Nhà Hậu Trần – P2: Nội bộ mâu thuẫn, tướng tài bị giết oan

Chia sẻ Facebook
15/10/2022 06:58:44

Chiến thắng Bô Cô khiến sĩ khí quân Hậu Trần lên rất cao, có thể thừa thắng tiến đánh, nhưng mâu thuẫn nội bộ trong nhà Hậu Trần lại xảy ra.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Chiến thắng Bô Cô khiến sĩ khí quân Hậu Trần lên rất cao. Quân Hậu Trần có thể thừa thắng tiến đánh tàn quân Minh ở Cổ Lộng, tiến đến Đông Đô, nhưng lúc này mâu thuẫn nội bộ trong nhà Hậu Trần lại xảy ra.

Tiếp theo phần 1

Mâu thuẫn

Sau khi thắng lớn ở trận Bô Cô, Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân muốn thừa thắng đánh thành Cổ Lộng diệt tổng binh Mộc Thạnh và đám tàn binh. Tuy nhiên Giản Định Đế lại muốn tiến ngay vào thành Đông Đô (tên gọi của thành Thăng Long thời bấy giờ) để chính thức lên ngôi, bố cáo thiên hạ.

Sách Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục ghi chép rằng: Giản Định Đế nói: “Bây giờ nhân thế chẻ tre, đánh quét một trận ruổi dài, làm cho chúng không kịp bịt tai khi gặp sét đánh mạnh, rồi ta tiến lên lấy thành Đông Đô, thì thế nào cũng phá được”.

Đặng Tất nói: “Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau.”

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Hai bên dùng dằng mãi không quyết được, dẫn tới việc quân Minh đưa Mộc Thạnh chạy thoát về lại thành Đông Đô.

Đặng Tất chia quân vây các thành trì còn lại, đồng thời kêu gọi người hưởng ứng nhà Hậu Trần.

Tướng tài bị giết oan

Thấy Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân dùng dằng chưa vội vào thành Đông Đô, Giản Định Đế nghi ngờ 2 người này có ý khác, không muốn mình lên ngôi.

Tháng 3/1409, nội nhân là Nguyễn Quỹ cùng học sinh Nguyễn Mộng Trang mật tâu rằng: “Tham mưu Nguyễn Cảnh Chân và Quốc công Đặng Tất chuyên quyền bổ quan và cách chức, nếu không tính sớm đi sau này khó lòng kiềm chế”.

Giản Định Đế cũng thấy công lao 2 người này quá lớn, có uy tín cao trong binh lính và dân chúng, e sợ, liền cho vệ sĩ mai phục sẵn rồi cho gọi 2 người đến.

Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Di vào đến nơi thì bị võ sĩ xông ra. Đặng Tất bị bóp cổ đến chết, Nguyễn Cảnh Di chạy thoát ra ngoài cũng bị đuổi theo và chém chết.

Tin dữ truyền ra ngoài, ba quân cùng dân chúng sững sờ thương tiếc không cầm được nước mắt. Nhiều người lung lay không tin tin tưởng Giản Định Đế có thể là minh quân để phò tá.

Gặp phải hôn quân, binh tướng bỏ đi lập vua mới

Con trai hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bất bình liền bỏ đi. Các tướng cùng binh lính không muốn theo Giản Định Đế cũng bỏ đi rất nhiều, bao gồm: Đặng Chủng, Đặng Thát, Đặng Liên, Đăng A Thiết cùng các quân thuộc Hóa Châu, Thuận Châu, Nghệ An; cùng các binh lính mới tuyển và các binh lính khác bất mãn với vua.

Lúc này số quân còn lại của Giản Định Đế rất yếu. Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị hoàn toàn có thể bắt và giết chết Giản Định Đế nhưng hai ông đã không làm.

Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị cho người tìm được tôn thất nhà Trần là Trần Quý Khoáng vốn là cháu nội của Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông, tôn làm vua, hiệu là Trùng Quang Đế chống lại quân Minh.

