Nhà sản xuất giấy vệ sinh lâu đời phá sản, nước Đức lo ngại làn sóng doanh nghiệp đổ vỡ dây chuyền vì khủng hoảng năng lượng
Trong bối cảnh lo ngại khủng hoảng vợt ngoài tầm kiểm soát, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tới UAE để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt.
“Không phải tiếp theo sẽ là mì ống chứ?”. Người dân Đức đã phải thốt lên vào đầu tháng này khi nghe tin nhà máy sản xuất giấy vệ sinh phá sản.
Sau tất cả, nếu giấy vệ sinh là mặt hàng siêu thị được tìm kiếm nhiều thứ hai trong thời gian cao điểm của đại dịch thì mì ống là mặt hàng đứng đầu danh sách.
Người tiêu dùng được chia rất nghiêm ngặt, mỗi người chỉ được mua 1-2 túi giấy vệ sinh để đảm bảo rằng ai cũng có phần. Nhưng sau khi bùng nổ trong thời gian đại dịch, thương hiệu giấy vệ sinh Hakle, vốn nổi tiếng với loại giấy cuộn 3 lớp “mang lại sự thoải mái từ năm 1928”, đã bị một cú sốc do khủng hoảng năng lượng.
Đây là nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ đầu tiên của Đức sụp đổ vì chi phí năng lượng và nguyên liệu tăng cao. Nhiều ý kiến cho rằng sẽ còn nhiều công ty khác đệ đơn phá sản.
Tuần trước, Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich đã hạ dự đoán tăng trưởng của Đức. Họ tuyên bố rằng nước Đức đang tiến vào mùa đông suy thoái.
Ifo dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm 0,3% trong năm 2023, sau khi tăng 1,6% trong năm 2022. Lạm phát được dự báo sẽ đạt 8,1% trong năm nay và 9,3% vào năm sau.
Timo Wollmershäuser, người đứng đầu dự báo của Ifo, cho biết: “Việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt từ Nga vào mùa hè này và sự tăng giá mạnh mẽ đang tàn phá sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19”. Ông cho biết tình hình sẽ không trở lại bình thường cho đến năm 2024, khi mà Đức được kỳ vọng có mức tăng trưởng 1,8% và lạm phát 2,4%.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ công du vùng Vịnh vào cuối tuần này để đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, trong bối cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: “Nguồn cung cấp khí đốt đang dần được mở rộng và chính phủ thường xuyên đàm phán với nhiều quốc gia, cũng như với các quốc gia trên bán đảo Ả Rập”.
Hoạt động sản xuất giấy tiêu tốn nhiều năng lượng. Hakle đã sử dụng 60.000 MWh khí đốt và 40.000 MWh điện mỗi năm. Công ty cho biết chi phí năng lượng tăng quá nhanh nên họ đã không kịp tăng giá sản phẩm. Khách hàng cũng chuyển dần sang dùng giấy cuộn hai lớp rẻ hơn.
Các ông chủ công ty, chủ cửa hàng và nhân viên khắp nước Đức đang công khai bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát.
Họ đặt câu hỏi về sự lạc quan của ông Scholz khi ông hy vọng rằng “nếu chúng ta vượt qua được mùa đông này, chúng ta có cơ hội tốt để mùa hè và mùa đông tới mọi thứ sẽ thoải mái hơn”.
Eckehard Vatter là một người làm bánh ở Hanover, miền bắc nước Đức. Ông có 35 cửa hàng và thuê 430 nhân viên. Ông mới đây đã lên báo sau khi hóa đơn gas của ông tăng 1.200% lên 75.000 euro (65.800 bảng Anh) một tháng.
Ông cùng khoảng 1.000 người thợ làm bánh các đã xuống đường biểu tình hôm 14/9. Ông nói: “Họ có bị mất trí không? Chúng tôi sẽ phải tắt lò”. Những người biểu tình giơ biểu ngữ nói rằng các chính trị gia đưa họ vào cuộc khủng hoảng lớn nhất mọi thời đại và kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp của nhà nước.
