Nhà nước nhận bàn giao và “trả lại tên” cho công viên Thủ Dầu Một
Công viên tự nhiên lớn nhất tại đô thị trung tâm của Bình Dương từng được giao cho doanh nghiệp nhưng nay được trả lại cho Nhà nước và đặt lại theo tên gọi cũ.
Ngày 30-4, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và UBND thành phố Thủ Dầu Một đã tham dự lễ công bố nghị quyết về việc đặt tên Công viên Thủ Dầu Một và các hoạt động chào mừng, hưởng ứng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của thành phố.
Đây là sự kiện đánh dấu chính thức công viên Thủ Dầu Một được trả lại tên gọi, theo nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Dương (được thông qua từ tháng 9-2021).
Công viên Thủ Dầu Một là công viên tự nhiên hình thành từ lâu, có vị trí đắc địa ở trung tâm của đô thị, với mặt tiền tiếp giáp quốc lộ 13.
Diện tích ban đầu của của công viên rộng khoảng 8,8ha, ngoài ra có phần diện tích khá lớn mà doanh nghiệp tự bỏ vốn đền bù, mua đất của người dân.
Trước đây, công viên này do UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu Một quản lý, nhưng từ năm 2007 được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty thương mại – xuất nhập khẩu Thanh Lễ (doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh) quản lý theo chủ trương xã hội hóa và đổi tên thành "Công viên văn hóa Thanh Lễ".
Sau khi Tổng công ty Thanh Lễ cổ phần hóa, từ năm 2018, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản chấp thuận bàn giao công viên về UBND thành phố Thủ Dầu Một tiếp tục quản lý, sử dụng.
Tới đầu tháng 4-2022, việc bàn giao chính thức được thực hiện và nay công viên được công bố đổi tên (trước mắt Nhà nước tiếp nhận phần diện tích tự nhiên của công viên, còn phần diện tích do doanh nghiệp tự đền bù sẽ tiếp tục xem xét).
Bà Nguyễn Thu Cúc – Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một – cho biết bên cạnh việc tiếp nhận và công bố tên gọi "công viên Thủ Dầu Một", nhiều hoạt động văn hóa, giải trí, triển lãm thành tựu kinh tế, xã hội cũng được cơ quan chức năng thành phố triển khai.
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cũng sẽ nghiên cứu quy hoạch lại khu vực công viên Thủ Dầu Một theo hướng tăng cường tiện ích và tạo ra không gian công cộng phức hợp gồm công viên – bảo tàng – thư viện... để phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Các khu nghĩa địa cũ không còn được chôn cất, để hoang hóa nay được di dời và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như trường học, công viên…