Nhà tài phiệt đặt cược 10 tỷ đô khi giá một kim loại tăng hơn 200% trong chưa đầy 24h đang làm ăn ra sao?
Theo Bloomberg, công ty của tỷ phú niken không hề hấn gì sau cú sốc với thị trường hồi tháng 3 và thậm chí còn đang phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, trong khi công ty này vẫn bước tiếp, những người khác lại phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp.
14 giờ 8 phút tại Thượng Hải ngày 8/3, khoản đặt cược mạnh tay của ông Xiang Guangda vào việc niken rớt giá đã đi sai hướng. Hợp đồng tương lai của kim loại này khi đó tăng vọt lên trên 100.000 USD/tấn và khiến khoản đặt cược 10 tỷ USD "chìm sâu". Diễn biến này không chỉ là mối rủi ro khiến công ty ông phá sản mà còn gây ra một cú sốc như Lehman Brothers trong ngành giao dịch kim loại và đánh "sập" Sàn Giao dịch Kim loại London (LME).
Dẫu vậy, Xiang vẫn rất bình tĩnh. Trong vòng vài giờ, hơn 50 nhân viên ngân hàng đã đến văn phòng của ông để lên kế hoạch ứng phó với cuộc khủng hoảng này. Ông nói: "Tôi tự tin rằng chúng tôi có thể vượt qua."
Và, Xiang đã làm được.
4 tháng sau, giá niken đi xuống như Xiang đã dự đoán. Nhóm các ngân hàng do JPMorgan dẫn đầu cho Xiang vay tiền nay đã được hoàn trả đúng hạn. Ông đã đóng gần như toàn bộ vị thế bán khống đối với niken.
Điều quan trọng là, người đàn ông được mệnh danh là "Big Shot" trong giới giao dịch hàng hóa của Trung Quốc đã có thể cứu một bàn thua trông thấy với đế chế khai thác và luyện thép trị giá hàng tỷ USD của mình. Thậm chí, Tsingshan Holding Group Co. vẫn không hề hấn gì sau cú sốc này và còn đang phát triển lớn mạnh.
Tuy nhiên, trong khi Xiang vẫn bước tiếp, những người khác lại phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp. Việc Tsingshan "thoát chết" ngoạn mục là nhờ phần lớn các hành động mà LME đưa ra khi đó. Động thái này đã gây tranh cãi, vì LME can thiệp để ngăn cản đà tăng nóng và sau đó ngừng giao dịch cho đến khi Xiang đạt được thỏa thuận với các ngân hàng.
Ngày 7 và 8/3, giá niken tăng 250% trong chưa đầy 24 giờ đã đẩy ngành giao dịch hàng hóa vào trạng thái hỗn loạn, gây ra khoản lỗ hàng tỷ USD cho các trader bán khống và khiến Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) ngừng giao dịch lần đầu tiên sau 3 thập kỷ. Ngoài ra, tình trạng này cũng đánh dấu sự gián đoạn lớn nhất cho thị trường tài chính kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đà tăng phi mã của niken phần lớn được thúc đẩy bởi đợt short squeeze nhắm vào nhà tài phiệt Trung Quốc - Xiang Guangda. Ông đã đặt cược lớn rằng giá niken sẽ sụt giảm, thông qua Tshingshan. Trong đợt "ép mua" này, việc giá tăng nhanh sẽ khiến phe bán khống buộc phải mua vào để "cover" cho khoản lỗ của mình thông qua các nhà môi giới hay ngân hàng đại diện. Do đó, hành động này cũng sẽ đẩy giá lên cao hơn nữa.
Xiang đã nhắm đến khoản đặt cược này từ năm ngoái, khi giá niken cùng các loại hàng hóa khác tăng từ mức thấp trong thời kỳ đại dịch. Xiang không tin rằng đà tăng này sẽ kéo dài. Ông bắt đầu tăng vị thế bán khống của mình trên LME. Xiang không chỉ là một trader ngành tài chính, đặt cược vào biến động giá, ông còn kinh doanh niken.
Vào tối ngày 8/3, một loạt nhân viên cấp cao của các ngân hàng đã đến trụ sợ của Tsingshan để yêu cầu công ty này phản hồi. Khoảng 10 ngân hàng cùng các nhà môi giới đã có mặt, họ là những đối tác đã làm việc với Xiang trong nhiều năm. Xiang chật vật với những lần margin call vì vụ đặt cược thất bại và hiện ông vẫn nợ mỗi ngân hàng hàng trăm triệu USD.
