Nhà máy nhiệt điện than của Pháp chuẩn bị khởi động lại
Pháp cho biết đang xem xét mở lại một nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa gần đây để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng trước khi mùa Đông đến.
Nhà máy Saint-Avold đã phải đóng cửa vào cuối tháng 3 do thải ra quá nhiều khí CO2. Thời điểm đó, đây là một trong số ít nhà máy nhiệt điện than vẫn còn hoạt động ở Pháp.
Tuy nhiên chính phủ đã ra một quyết định khác vào mùa Hè này để đảm bảo cung cấp điện cho đất nước, sau khi xung đột ở Ukraine khiến khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng. Theo đó, nhà máy điện than được hoạt động trở lại bình thường
"Chúng tôi sẽ quay trở lại với sản xuất than dù biết rằng nó không tốt, gây ô nhiễm. Phải khởi động lại nhà máy có nghĩa là Chính phủ không thể làm gì khác", ông Sylvain Krebs - quản lý công trường cho hay.
Ông Sylvain là một trong số nhiều nhân công cân nhắc quay trở lại làm việc, sau khi công ty quyết định tăng lương và thưởng một khoản tiền hậu hĩnh 5.800 Euro mỗi tháng để nhanh chóng tuyển dụng đủ số lượng nhân công cần thiết. Ước tính 6 tháng sau kể từ lúc nhà máy đi vào hoạt động sẽ mang về cho công ty từ 150 - 200 triệu Euro.
Bà Camille Jaffrelo - Đại diện công ty GazelEnergie cho hay: "Chúng tôi cần 500 - 600.000 tấn than, để chuyển đến nhà máy điện. Nguồn cung bị trì hoãn từ bốn đến năm tháng nay. Đây giống như một cuộc chiến vậy - cuộc chiến bắt buộc phải thành công trong việc tạo ra đủ nguồn năng lượng cung cấp cho mùa Đông tới".
Phần lớn sản lượng điện của Pháp đến từ năng lượng hạt nhân, chiếm 67% vào năm 2020. Trong cùng năm, than đá chỉ chiếm 0,3%.
Gần đây, Áo, Đức và Hà Lan đã tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng nhiều than hơn để đảm bảo cho nhu cầu năng lượng của mình, trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng vọt. Trong khi đó, nguy cơ nguồn cung từ Nga bị cắt đứt càng được củng cố khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã ngừng giao hàng cho một số quốc gia châu Âu, bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan.
Trước những thay đổi trong cách tiếp cận với nhiên liệu hóa thạch của nhiều nước châu Âu, Ủy ban châu Âu và các nhà vận động môi trường đã lên tiếng cảnh báo, chỉ ra nguy cơ Liên minh châu Âu có thể bỏ lỡ các mục tiêu của mình trong việc cắt giảm các nguồn năng lượng gây ô nhiễm và những hậu quả tai hại có thể xảy ra đối với khí hậu.