Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi: “Tồn tại được là chính”
Ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, đã đề cập trong bài viết rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với tình trạng suy thoái và suy giảm khả năng tiêu thụ. Huawei cần thay đổi tư duy và chính sách kinh doanh của mình, từ theo đuổi quy mô sang theo đuổi lợi nhuận và dòng tiền, để đảm bảo rằng công ty sẽ tồn tại trong cuộc khủng hoảng trong 3 năm tới.
Sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính (CFO) của Huawei và cũng là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, trở thành chủ tịch luân phiên của công ty, doanh thu và lợi nhuận ròng của Huawei không được khởi sắc. Vào ngày 23/8, ông Nhậm Chính Phi cho biết trong một bài viết nội bộ rằng “coi tồn tại được là cương lĩnh chính”.
Vào ngày 23/8, theo trang tài chính kinh tế Yicai.com tại Trung Quốc Đại Lục đưa tin, từ nhiều nguồn nhận được, diễn đàn nội bộ của Huawei vào chiều ngày 22/8 đã đăng bài viết “Phương châm kinh doanh của toàn bộ công ty cần chuyển từ theo đuổi quy mô sang theo đuổi lợi nhuận và dòng tiền”.
“Coi tồn tại được làm cương lĩnh chủ yếu, thu nhỏ và đóng cửa tất cả các nghiệp vụ bên lề, và truyền không khí lạnh cho tất cả mọi người.”
Vào ngày 12/8, trang web chính thức của Huawei đã công bố kết quả hoạt động của Huawei trong nửa đầu năm 2022. Dữ liệu cho thấy trong nửa đầu năm nay, Huawei đạt doanh thu bán hàng là 301,6 tỷ nhân dân tệ, giảm khoảng 5,87% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận ròng là 5%, giảm 4,8% so với một năm trước đó.
Trong đó, doanh thu hoạt động kinh doanh nhà điều hành mạng là 142,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kinh doanh doanh nghiệp là 54,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kinh doanh thiết bị đầu cuối (kinh doanh tiêu dùng) là 101,3 tỷ nhân dân tệ, giảm 25,35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ năm 2003, hoạt động kinh doanh tiêu dùng của Huawei đã duy trì xu hướng tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, vào năm 2021, mảng kinh doanh tiêu dùng bất ngờ bị thụt lùi nghiêm trọng, hoàn toàn chấm dứt xu hướng tăng trưởng dương trong liên tiếp nhiều năm.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho thấy, thị phần của Huawei trong phân khúc giá trên 400 USD giảm từ 13% vào năm 2020 xuống còn 6% vào năm 2021. Mặc dù Huawei vẫn duy trì thứ hạng thị phần toàn cầu thứ ba, nhưng thị phần bán hàng của họ kém xa so với Apple và Samsung.
Ngày 28/3, Huawei đã tổ chức một cuộc họp báo về báo cáo thường niên năm 2021. Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, con gái của ông Nhậm Chính Phi là bà Mạnh Vãn Châu, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau khi trở về Trung Quốc.
Ngày 1/4, Huawei thông báo công ty đã hoàn tất việc bầu ban giám sát, bầu chủ tịch hội đồng quản trị, giám sát viên và giám sát viên dự khuyết.
Thông tin tầng quản lý được cập nhật trên trang web chính thức của Huawei cho thấy, ông Quách Bình (Guo Ping) không còn là chủ tịch luân phiên của Huawei. Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu đã trở thành chủ tịch luân phiên của Huawei, cùng luân phiên với ông Hồ Hậu Côn (Hu Houkun) và ông Từ Trực Quân (Xu Zhijun); ông Quách Bình được chuyển sang làm chủ tịch hội đồng giám sát của Huawei. Ngoài ra, ông Đinh Vân (Ding Yun), một trong ba giám đốc điều hành ban đầu của Huawei, cũng được luân chuyển làm phó chủ tịch hội đồng giám sát của Huawei.
Chủ tịch luân phiên là lãnh đạo cao nhất của Huawei, người được luân chuyển sáu tháng một lần và trách nhiệm của chủ tịch luân phiên bao gồm tổ chức các cuộc họp của hội đồng quản trị và ủy ban điều hành của công ty. Chủ tịch luân phiên là một đặc điểm tổ chức công ty khác thường của công ty tư nhân Huawei, đặt quyền lực vào tay người sáng lập Nhậm Chính Phi và một số giám đốc điều hành lâu năm của công ty, chức vị này có quyền phủ quyết.
Reuters đưa tin, bà Mạnh Vãn Châu, người đóng vai trò trung tâm trong cuộc xung đột của Huawei với Mỹ, đã bị bắt giữ tại Canada vào năm 2018 liên quan đến nỗ lực của một công ty liên kết với Huawei để bán thiết bị cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau đó, Mỹ đã áp đặt một loạt các hạn chế thương mại đối với Huawei trong năm 2019 và 2020, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Điều này cản trở khả năng của Huawei trong việc tự thiết kế chip và có được nguồn linh kiện từ các nhà cung cấp bên ngoài, làm suy yếu hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng.
Lý Chính Hâm, Vision Times
Vì sao SMIC khó sản xuất chip cao cấp quy trình 7nm? Gần đây, công luận quốc tế dấy lên quan tâm về việc liệu SMIC có thể đã thành công làm chủ quy trình chip 7 nanomet (nm) hay không.