Nhà nguyện Sistine và bức “Chúa Trời tạo ra Adam”

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 14:38:01

Đến tận ngày nay, chúng ta vẫn không thể không tán thán khi đứng trước nhà thờ thánh Peter, mái vòm và tranh trên trần nhà nguyện Sistine...


Nói tới Rome, người ta không thể không nhắc tới những tuyệt tác Phục Hưng xoay quanh tín ngưỡng của nền văn hóa phương Tây vào Chúa Trời. Cho đến tận ngày nay, chúng ta vẫn không thể không tán thán khi đứng trước nhà thờ thánh Peter, các mái vòm và bức tranh trên trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo, hay những bức họa nổi tiếng của Leonardo da Vinci. Có thể bạn chưa nghe kể về nhà nguyện Sistine, nhưng chắc hẳn là bạn đã từng nhìn thấy bức “Creation of Adam” (Tạm dịch: Chúa Trời tạo ra Adam)…

Bức “Chúa Trời tạo ra Adam” (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Chúa Trời tạo ra Adam ” có lẽ là một trong những bức họa nổi tiếng nhất trên thế giới, một tác phẩm độc nhất vô nhị. Nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều sáng tác nghệ thuật sau này, bao gồm cả những bộ phim Hollywood thời hiện đại.


Thực ra bức “ Chúa Trời tạo ra Adam ” chỉ là một trong rất nhiều tuyệt tác trên trần nhà nguyện Sistine tại Vatican. Đó là một tổ hợp tác phẩm đáng ngưỡng mộ của họa sĩ, nhà thơ, nhà điêu khắc đại tài Michelangelo và là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật Phục Hưng vào thế kỷ 16. Tổ hợp tác phẩm này miêu tả lại những câu chuyện trong Kinh Thánh, tập trung vào Sách Sáng Thế.

Hình ảnh Chúa Trời phân chia ánh sáng và bóng tối, một tác phẩm khác bên trong tổ hợp (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Theo yêu cầu của Giáo hoàng Julius II, Michelangelo đã vẽ trần nhà nguyện Sistine trong vòng 4 năm từ 1508 tới 1512. Trung tâm của tổ hợp tác phẩm trên trần nhà nguyện là 9 chi tiết được kể trong Sách Sáng Thế, theo thứ tự bao gồm:

Chúa Trời phân chia ánh sáng và bóng tối Chúa Trời sáng tạo mặt trời, mặt trăng và trái đất Chúa Trời phân rẽ đất và biển Chúa Trời tạo ra Adam Chúa Trời tạo ra Eve Cám dỗ và loài người sa đọa Noah hiến tế Đại hồng thủy Noah say rượu


Điểm đặc biệt của 9 bức họa này là ở chỗ, Michelangelo đã đảo ngược thứ tự thời gian của chúng, từ “ Noah say rượu ” cho tới “ Chúa Trời phân chia ánh sáng và bóng tối “. Một số học giả cho rằng Michelangelo muốn diễn tả một quá trình con người đi từ thế giới vật chất tới thế giới tâm linh và quay trở về với nguồn cội của chính mình.

Hình ảnh mái vòm trong nhà nguyệnSistine, với 9 bức tranh ở giữa là 9 chi tiết trong Sách Sáng Thế với thứ tự thời gian đảo ngược: Noah say rượu; Đại hồng thủy; Noah hiến tế; Cám dỗ và loài người sa đọa; Chúa Trời tạo ra Eve; Chúa Trời tạo ra Adam; Chúa Trời phân rẽ đất và biển; Chúa Trời sáng tạo mặt trời, mặt trăng và trái đất; Chúa Trời phân chia ánh sáng và bóng tối. (Ảnh: Qypchak/Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Chúa Trời phân chia ánh sáng và bóng tối.

Chúa Trời sáng tạo mặt trời, mặt trăng và trái đất.

Chúa Trời phân rẽ đất và biển.

Chúa Trời tạo ra Adam.

Chúa Trời tạo ra Eve.

Cám dỗ và loài người sa đọa.

Noah hiến tế.

Đại hồng thủy.

Noah say rượu.

Bao quanh 9 bức họa lấy cảm hứng từ Sách Sáng Thế là tổ hợp 12 bức họa về các nhà tiên tri khác nhau trong lịch sử đã tiên đoán về sự xuất hiện của Chúa Jesus; 4 câu chuyện trong Kinh Thánh về Moses, Esther, David và Judith; những người xuất hiện trong phả hệ của Chúa Jesus; và hình tượng một số các lực sĩ tô điểm cho toàn bộ tổ hợp bức họa.

Vì sao nói mái vòm nhà nguyện Sistine là kiệt tác Mỹ thuật thế giới?


Ngoài tổ hợp những bức vẽ trên trần nhà nguyện Sistine thì chúng ta không thể không kể tới bức “ The Last Judgment ” (Tạm dịch: Đại Thẩm Phán) cũng do đích thân Michelangelo vẽ, miêu tả cảnh tượng thế giới đến ngày Tận thế và chư Thần tới để phán xét tất cả con người trên thế gian. Những người tốt sẽ được lên thiên đàng, và những kẻ xấu sẽ phải xuống địa ngục. Tại trung tâm của bức tranh là hình tượng chúa Jesus đang giơ tay lên, như muốn đưa ra phán quyết cuối cùng cho những linh hồn sa đọa. “ Đại Thẩm Phán ” được vẽ từ năm 1536 tới 1541, cao 13,7 m, rộng 12 m, với khí thế làm rung động lòng người. Đây cũng được xem là thành tựu hoàn thiện nhất của Michelangelo.

Bức “Đại Thẩm Phán”. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Các bức vẽ khác trên tường nhà nguyện là tác phẩm của các danh gia nổi tiếng như Sandro Botticelli, Domenico Ghirlandaio, Pietro Perugino và Raphael. Chúng cũng miêu tả các câu chuyện có trong Kinh Thánh.

(Ảnh: Snowdog, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Có thể nói, nhà nguyện Sistine là một trong những nơi tập trung tinh hoa của nghệ thuật Phục Hưng và cũng là nơi hội tụ của tín ngưỡng phương Tây. Các tác phẩm tại đây từng phải trải qua công cuộc khôi phục vất vả trong gần 20 năm trời, từ 1980 tới 1999, do bị ảnh hưởng bởi khói từ những cây nến. Hiện tại, màu sắc của các bức họa đã trở lại, nhưng một số chi tiết như đổ bóng, màu sắc nổi bật, v.v. đã bị mất trong quá trình khôi phục này. Mặc dù vậy, hàng năm vẫn có tới 5 triệu khách du lịch tới thăm nhà nguyện Sistine – một tuyệt tác của nhân loại.


Quang Minh


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook