Nhà giàu cũng “khóc ròng” khi thị trường bất động sản “khó chồng khó”
Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, câu chuyện dòng tiền vẫn chưa thể giải quyết ngay, khiến thanh khoản ngày càng sụt giảm. Theo đó, không ít “nhà giàu” đầu tư bất động sản cũng phải “khóc ròng” vì không bán được hàng.
Nhà giàu “khóc ròng” trên đống tài sản
Thị trường bất động sản rơi vào tình trạng khát vốn sau động thái kiểm soát tín dụng và quản lý chặt chẽ hoạt động huy động trái phiếu. Theo đó, thanh khoản trên thị trường liên tục sụt giảm, kéo theo giá bất động sản giảm mạnh. Đặc biệt ở phân khúc đất nền, biệt thự, liền kề,... chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng của đại đa số và có tính đầu cơ.
Thực tế, trên thị trường đất nền hiện tại, không ít nhà đầu tư đang phải chấp nhận giảm giá 20-30%, thậm chí cao hơn nhưng vẫn khó tìm được người mua. Áp lực về dòng tiền cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận đi vay với mức lãi cao để cố gồng gánh, hy vọng sẽ sớm bán được hàng.
Anh Nguyễn Hiếu, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, cuối năm 2021, anh mạnh tay chi 20 tỷ đồng mua một căn liền kề có diện tích 75m2, tương đương gần 270 triệu đồng/m2. Mục đích ban đầu của anh Hiếu sẽ cho thuê căn liền kề này và chờ đợi một thời gian có lãi sẽ bán ngay.
Song, mọi toan tính của nhà đầu tư này đều đổ vỡ khi thị trường đột ngột mất thanh khoản. Éo le thay, trong số tiền 20 tỷ đồng mua bất động sản, có 10 tỷ đồng là anh Hiếu vay ngân hàng, trong khi đó, lãi suất ngân hàng vẫn liên tục tăng cao thời gian gần đây.
“Lãi suất liên tục tăng, hiện tại mỗi tháng tôi phải bỏ hơn 100 triệu đồng để trả ngân hàng. Năm ngoái dịch bệnh vẫn phức tạp khó kinh doanh sản xuất nên tôi mang đi mua đất. Hiện tại công việc kinh doanh của tôi cũng đang thiếu vốn. Từ giờ tới Tết tôi cũng phải giảm giá bán để lấy tiền bỏ vào kinh doanh và giải phóng số tiền nợ”, anh Hiếu nói.
Chung hoàn cảnh, anh Nguyễn Duy Anh, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội cho sẻ, đầu năm nay, anh “tất tay” 12 tỷ đồng mua một lô đất rộng hơn 1.000m2 tại Thạch Thất nhằm mục đích tách thành các lô nhỏ để bán.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, TP. Hà Nội ra quyết định kiểm soát việc phân lô, tách thửa. Theo đó, thương vụ của nhà đầu tư này vẫn “đứng hình” đến nay.
“Việc tách thửa khó, bên cạnh đó, thị trường sụt giảm thanh khoản mạnh. Hơn nữa, những mảnh đất rộng như này rất khó tìm người để bán. Do vậy, dù đã rao bán 5 tháng nay với giá 10 tỷ đồng nhưng tôi vẫn chưa tìm được chủ mới. Tiền đã dồn hết vào mảnh đất đó, đến giờ, bí bách quá tôi phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để trang trải”, anh Duy Anh nói.
Qua thời bỏ tiền vào đất là lãi tiền tỷ
Trong những năm qua, thị trường bất động sản liên tục tăng nóng bất chấp cả dịch bệnh Covid - 19 hoành hành. Không ít nhà đầu tư chỉ cần bỏ tiền vào bất động sản là thắng đậm tiền tỷ. Song, đến thời điểm hiện tại, nhiều tác động đã làm cho thị trường chậm lại. Theo đó, không ít nhà đầu tư dù lớn hay bé cũng có nguy cơ chôn vốn một thời gian dài.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản không còn ở giai đoạn lướt sóng dễ dàng như 2 năm trước - thời kỳ mà chỉ cần đặt cọc, có suất mua là đã có lời. Câu chuyện lớn nhất của thị trường lúc này là tiền và thanh khoản.
TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, thị trường bất động sản nói chung hiện nay không dành cho nhóm nhà đầu tư lướt sóng, bởi lẽ các sản phẩm không có nhiều và rất rủi ro khi sắp tới có thể sẽ có những thay đổi về lãi suất, cũng như chiến lược của các doanh nghiệp.
"Giai đoạn này là cơ hội cho những người có nhu cầu thật về nhà ở và là cơ hội cho những người muốn chuyển tiền từ ngân hàng hoặc những kênh đầu tư khác mà không phải là thế mạnh của họ", ông Khương nhận định.
Còn theo đánh giá của giới đầu tư chuyên nghiệp, thị trường bất động sản hiện nay không còn nhiều vùng "hoang sơ" để nhà đầu tư xuống tiền, ung dung chờ 2-3 năm để kiếm lời 2-3 lần như giai đoạn trước đây. Bởi hiện tại, giá đất ở từ nông thôn tới thành thị đã tăng cao, vượt xa nhu cầu thực của người dân. Theo đó, thanh khoản cũng liên tục giảm sút mạnh.