Nhà máy thép Trung Quốc đua nhau bảo dưỡng để chống chọi với nguồn cung dư thừa
Các nhà máy thép ở Trung Quốc đang đua nhau bảo dưỡng lò cao của họ khi nhu cầu yếu, khiến giá thép giảm mạnh. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) kêu gọi các nhà sản xuất thép trong nước cắt giảm sản lượng hơn nữa để ngăn giá giảm hơn nữa do nguồn cung dư thừa.
Nhà máy thép Trung Quốc đua nhau bảo dưỡng để chống chọi với nguồn cung dư thừa
Các nhà máy thép ở Trung Quốc đang đua nhau bảo dưỡng lò cao của họ khi nhu cầu yếu, khiến giá thép giảm mạnh. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) kêu gọi các nhà sản xuất thép trong nước cắt giảm sản lượng hơn nữa để ngăn giá giảm hơn nữa do nguồn cung dư thừa.
Trong cuộc họp hồi đầu tuần này, CISA ghi nhận giá thép giảm đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho các nhà máy thép. CISA kêu gọi các nhà máy thép giảm sản lượng để bảo vệ dòng tiền.
Giá thép cốt trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải giảm gần 10% kể từ cuối tháng 3, xuống còn 3.719 nhân dân tệ (537 đô la Mỹ) vào hôm 26-4.
Nhiều nhà máy thép ở vùng bắc và tây bắc Trung Quốc đã bắt đầu chuyển sang bảo dưỡng các lò cao của họ do thua lỗ.
“Các nhà máy thép ở những khu vực này đối mặt sức ép tài chính rất lớn do hàng tồn kho cao”, Connie Zhang, nhà phân tích của hãng tư vấn thị trường thép SMM, nói.
Theo Công ty tư vấn thị trường thép, quặng sắt và kim loại Mysteel, hơn 30 nhà máy ở đây đã thông báo kế hoạch bảo dưỡng.
“Mặc dù Trung Quốc đang bước vào mùa xây dựng, giá thép vẫn giảm do nhu cầu yếu và hàng tồn kho cao”, các nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng AZN viết trong một báo cáo gần đây.
Họ cho biết hơn 40% trong số 126 lò cao luyện thép ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, trung tâm sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, đang được bảo dưỡng.
Theo các nhà phân tích của Sinosteel Futures, một số nhà máy của các hãng thép hàng đầu Trung Quốc “bắt đầu tích cực hạn chế sản xuất” sau khi chịu tổn thương do nhu cầu thép yếu và giá giảm.
Hôm 26-4, CISA cho biết nhu cầu thép của Trung Quốc trong quí 1 tăng nhẹ 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này bị che khuất do sản lượng thép tăng mạnh, kéo giá đi xuống. Sản lượng thép trong quí vừa qua tăng 6,1% so với cách đây một năm, lên mức 261,56 triệu tấn. Điều này là do các nhà máy thép đẩy mạnh sản xuất với kỳ vọng nhu cầu sẽ bật dậy mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường bất động sản của Trung Quốc có dấu hiệu hồi sinh.
“Vấn đề chính đến từ phía nguồn cung”, Wang Yingsheng, nhà kinh tế trưởng của CISA, nói và cho biết thêm giới kinh doanh lẫn khách hàng tiêu thụ thép đều đang thận trọng quan sát thị trường, khiến giá thép giảm mạnh hơn.
CISA cũng ghi nhận hàng tồn kho của các nhà máy thép tăng so với quí 1 năm ngoái nhưng không đưa ra con số cụ thể.
Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ( NBS ) công bố hôm 27-4 cho thấy trong quí 1, các công ty thép hàng đầu Trung Quốc thua lỗ tổng cộng 4,84 tỉ nhân dân tệ (700 triệu đô la), so với mức lãi 6,1 tỉ đô la cách đây một năm. Đây cũng là quí 1 đầu tiên họ chịu thua lỗ trong hơn một thập niên.
Tình trạng ảm đạm trên thị trường thép cũng gây áp lực cho quặng sắt. Trong tuần qua, lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái, giá quặng sắt ở Trung Quốc giảm về dưới mức 100 đô la/tấn.
Chiến dịch giảm nợ của Bắc Kinh trong lĩnh vực bất động sản đã kìm hãm nhu cầu thép và quặng sắt, khi các nhà phát triển bất động sản tập trung hoàn thành các dự án hiện có và triển khai dự án mới ít hơn kỳ vọng.
“Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc hiện rất thận trọng khởi động dự án mới ở những thành phố không phải cấp 1”, nhà phân tích Tomas Gutierrez của Kallanish Commodities, nói và cho biết thị trường quặng sắt đã kỳ vọng quá mức khi giá tăng từ cuối năm ngoái đến tháng 3.
Trong khi thị trường bất động sản Trung Quốc đã phục hồi ở khía cạnh giá bán và doanh số trong đầu năm nay, đầu tư mới vào lĩnh vực này vẫn đang giảm. Hãng tư vấn Real Estate Foresight của Hồng Kông dự báo số lượng nhà mới xây của Trung Quốc sẽ suy giảm 12,5% trong năm nay. Ngân hàng Citigroup bi quan hơn với dự báo mức suy giảm lên đến 40%.
“Bất động sản của Trung Quốc vẫn chưa thoát ra khỏi khó khăn, vì vậy, tiêu thụ thép từ lĩnh vực này khó có thể chứng kiến sự thay đổi có ý nghĩa trong năm nay”, các nhà phân tích của Citigroup viết trong một báo cáo trong tuần này.
Lĩnh vực bất động sản thường đóng góp từ 30-50% nhu cầu thép ở Trung Quốc.
Chánh Tài (Theo Reuters, Bloomberg)
TBKTSG