Nhà sáng lập đặt tên công ty theo tên con gái, thành ông chủ của đế chế tỷ 'đô' nhưng lại hối hận và phải xin lỗi con

Chia sẻ Facebook
17/06/2022 05:02:34

Tại sao công ty thành công rực rỡ, mở hơn 1.000 chi nhánh khắp nước Mỹ trong 1 thập kỷ mà nhà sáng lập lại xin lỗi con gái vì tên thương hiệu?


Dave Thomas là một chủ sở hữu một cửa hàng nhượng quyền thương hiệu Kentucky Fried Chicken (KFC) thành công ở Columbus (Ohio, Mỹ). Năm 1969, ông gặp khó khăn trong việc tìm tên cho một loại hamburger mới do ông nghĩ ra.

Thời điểm đó, thị trường burger đang trở nên bão hòa. Tuy nhiên, Thomas tin rằng vẫn có cơ hội để thu hút những người trẻ tuổi (thuộc thế hệ Baby Boomer, sinh từ năm 1946 đến 1964). Theo ông, họ muốn thưởng thức thịt bò tươi và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một chiếc burger chất lượng tốt.

Thomas muốn đặt tên nhà hàng theo tên một trong năm người con của ông và biến nó thành cơ sở kinh doanh gia đình. Thế nhưng không có cái tên nào phù hợp với tính "hoài cổ" – giá trị mà ông muốn tạo ra cho doanh nghiệp.

Dave Thomas tại một cửa hàng Wendy's (Ảnh: Internet).

Từ những gì học được của nhà sáng lập KFC, Thomas nhận ra giá trị của việc sử dụng linh vật để tạo ra cảm tình với khách hàng. Khi đang loay hoay với việc đặt tên, Thomas đã tìm được cái tên hoàn hảo nhờ đứa con thứ tư.

Melinda Lou - con gái 8 tuổi của Thomas, được gia đình đặt biệt danh là Wenda vì các anh chị em của Melinda không thể phát âm đúng cái tên này. Sau này, mọi người bắt đầu gọi Melinda là Wendy.

Thomas cho biết một ngày nọ, Wendy buộc tóc và kéo hai bím tóc sang hai bên rồi chụp ảnh bằng máy ảnh của ông. Bản thân cô và Thomas khi đó không nghĩ rằng hình ảnh đó sau này lại trở thành biểu tượng của một trong những hãng đồ ăn nhanh được cả thế giới biết đến.

Tên đầy đủ mà Thomas chọn là "Wendy's Old Fashioned Hamburgers" - gợi lên sự hoài cổ. Mặc dù vậy, sau này, Thomas chia sẻ rằng ông thấy hối hận vì quyết định chọn cái tên "Wendy’s" bởi điều đó đã gây ra quá nhiều sự chú ý không mong muốn và áp lực cho Melinda.

"Quyền riêng tư của con bé bị ảnh hưởng ít nhiều. Không ít người vẫn coi Melinda là người phát ngôn chính thức của công ty. Vì thế, con bé có xu hướng cẩn trọng với phát ngôn và hành động của mình", Thomas viết trong một cuốn tự truyện.

Trước khi Thomas qua đời năm 2002, ông đã xin lỗi Melinda vì đặt tên nhà hàng theo biệt danh "Wendy". "Cha lẽ ra nên đặt tên công ty theo tên mình. Cái tên Wendy đã gây áp lực rất lớn cho con", Thomas nói.

Ảnh: Internet.


Nhà hàng Wendy's đầu tiên được mở tại trung tâm thành phố Columbus năm 1969. Theo Thomas, burger của hãng đắt gấp đôi các chuỗi cửa hàng đối thủ nhưng chất lượng cũng cao hơn hẳn.

Những người thuộc thế hệ Baby Boomer nhanh chóng trở thành khách hàng thân thiết của Wendy’s. Sau một thời gian, hãng bổ sung vào thực đơn những lựa chọn như salad, khoai tây nướng, bánh nhồi và một số món khác.

Vào giữa những năm 1970, 82% khách hàng của Wendy là người trên 25 tuổi - khác biệt rõ rệt với tất cả các đối thủ cạnh tranh khác. Trong vòng một thập kỷ, Wendy’s đã phát triển thành chuỗi có hơn 1.000 cơ sở trên khắp nước Mỹ.

Bản thân Thomas đã trở thành gương mặt đại diện cho thương hiệu, xuất hiện trong hơn 800 quảng cáo của hãng từ năm 1989 cho đến khi ông qua đời năm 2002. Sách Kỷ lục Guinness Thế giới đã công nhận chiến dịch quảng cáo của Wendy’s là "Chiến dịch quảng cáo truyền hình dài nhất có sự tham gia của người sáng lập công ty".

Thomas thường xuất hiện trong chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay và cà vạt đỏ để quảng bá burger của Wendy’s. Thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường của công ty đạt gần 4 tỷ USD.


Nguồn: CNN


https://cafebiz.vn/nha-sang-lap-dat-ten-cong-ty-theo-ten-con-gai-thanh-ong-chu-cua-de-che-ty-do-nhung-lai-hoi-han-va-phai-xin-loi-con-20220613111153677.chn

Chia sẻ Facebook