Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh quy mô 350 ghế gỗ Đồng Kỵ
Hàng trăm ghế bành chạm khắc cầu kỳ kèm bàn trà hiện diện trong sảnh chính Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh làm ghế khán giả, thay cho những dải ghế băng dài thường thấy. Hình ảnh gây choáng ngợp khi tất cả đều được làm từ chất liệu từ gỗ tự nhiên.
Ngày 6/4 vừa qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố kết quả Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15 (2022 – 2023) với 5 giải Vàng, 18 giải Bạc, 34 giải Đồng và 1 giải thưởng. Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh (2020) của nhóm KTS Ngô Trung Hải – Trần Hoàng Hải Nam – Trần Anh Sơn được trao giải Bạc hạng mục Kiến trúc công cộng.
Hội đồng giám khảo đánh giá: “Nhà hát có quy mô không lớn nhưng với tính chất dân ca quan họ lại được xây dựng tại Thành phố Bắc Ninh, cái nôi của văn hóa Kinh Bắc đã gợi lên ý tưởng thiết kế đặc biệt cho công trình. Kiến trúc nhà hát dân ca quan họ sáng tạo, khá ấn tượng, có sức biểu cảm sâu sắc từ tạo hình lấy cảm hứng từ hình dáng mái đình truyền thống, với lớp vỏ bao che 2 lớp (Double Skin), dại tre bên ngoài có họa tiết truyền thống từ nón Ba Tầm. Về không gian: sử dụng vật liệu, màu sắc… đơn giản nhưng tinh tế, tìm tòi từ các hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam. Đây là những thành công của đồ án này”.
Tuy nhiên, hình ảnh sảnh chính của nhà hát với hàng trăm ghế bành kèm bàn phụ đều từ gỗ tự nhiên được sử dụng làm ghế khán giả đang vấp phải sự chỉ trích của các nhà hoạt động môi trường, nhà báo, luật sư…
Là người đầu tiên nêu sự việc, người sáng lập và điều hành dự án Nhà Chống Lũ – chị Phạm Thị Hương Giang (thường gọi Jang Kều) thốt lên trên Facebook: “Đây là cả một khu rừng lớn! Mỗi đại biểu hay khán giả sẽ ngồi trên một cây cổ thụ này để thưởng thức quan họ”.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) ngạc nhiên khi công trình này được Hội Kiến trúc trao giải bạc vì tính độc đáo. “Không biết thế giới sẽ đánh giá thế nào về nhận thức xài đồ gỗ ở xứ ta, đặc biệt là một công trình công, sử dụng tiền thuế của dân? Có khi nào thần rừng nổi giận, lò kéo về nhà hát nghe quan họ…” – ông viết.
Đồng quan điểm với ý thức văn minh về việc bảo vệ rừng, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, từng giữ vị trí Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên cho biết: “Nội thất toàn gỗ thế này, thế giới văn minh không làm nữa để bảo vệ những khu rừng còn lại ngày càng ít trên thế giới. Châu Âu không nhập đồ dùng từ gỗ tự nhiên. Người có chút văn hoá không dùng và không phô trương đồ làm từ gỗ tự nhiên. Ấy vậy mà cả một cơ quan văn hoá, một tỉnh ủy của địa phương giàu truyền thống văn hoá lại cho làm nhà hát toàn gỗ thế này rồi tự hào khoe khoang lên. (Kể cả gỗ nhập cũng không làm)”.
Chọn cách viết châm biếm trên Facebook, TS Ngô Bảo Châu cho rằng “ngồi cái ghế này” khiến người ta cảm thấy “mình quan trọng hơn, có giá trị hơn”, và với nhiều người, nhà dùng nhiều gỗ cũng là một kiểu “yêu thiên nhiên” . Còn khi đầu tư, nhất là đầu tư bằng ngân sách thì càng phải có “tầm nhìn”.
Đại diện Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh hiện chưa có ý kiến công khai trên mặt báo về hàng trăm ghế gỗ tự nhiên được sử dụng trong nhà hát nói trên.
Được khởi công xây dựng từ tháng 9/2016, Dự án Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh có tổng diện tích đất 19.400 m2, diện tích xây dựng công trình 4950 m2 (gồm Nhà hát quan họ khoảng 7.900 m2; Trụ sở làm việc của Nhà hát 1.800 m2; hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà…) Tổng mức đầu tư 241 tỷ 582 triệu đồng, quy mô 350 chỗ ngồi.
Theo thông tin chi tiết công trình đạt giải đăng trên Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), công trình được “lấy cảm hứng từ một cấu trúc của mái đình truyền thống”, “hiện lên như một mái đình đương đại” với “thiết kế hoàn toàn hiện đại lồng ghép trong đó là những cấu trúc, chi tiết, tỷ lệ thân thuộc của kiến trúc bản địa, truyền thống”.
Về bộ hàng trăm ghế gỗ Đồng Kỵ được giải thích như sau: “Hệ thống ghế ngồi được đơn vị tư vấn mạnh dạn đề xuất điều chỉnh cách bố trí để đặt giữa hai ghế ngồi là một bàn trà, đây là giải pháp vô cùng táo bạo và khác biệt trong cách thiết kế các không gian nhà hát, rạp chiếu phim; nhưng với sự lập luận chắc chắn từ phía tư vấn đã thuyết phục được chủ đầu tư thực hiện ý tưởng trên”.
Vì sao lại chọn gỗ Đồng Kỵ? Việc này được giải thích là để quảng bá thương hiệu với khách mời trong và ngoài nước: “Thay vì hệ thống ghế ngồi hiện đại, Tư vấn đề xuất giải pháp sử dụng ghế Đồng Kỵ – một trong những sản phẩm nội thất từ làng nghề truyền thống của Bắc Ninh và được đơn vị tư vấn thiết kế theo ngôn ngữ đương đại hơn, một cách nào đó góp phần giới thiệu với du khách trong và ngoài nước biết đến các chất liệu và sản phẩm của làng nghề.”
Dẫn lời đại diện đơn vị tư vấn thiết kế, VietNamNet cho hay vị này nói không quan tâm nhiều tới những tranh cãi trên mạng, bởi phải thực sự am hiểu về quan họ mới có thể “thẩm” được ý tưởng này.
“Sáng tạo được khen ngợi ở đây là việc có bàn trà ở giữa hai hàng ghế. Bởi quan họ là khúc hát giao duyên, đặc trưng mỗi lần hát, liền anh liền chị sẽ mời trầu, trà. Chính vì thế chúng tôi đã tư vấn đặt bàn và lối đi rộng như vậy để các nghệ sĩ có thể tới từng khán giả giao lưu. Như Nhà hát Lớn Hà Nội, hàng ghế quá chật, đi phải né người.
Còn dùng gỗ Đồng Kỵ vì đây là vật liệu địa phương, một cách nào đó góp phần giới thiệu với du khách trong và ngoài nước biết đến chất liệu, sản phẩm làng nghề truyền thống của Bắc Ninh”, vị đại diện chia sẻ.
Nguyễn Quân