LME buộc phải can thiệp và tạm dừng giao dịch khi giá niken đạt 100.000 USD. Ngoài ra, sàn cũng hủy bỏ hàng loạt giao dịch trị giá hàng tỷ USD và đưa giá trở lại 48.078 USD - giá đóng cửa phiên hôm trước. Để mở cửa trở lại, LME đề xuất một giải pháp: Xiang cần đạt được thỏa thuận với những bên nắm giữ vị thế mua để đóng vị thế của mình. Nhưng giá 50.000 USD sẽ cao hơn gấp đôi khi ông đặt lệnh bán khống, đồng nghĩa với khoản lỗ hàng tỷ USD.
Xiang muốn tăng sản lượng của Tsingshan bằng cách sản xuất niken mạ cho pin xe điện. Công ty này có kế hoạch sản xuất 850.000 tấn niken vào năm 2022, tăng 40% trong 1 năm, theo nguồn tin thân cận. Trong khi không có nhiều nhà quan sát tin rằng Xiang có thể đạt mục tiêu sản lượng, thì Xiang vẫn rất tự tin. Theo ông, hậu quả rõ ràng của việc quá nhiều niken được đưa ra thị trường đó là giá sẽ sụt giảm.
Mọi thứ đã thay đổi khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga là nhà sản xuất niken lớn thứ 3 thế giới và nhà xuất khẩu niken tinh luyện lớn nhất - đây là loại hàng hóa có thể phân phối trên LME. Mặc dù niken của Nga không phải chịu lệnh trừng phạt, nhưng các doanh nghiệp phương Tây vẫn tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Khi giá tăng vọt và LME tạm ngừng giao dịch, các công ty sử dụng niken - như nhà máy thép không gỉ và sản xuất pin cho xe điện, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Một số đã phải ngừng nhận đơn đặt hàng mới. Trên LME, các dealer (nhân viên kinh doanh) đã phải thu hồi yêu cầu margin call từ khách hàng không thể thanh toán và ít nhất 1 công ty đã phải nhờ công ty mẹ hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, các ngân hàng đại diện của Tsingshan vẫn rất bất an. Nếu Xiang từ chối trả tiền, họ sẽ phải kiện ông lên tòa án ở Indonesia và Trung Quốc. Hơn nữa, Xiang còn giao dịch niken thông qua nhiều thực thể khác như chi nhánh sản xuất pin Ruipu Energy Co. ở Hong Kong và không rõ liệu các ngân hàng có thể thu giữ tài sản có giá trị nhất của Tsingshan hay không. Họ chia sẻ, nếu mọi chuyện không thuận lợi, sự nghiệp của họ sẽ kết thúc.
JPMorgan là ngân hàng dẫn đầu thỏa thuận với Tsingshan. Nhóm này bao gồm một số ngân hàng quốc tế như Standard Chartered và BNP, nhưng nhiều ngân hàng Trung Quốc và Singapore trong đó lại có ít kinh nghiệm giải quyết những tình huống như thế này.
Xiang nói với các ngân hàng rằng ông không có ý định đóng vị thế với mức giá gần 50.000 USD. Ông cho biết Tsingshan là công ty có tiềm lực và được chính phủ hỗ trợ, nên sẽ không lùi bước.
Ông viết ra một danh sách các tài sản sẵn sàng để thế chấp, bao gồm: một chuỗi nhà máy ferroniken ở Indonesia. Tuy nhiên, đối với một số ngân hàng thì như thế vẫn là chưa đủ. Họ không thể thẩm định tài sản ở Indonesia chỉ trong vài tuần hay vài tháng, ngay cả những đối tác thường xuyên làm việc với Tsingshan cũng không thể đến thăm những cơ sở này do ảnh hưởng của đại dịch.
Do đó, Xiang đã đưa ra thỏa thuận nhượng bộ hơn, đó là đảm bảo bằng danh dự cá nhân. Nếu Tsingshan không trả nợ, các ngân hàng có thể sa thải ông khỏi chính công ty của mình.