Trùng Quang Đế sắp xếp trụ cột của triều đình như sau: Đặng Dung làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Cảnh Dị lãnh chức Thái bảo, Nguyễn Súy làm Thái phó, Nguyễn Chương làm Tư mã, Nguyễn Biểu làm Điện tiền thị ngự sử.

Từ đây lực lượng nhà Hậu Trần chống quân Minh là của Trùng Quang Đế, các binh tướng trước đây theo Giản Định Đế đều bỏ đi.

Quân của Trùng Quang Đế đắp thành Chi La ở Nghệ An (Đức Thọ, Hà Tĩnh ngày nay), lấy đất Nghệ An làm căn cứ.

Xem thêm: Điểm lại những lần quân Việt tiến đánh Trung Quốc

Nhà Hậu Trần ổn định, nhưng cơ hội tốt nhất đã vuột mất

Quân Minh nhận thấy lực lượng của vua Giản Định ở thành Ngự Thiên (thuộc Thái Bình) rất ít ỏi nên đem quân đi đánh. Biết tin, nghĩ rằng không thể để vua Trần lọt vào tay quân Minh, các tướng của vua Trùng Quang quyết định ra tay trước quân Minh, bắt Giản Định Đế.

Tướng Nguyễn Súy lãnh nhiệm vụ cùng số quân tinh nhuệ giả làm thường dân, trà trộn vào thành Ngự Thiên rồi bắt ngờ bắt vua Giản Định cùng các cận thần rồi đưa về Nghệ An.

Mẹ của vua Giản Định là Hưng Khánh hoàng thái hậu họp với các tướng còn lại khởi binh ở Hát Giang (Quốc Oai thuộc Hà Nội ngày nay) nhằm đánh vua Trùng Quang, khôi phục ngôi vua cho con mình.

Thế nhưng người hầu cận của Hưng Khánh hoàng thái hậu đem tin này báo cho vua Trùng Quang biết. Vua Trùng Quang lập tức sai quân đến Hát Giang diệt quân phản loạn, xử tử kẻ cầm đầu nổi loạn là Lê Tiệt và Lê Nguyên Đĩnh, còn lại đều được tha. Hưng Khánh hoàng thái hậu bị bệnh, chẳng bao lâu cũng mất.

Biết rằng việc lớn nhất là đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị dẹp bỏ tư thù, bàn với vua Trùng Quang kế vẹn toàn.

Trùng Quang Đế đích đến tận nơi đón Giản Định về thành Chi La, tôn làm thượng hoàng, còn bản thân Trùng Quang thì làm vua. Đây cũng là lệ của nhà Trần khi xưa, thấy thái tử đã lớn thì nhà vua lên làm thượng hoàng, trao ngôi vị cho thái tử.

Việc tôn Giản Định làm thượng hoàng thể hiện lòng bao dung của Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị, vì vận mệnh của Giang Sơn Xã Tắc mà bỏ đi tư thù giết cha, thể hiện được tấm lòng trung nghĩa của mình. Từ đó nhà Hậu Trần có thể ổn định nội bộ mà dốc tâm đánh đuổi quân Minh.

Nhưng khi nhà Hậu Trần ổn định thì cũng đã bỏ mất cờ hội lớn để đánh đuổi quân Minh. Mộc Thạnh ở thành Đông Đô có thời gian tu sửa củng cố thành trì vững chắc, sẵn sàng đánh trả khi quân Hậu Trần đánh vào.

Vua Minh cũng tập hợp 13 vệ quân gồm 78.400 quân chủ lực tiến đánh Giao Chỉ. Ngoài ra còn có 7.000 quân hộ vệ đặc biệt tinh nhuệ. Như vậy viện binh quân Minh tổng cộng lần này là 85.400 quân đặt dưới sự chi huy của viên tướng giàu kinh nghiệm và cẩn trọng là Trương Phụ.


(Còn nữa)


Trần Hưng

2 vạn quân Mông Cổ tiêu diệt 50 vạn quân Minh như thế nào?


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook