Nhà máy Đạm Ninh Bình nợ 12.000 tỉ đồng, Thủ tướng yêu cầu trọng tâm tái cơ cấu nợ vay

Chia sẻ Facebook
14/08/2022 08:22:10

Với khoản nợ của nhà máy lên tới 12.000 tỉ đồng đến cuối năm 2021, Thủ tướng yêu cầu tập trung tái cơ cấu nợ vay là trọng tâm đề án, giải quyết nhanh tranh chấp trong hợp đồng EPC và hoàn thành đề án ngay trong tháng 8.


Chiều 13-8, tại Ninh Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan về phương án tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình , với sự tham dự của Phó thủ tướng Lê Minh Khái - trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Trong số 12 dự án yếu kém của ngành công thương, đã có 5 dự án có phương án xử lý, còn 7 dự án cần tiếp tục xử lý, trong đó có dự án Đạm Ninh Bình.

Dự án này do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 667 triệu USD từ nhiều nguồn vốn (vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ của địa phương…); sử dụng nhiều loại công nghệ.

Khởi công tháng 5-2008, từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ, với hơn 7.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỉ đồng. Đến ngày 31-12-2021, nhà máy còn nợ 12.000 tỉ đồng, trong đó nợ gốc khoảng 9.600 tỉ đồng, nợ lãi khoảng 2.400 tỉ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2021, hoạt động của nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã hoạt động có lãi.

Kết luận, Thủ tướng cho hay hai dự án Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình có nhiều điểm giống nhau: đầu tư lâu, kéo dài nhiều năm, thua lỗ kéo dài; phê duyệt vốn cho dự án ban đầu ít, sau tăng nhiều; tranh chấp hợp đồng EPC, sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài, lãi mẹ đẻ lãi con.

Tuy nhiên, đến nay công ty đã nỗ lực phấn đấu giảm lỗ, cân đối được sản xuất. Vì vậy, vấn đề cần giải quyết là tranh chấp hợp đồng EPC với nhà thầu; sản xuất, kinh doanh như thế nào để không thua lỗ; nâng cao năng suất lao động; giải quyết hợp đồng tín dụng; hạ giá thành sản phẩm; giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, nên UBND tỉnh Ninh Bình và Bộ Tài nguyên và môi trường cần đánh giá lại.

Thủ tướng nêu rõ, dự báo thời gian tới, nhu cầu thị trường vẫn có, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thì ngành hóa chất phải đứng vững trong nền kinh tế thị trường; chủ động nguồn phân bón. Nếu làm tốt việc cơ cấu lại, đổi mới công nghệ, giảm chi phí đầu vào, xử lý các vấn đề vướng mắc thì dự án sẽ có lãi theo kế hoạch.

Vì vậy, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vinachem khẩn trương xây dựng, hoàn thành đề án tái cơ cấu trong tháng 8 này.

Các việc cần làm bao gồm:

Khảo sát kỹ, đánh giá tác động môi trường, kiên quyết xử lý các vấn đề liên quan khí thải, rác thải, nước thải; giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan nhà máy xanh, sạch, đẹp; kiên quyết không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Bảo đảm việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; các bộ, ngành tích cực phối hợp Vinachem hoàn thành đề án có chất lượng, khả thi, đưa ra lộ trình để giải quyết.

UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp nhà máy để xử lý các vấn đề liên quan môi trường, các kiến nghị của cử tri chung quanh nhà máy. Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) phải bảo đảm nguồn cung than ổn định trong 5 -10 năm tới.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra vào cuộc xử lý, làm rõ các vấn đề theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát dây chuyền sản xuất của Công ty Đạm Ninh Bình.

Chia sẻ Facebook