Các ngân hàng không có nhiều sự lựa chọn. Ngày 14/3, 1 tuần sau khi thị trường niken rơi vào hỗn loạn, Tshingshan đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng, họ đồng ý không đòi khoản nợ vài tỷ USD trong 1 thời gian. Về phía Xiang, ông đồng ý với mức giảm giá mà các ngân hàng đưa ra để giảm vị thế niken, đó là dưới khoảng 30.000 USD.
Khi thị trường mở cửa trở lại 2 ngày sau đó, giá niken đi xuống và căng thẳng của Xiang cùng các ngân hàng đã giảm bớt. Giá giảm nhẹ dưới 30.000 USd cho phép Tsingshan "cover" khoảng 20% vị thế bán khống của mình.
Dẫu vậy, áp lực với LME ngày càng gia tăng. Các cơ quan quản lý của sàn này đã đánh giá lại về hoạt động quản trị và giám sát. Fed Dallas và IMF cũng chỉ trích sàn giao dịch này, nhiều quỹ phòng hộ cũng tức giận trước quyết định hủy bỏ giao dịch của LME.
Sau đợt giảm giá, niken vẫn ở trạng thái lấp lửng và dao động khoảng 33.000 USD. Tsingshan vẫn nắm giữ vị thế bá khống lớn, có nghĩa là công ty này và các ngân hàng vẫn có thể chịu thiệt lại lớn nếu giá tăng trở lại. Cuối cùng, vào tháng 5, niken giảm mạnh xuống dưới 30.000 USD do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa của Trung Quốc. Trong các tuần tiếp theo, Tsingshan cắt giảm vị thế từ 150.000 tấn đầu tháng 3 xuống còn 60.000 tấn.
Hiện tại, giá niken đã thấp hơn mức thỏa thuận ngừng margin call của Tsingshan và các ngân hàng vào đầu tháng 3. Do đó, Xiang không còn nợ nữa và ông cũng đề xuất loại bỏ thỏa thuận đảm bảo cá nhân trước đây. Tuy nhiên, JPMorgan lại không đồng ý.
Đây không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy cuộc khủng hoảng khiến mối quan hệ giữa Xiang và các ngân hàng bị rạn nứt. Hồi tháng 6, khi những lo ngại về suy thoái lan trần trên thị trường toàn cầu, vị thế bán khống của Xiang lại được coi hợp lý. Ông yêu cầu một số ngân hàng đại diện "linh hoạt" một chút, cho phép duy trì vị thế này lâu hơn thỏa thuận, nhưng JPMorgan cũng từ chối. Cuối tháng 6, Xiang cắt giảm thêm vị thế, hiện chỉ còn dưới 20.000 tấn.
Nguồn tin thân cận tiết lộ, ước tính Tsingshan chịu lỗ khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Xiang lại không bận tâm, bởi số tiền này đã được bù đắp bởi gần như toàn bộ lợi nhuận hoạt động kinh doanh niken của công ty trong cùng kỳ.
Giờ đây, doanh nhân "Big Shot" vẫn tiếp tục kinh doanh, tập trung cho các kế hoạch tương lai của Tsingshan - với doanh thu 56 tỷ USD vào năm ngoái. Dù bị giới hạn mức độ giao dịch trên LME, nhưng ông vẫn có thể tiếp tục đặt cược trên sàn SFE. Ông còn có tham vọng mở rộng hoạt động, không chỉ là ở châu Á mà còn châu Phi.
Hơn nữa, Tsingshan vẫn có tiềm lực lớn trên thị trường niken. Sản lượng của các nhà máy ở Indonesia đã tăng lên - chính là yếu tố đẩy giá niken giảm như Xiang dự đoán.
Dẫu vậy, LME đã đang đối diện với hậu quả. Các nhà quản lý đã chỉ ra rằng cú sốc này là dấu hiệu của những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường hàng hóa và cần có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với toàn bộ lĩnh vực này. Thị trường niken cho đến nay vẫn hỗn loạn, khi cả khối lượng mở và giao dịch đều thấp hơn đáng kể khi các trader né tránh sàn LME.
Jim Lennon - nhà theo dõi thị trường niken kỳ cựu và giám đốc điều hành của Red Door Research, ước tính chưa đến 25% sản lượng niken toàn cầu đang được giao dịch trên LME, giảm so với mức 50% trước cuộc khủng hoảng này. Ông nói: "Nhiều ngành đã rời khỏi LME. Thị trường vẫn hoạt động nhưng có rất nhiều khó khăn."
Tham khảo Bloomberg