Yasmin Fahimi, người đứng đầu Liên hiệp Công đoàn Đức (DGB), cho biết bà lo ngại quá nhiều thách thức đến cùng một lúc sẽ mang đến hậu họa. Bà nói: “Một số công ty đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc. Điều này có nguy cơ tạo ra hiệu ứng domino mà có thể dẫn đến tình trạng phi công nghiệp hóa của Đức. Đây sẽ là một thảm họa”.
Bà kêu gọi chính phủ bảo vệ những công ty đang bấp bênh, đặc biệt do sử dụng nhiều năng lượng, "để đảm bảo rằng họ có thể duy trì khả năng sản xuất tối thiểu. Khi mọi thứ trở nên tốt hơn, họ có thể vực dậy một lần nữa. Những người bây giờ phá sản, sẽ không bao giờ quay trở lại. Chúng ta cần phải nói rõ về điều đó”.
Nhiều công ty đang giảm sản lượng đến mức tối thiểu. Một số trường hợp khác như nhà máy thép ArcelorMittal tại các cảng Hamburg và Bremen đang có kế hoạch đóng cửa "cho đến khi có thông báo mới".
Kịch bản này đang diễn ra trên khắp nước Đức, tác động hầu hết vào các ngành công nghiệp sử dùng nhiều năng lượng như thép, vật liệu xây dựng, thủy tinh, giấy, hóa chất. Những ngành này vốn là xương sống của nền kinh tế Đức. Tình trạng “phi công nghiệp hóa” mà Fahimi lo sợ là điều có thể xảy ra.
Trong khi đó, ở những nơi khác có chi phí sản xuất và năng lượng rẻ hơn đang thu hút một số doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất. Nhưng trong trường hợp công ty có hàng trăm nghìn chi nhánh như Mittelstand, với quy mô vừa và nhỏ, thường do gia đình quản lý và trung thành với một địa điểm cụ thể, thì việc dịch chuyển hầu như không phải là một lựa chọn.
Theo Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI), 90% công ty cho rằng mức giá năng lượng và nguyên liệu thô là “có sức ảnh hưởng lớn” hoặc là “thách thức tồn vong”. Đối với ammoniac, thành phần quan trọng trong ngành nông nghiệp để sản xuất phân bón, các nhà sản xuất như BASF đã giảm sản lượng đến mức tối thiểu và buộc phải mua hóa chất này từ các thị trường rẻ hơn trên thế giới.
Volker Jung, người đứng đầu công ty sản xuất giấy vệ sinh Hakle phá sản, đã kêu gọi nhà nước trợ giá năng lượng. Ông nói rằng nếu không thì mọi người sẽ phải đặt câu hỏi rằng “liệu nước Đức có còn khả năng để sản xuất giấy trở lại hay không”.
Wolfgang Große Entrup, người đứng đầu Hiệp hội Hóa chất Đức (VCI), đã cảnh báo về nguy cơ Đức tạo ra sự phụ thuộc mới trong thời điểm mà nước này nên tìm cách làm ngược lại.
Một cuộc khảo sát khác gần đây đã cho thấy niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 1949. Đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng cao, các hộ gia đình đang suy nghĩ lại về chi tiêu, từ các kỳ nghỉ đến mua sắm và ăn uống.
Các doanh nghiệp cũng đang làm như vậy. Họ tránh đầu tư mới và thay vào đó là tổ chức các cuộc họp bàn về cách có thể giảm nhiệt trong các nhà máy và văn phòng.
Ngày càng có nhiều công ty cho công nhân của họ nhận “Kurzarbeit”, hay viện trợ ngắn hạn của chính phủ. Trợ cấp Kurzarbeit được đưa ra lần đầu tiên vào những năm 1920 để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế của Cộng hòa Weimar, và sau đó được sử dụng để tạo ra hiệu quả đáng kể trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sự sẵn sàng hỗ trợ người lao động này được coi là rất quan trọng nếu Đức có cơ hội trỗi dậy khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhưng ngày càng có nhiều câu hỏi được đặt ra rằng nước Đức sẽ có thể cầm cự như vậy trong bao lâu?
Theo: The Guardian