“Nhà đầu tư nữ có ưu thế hơn trong giai đoạn thị trường chứng khoán biến động mạnh”
Nữ giới là những nhà đầu tư cẩn trọng hơn, ít mạo hiểm và đặc biệt kiên trì vào những giai đoạn thị trường chứng khoán biến động. Các nhóm cổ phiếu Bluechips đầu ngành là những cổ phiếu được nữ giới quan tâm đầu tư nhiều hơn.
Thị trường chứng khoán bùng nổ những năm qua kéo theo lượng lớn nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nữ tham gia. Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV 8, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) đã chia sẻ góc nhìn về xu hướng đầu tư của phụ nữ trên thị trường chứng khoán hiện nay.
BTV Mùi Khánh Ly
Bà đánh giá thế nào về xu hướng nhà đầu tư nữ tham gia vào thị trường chứng khoán hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) : Chúng ta vẫn thường nói là phụ nữ là tay hòm chìa khóa và những nghiên cứu cho thấy hầu hết đối với tất cả phụ nữ Châu Á, trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, họ sẽ là người nắm giữ tình hình tài chính của gia đình và cũng rất quan trọng, họ sẽ là người chủ yếu giáo dục con cái về việc quản lý tiền bạc. Điều đó cũng có thể thấy ở Quỹ VCBF chúng tôi là số lượng nhà đầu tư nữ đã tăng lên, hiện tại tỷ lệ nhà đầu tư nữ ở trong các quỹ mở chiếm khoảng 52%, cao hơn so với những năm đầu quỹ mới thành lập, thời đó là khoảng 48%. Điều này cho thấy phụ nữ càng ngày càng quan tâm hơn đến sản phẩm tài chính và một số những thống kê cũng cho thấy phụ nữ thực ra có chuẩn bị cho tương lai tốt hơn. Nếu chúng ta nhìn vào thống kê của những người tốt nghiệp đại học hay thạc sĩ ở Mỹ thì trong 100 người thì có tới 60 người là là nữ.
Còn theo số liệu thống kê của của hiệp hội CFA - Hiệp hội các nhà phân tích tài chính của Mỹ, số liệu năm 2015 cho thấy là cứ 5 người - 5 thành viên của hiệp hội thì còn ít hơn 1 người là nữ, tức là chỉ tỷ lệ nữ chỉ chiếm 18% thôi. Trên thế giới, không có một nước nào chiếm quá 50% cả và nước cao nhất có tỷ lệ là 43%. Rất tự hào Việt Nam chúng ta là nước có tỷ lệ cao nhất 43%. Thế còn một số những nước xung quanh chúng ta ví dụ như là Singapore hay Thái Lan hay Trung Quốc thì chỉ khoảng 29%-30% thôi. Những nước phát triển ví dụ như Mỹ chỉ có hơn 16%, Anh hơn 20%, Đức hơn 12%. Một số nước thậm chí rất thấp, ví dụ như Ấn Độ dưới 11% hay Nhật chỉ có 9%.
Tại sao lại như vậy thì lý giải ở trên toàn cầu, ngành đầu tư là ngành cần phải di chuyển rất nhiều. Bên cạnh đó, những khảo sát của CFA hỏi phụ nữ về trách nhiệm ban đầu là gì, thì có tới 2/3 phụ nữ nói là trách nhiệm chăm sóc gia đình, trong khi đó thì chỉ có khoảng 20% nam là có câu trả lời tương tự. Thế nhưng gần đây có những lập luận cho rằng, cần phải bổ sung phụ nữ vào làm cho ngành đầu tư bởi vì ai cũng biết nguyên tắc trong đầu tư là mình phải đa dạng hóa cách nhìn, đa dạng hóa quan điểm đầu tư, đa dạng hóa phương pháp đầu tư của phụ nữ vào thì sẽ có thể có kết quả tốt hơn.
Chúng ta có thấy rất nhiều nữ tướng trên thị trường, ngay cả bà Nga hiện cũng đang là phó tổng công ty quản lý quỹ (VCBF), vậy theo bà, bí quyết thành công của nữ giới trong đầu tư tài chính, chứng khoán là gì?
Trong cuốn sách Warren Buffett - Đầu tư như một cô gái, tác giả Loann Lofton có đưa ra rất nhiều những nghiên cứu của các tổ chức khác nhau trong đó có những điều mà phụ nữ sẽ khác biệt so với nam giới, có thể làm hoạt động đầu tư tốt hơn nam giới. Đó là phụ nữ ít mạo hiểm hơn bởi vì thông thường họ không bị tự tin thái quá. Nam giới thường họ nghĩ mình biết nhiều hơn, nữ thì họ lại biết rõ những cái gì mà mình không biết. Và họ rất thực tế, họ cũng không mạo hiểm và đồng thời khi đầu tư họ nghiên cứu rất kĩ. Họ cũng rất lắng nghe những ý kiến trái chiều từ các bên khác. Họ cũng không bị áp lực từ xung quanh trong việc ra quyết định đầu tư, kết quả là họ giao dịch ít hơn, đầu tư sẽ ít mạo hiểm hơn.
