Nhà đầu tư Thái Lan bất ngờ rút vốn khỏi Diamond ETF sau nhiều tháng “bơm ròng” liên tiếp
Động thái rút vốn thông qua DR của nhà đầu tư Thái Lan phần nào ảnh hưởng đến dòng tiền vào Diamond ETF thời gian gần đây. Sau 5 tháng hút ròng liên tiếp, ETF này đã bị rút vốn mạnh trong 2 tháng 7 và 8 với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng.
Theo tin từ Sở GDCK Thái Lan (SET), tính đến cuối tháng 8/2022, lượng chứng chỉ lưu ký DR FUEVFVND (FUEVFVND01) dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF do Bualuang Securities phát hành đạt 76,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 3,23 tỷ Bath (2.072 tỷ đồng). Với tỷ lệ chuyển đổi 1:1, nhà đầu tư Thái Lan đang gián tiếp sở hữu 76,1 triệu chứng chỉ FUEVFVND, giảm 1,2 triệu đơn vị so với tháng trước. Kết quả này đánh dấu tháng đầu tiên Diamond ETF bị rút vốn qua kênh DR sau khi thời gian liên tục hút ròng kể từ khi ra mắt vào tháng 3/2022.
Theo báo cáo hoạt động, DR tăng 3,7% thấp hơn con số 7,4% của ETF cơ sở do VND giảm giá so với THB 1,2%. Hiệu suất tích cực chủ yếu được thúc đẩy bởi cổ phiếu bán lẻ MWG tăng vọt 17,5% sau khi có kế hoạch bán 20% cổ phần Bách Hóa Xanh (BHX). Trong khi đó, cổ phiếu REE cũng tăng 10,6% sau khi công bố lợi nhuận quý 2 tăng 56% so với cùng kỳ và có khả năng tăng trưởng cao trong quý 3 từ thủy điện trong mùa mưa.
Dù vậy, nếu tính chung 8 tháng đầu năm, Diamond ETF vẫn hút ròng khá tích cực với giá trị gần 4.200 tỷ đồng, đứng thứ 2 chỉ sau Fubon ETF. Chiều ngược lại, “người anh em” DCVFM VN30 ETF tiếp tục bị rút ròng tháng thứ 3 liên tiếp và vẫn là ETF bị rút vốn mạnh nhất từ đầu năm với giá trị hơn 1.800 tỷ đồng.
Khác với Diamond ETF, nhà đầu tư Thái Lan lại “túc tắc” gom chứng chỉ quỹ VN30 ETF thông qua kênh DR. Trong tháng 8, lượng DR E1VFVN30 (E1VFVN3001) đã tăng nhẹ lên 179,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 6,06 tỷ Bath (3.884 tỷ đồng). Tỷ lệ chuyển đổi 1:1 tương đương với nhà đầu tư Thái Lan đang gián tiếp nắm giữ 179,5 triệu chứng chỉ E1VFVN30.
Theo báo cáo hoạt động, hiệu suất khả quan của DR và ETF cơ sở được hỗ trợ bởi cổ phiếu ngân hàng (tỷ trọng 44% trong VN30-Index) sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, cổ phiếu đầu ngành thép HPG cũng tăng 6,2% sau khi Chính phủ muốn tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và điều này có thể thúc đẩy tiêu thụ thép.
Dù có sự phân hóa giữa các chứng chỉ quỹ ETF nhưng rõ ràng nhà đầu tư Thái Lan đã không còn mua gom “ồ ạt” thông qua DR. Động thái này phần nào khiến dòng vốn vào thị trường Việt Nam qua kênh ETF cũng có dấu hiệu chững lại trong 2 tháng gần đây sau khi bùng nổ trong quý 2. Dù vậy, tính từ đầu năm, dòng tiền vào thị trường qua các ETFs vẫn rất khả quan với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng.
Trong tháng 8, thị trường chứng khoán đã hồi phục khá tích cực sau khi tạo đáy thành công trong tháng trước đó. Các chỉ số quan trọng như VN-Index và VN30-Index đều tăng lần lượt 6,15% và 5,64%. Hầu hết các quỹ đầu tư lớn cũng đã “dễ thở” hơn trong đó Diamond ETF chiến thắng thị trường với hiệu suất 7,07% còn VN30 ETF cũng có hiệu suất 5,78%.
DR - Depositary Receipt là một loại chứng khoán có thể chuyển nhượng, được giao dịch trên sàn chứng khoán của nước sở tại nhưng đại diện cho một chứng khoán khác được phát hành bởi một công ty đại chúng đang niêm yết ở một quốc gia khác. DR chịu rủi ro về tỷ giá khi đồng tiền của nước sở tại tăng giá so với đồng tiền tại quốc gia mà chứng khoán được DR đại diện đang niêm yết.