Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới “tấn công” vào châu Âu

Chia sẻ Facebook
09/08/2023 23:20:59

Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 10 tỷ Euro ở Dresden, Đức, trong đó có một nửa do chính phủ nước này tài trợ.


Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC, cùng với 3 công ty đồng minh, sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 10 tỷ Euro (11 tỷ USD) ở Đức. Thông báo được đưa ra khi nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, và Đức cũng đẩy mạnh việc thu hút các nhà sản xuất chip máy tính và chất bán dẫn quốc tế.


Tập đoàn có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) đã hợp tác với nhà cung cấp ô tô Bosch và các nhà sản xuất chip Infineon (Đức) và NXP (Hà Lan) để xây dựng nhà máy ở thành phố Dresden, 4 công ty cho biết trong một tuyên bố chung hôm 8/8.


4 công ty sẽ thành lập một thực thể mới, đó là Công ty sản xuất chất bán dẫn châu Âu. Hội đồng quản trị của TSMC đã phê duyệt khoản đầu tư vốn cổ phần lên tới 3,5 tỷ Euro vào công ty này.

Liên doanh mới đã được ra mắt hôm 8/8, trong đó công ty Đài Loan sẽ sở hữu 70%, trong khi 3 đối tác châu Âu nắm giữ 10% cổ phần. Việc sản xuất dự kiến ​​bắt đầu vào cuối năm 2027, và quyết định đầu tư cuối cùng phụ thuộc vào số tiền tài trợ từ chính phủ Đức.

Theo Financial Times, chính phủ Đức đã cung cấp cho TSMC khoản trợ cấp 5 tỷ Euro để hỗ trợ cho dự án. Bộ Kinh tế Đức cho biết, sự hỗ trợ của họ phù hợp với các tiêu chí của Đạo luật chip châu Âu, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã cấp giấy phép miễn trừ để cho phép việc xây dựng bắt đầu nhanh chóng.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nhà máy này sẽ “đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo nguồn cung chip bán dẫn cho Đức và châu Âu”. Ảnh: almayadeen.net

Dự án mới góp phần giúp Đức thực hiện chiến lược trở thành một trung tâm sản xuất chip hàng đầu của châu Âu, đồng thời đánh dấu bước đột phá đầu tiên của TSMC vào châu lục này. Nó cũng cho thấy sự thay đổi chiến lược của TSMC từ việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào cơ sở sản xuất Đài Loan sang một số trung tâm sản xuất ở các khu vực khác.

Việc hợp tác cũng tăng cường nỗ lực của EU trong việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn bản địa nhằm tránh cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung và củng cố nguồn cung chip của chính mình trong trường hợp có sự gián đoạn trong tương lai ở eo biển Đài Loan.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra 18 tháng trước, châu Âu đã đầu tư vào việc đa dạng chuỗi ung ứng. Với cách tiếp cận này, họ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và các đối tác thương mại khác đối với các công nghệ chủ chốt.


Khoản đầu tư của TSMC được công bố 2 tuần sau khi EU thông qua Đạo luật Chips trị giá 43 tỷ USD nhằm mục đích “tăng gấp đôi thị phần toàn cầu của EU về chất bán dẫn, từ 10% hiện nay lên ít nhất 20% vào năm 2030” .


Nguyễn Tuyết (Theo Financial Times, SCMP)

Chia sẻ Facebook