng trải nghiệm sống. Với dạng nhà văn này, Hiền Trang cho rằng "đôi khi vốn đọc còn quan trọng hơn vốn sống, vì chỉ có đọc mới giúp người ta có thể đi tới vô cùng".
Bởi vậy, cô lên tiếng mạnh mẽ đòi quyền được viết: "Vì ai cũng có quyền viết nên cả những người như thế hệ chúng tôi, một thế hệ bị coi là nhạt, cũng được quyền viết".
Cây viết trẻ Đức Anh (tác giả Đảo bạo bệnh, Thiên thần mù sương …) cũng góp tiếng nói khi khẳng định thế hệ mình coi viết lách là con đường hiệu quả nhất để hiểu thế giới đang ngày càng lạ lùng chứ không phải là để truyền tải nỗi lòng, viết những câu chuyện từ trải nghiệm cá nhân, kinh nghiệm sống của mình như các bậc tiền bối. Một thế hệ đọc sách văn học dịch phương Tây, xem phim Mỹ… mang đến một diễn ngôn, phương thức biểu đạt khác với tiếng Việt của các cụ ngày trước.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ , nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cũng góp tiếng nói ủng hộ các cây bút trẻ khi khẳng định mỗi người viết trẻ hôm nay "hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa"; họ xa lạ với kiểu viết bản năng, ăn may, "tự ăn mình", "chuyện đời tự kể" như các thế hệ trước. Họ phong phú nhiều màu lắm vẻ, với phông nền văn hóa vững chắc. Ông mong các tiền bối "đừng là trở lực, mà nếu có thể thì trợ lực, để họ được thông thoáng vươn sải những đường bay".
Lâu nay nhiều người đặt vấn đề văn chương đang rời xa đời sống, lo lắng thế hệ nhà văn trẻ có thể không tiếp nối được các thế hệ đi trước.