Đồng thời có một số phân tích đối với những người làm quản lý đầu tư, với những quỹ phòng hộ là những quỹ đầu tư mang tính rủi ro cao hơn, kết quả của nữ giới thường tốt hơn hẳn so với nam giới.
Ví dụ như kết quả đầu tư từ năm 2000 đến năm 2009 chẳng hạn, những quỹ do nữ giới quản lý có lợi nhuận trung bình từ khi thành lập là khoảng 9,06%, so với những quỹ phòng hộ nói chung thì lợi nhuận trung bình chỉ khoảng 5,82% thôi. Đặc biệt như là cuộc khủng hoảng năm 2008, các quỹ do nữ giới quản lý thì chỉ giảm khoảng 9,6% so với cả các quỹ do nam giới quản lý thì giảm khoảng 19%.
Thị trường trong thời gian này điều chỉnh liên tục, theo bà vào những thời điểm như vậy các nhà đầu tư nữ có những lợi thế như thế nào?
Những nhà đầu tư nam họ có thể mua, có thể đầu tư mà không cần nghiên cứu. Trong những người được khảo sát thì có tới 24% số người nam trả lời là đã từng làm như vậy và nữ thì chỉ có 13% thôi. Và trong 24% nam đó thì có tới 69% nói là tôi có thể mắc sai lầm đấy lần thứ 2 nhưng mà nữ thì chỉ có 47% thôi. Tức là phụ nữ họ thường rất cẩn trọng trong đầu tư. Một nghiên cứu khác của tập đoàn đầu tư Vanguard trên 2,7 triệu các tài khoản hưu trí cá nhân của Mỹ, họ thấy phụ nữ thường khá là trầm lặng trong các hoạt động đầu tư, khi thị trường có biến động, họ có xu thế ngồi im và không động đến danh mục của họ. Chính vì thế nên với bối cảnh thị trường có những biến động rất mạnh như thời gian vừa qua, phụ nữ sẽ có ưu thế. Trong khi đó, nam giới thường có xu thế hoảng hốt và sẽ bán đi, và rất nhiều trường hợp bị bán đúng đáy thế nên nam giới có xu hướng bị lỗ nhiều hơn.
Theo quan sát của bà, nhà đầu tư nữ thường hay có xu hướng đầu tư vào những nhóm ngành nào?
Nhà đầu tư nữ sẽ cẩn trọng hơn và có xu hướng nhìn xa, lo xa hơn thế, ít mạo hiểm. Xu hướng họ sẽ đầu tư những ngành mang tính cơ bản hơn và cũng không đầu tư nhiều vào những công ty mang tính đầu cơ. Tỷ lệ nữ ở bên các quỹ mở VCBF là tận 52%. Điều đó chứng tỏ các quỹ thì thường được coi là sản phẩm ít rủi ro hơn, phụ nữ có thể cũng sẽ ưa những sản phẩm ít rủi ro hơn nam.
Vậy còn thị trường chứng khoán, bà đánh giá tình hình hiện nay ra sao?
Thực ra thị trường biến động trong thời gian vừa qua cũng do cả những yếu tố ở nước ngoài và trong nước. Mức giảm rất mạnh của thị trường vừa rồi đã dẫn đến định giá của thị trường đang ở mức rất thấp, mức giá trên lợi nhuận của của VN-Index chỉ khoảng 11,2 lần thôi, có lẽ nhà đầu tư cũng đang phản ứng một cách thái quá. Còn về triển vọng thì trong ngắn hạn, lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn được định giá khá tốt. Theo tổng hợp của Bloomberg, dự báo về tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index vẫn khoảng 22% trong năm 2022, vào khoảng 19% trong năm 2023. Như vậy, tính mức định giá của 2022 thì P/E chỉ còn 9,8 lần thôi.
Bà có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nữ trong bối cảnh như hiện nay?
Ở Việt Nam, thống kê biến động của thị trường từ khi thành lập đến khoảng tháng 4/2022, chúng ta đã trải qua khoảng 16 đợt thị trường giảm rất là mạnh, tức là mức giảm trên 20%. Như vậy trung bình cứ khoảng 1,4 năm là chúng ta sẽ có 1 đợt giảm mạnh như vậy và mỗi đợt giảm như vậy thì kéo dài trung bình khoảng 4,5 tháng với mức giảm trung bình là khoảng 34%. Tuy nhiên sau mỗi đợt giảm như thế đều có những đợt tăng mạnh, mỗi đợt tăng mạnh kéo dài hơn khoảng 10,2 tháng và với mức lợi nhuận trung bình khoảng 79%. Như vậy có thể thấy là không phải cái gì xấu thì cứ xấu mãi.
Vậy tại sao chúng ta lại quá lo lắng mà không nắm giữ những tài sản tốt ở thời điểm hiện tại hay mua thêm những cổ phiếu tốt ở thời điểm hiện tại, những công ty mà có chất lượng hàng đầu. Những công ty đứng đầu trong các ngành có tiềm năng tài chính vững mạnh, có thể vượt qua thời gian khủng hoảng, tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận.
Tôi nghĩ nhà đầu tư chúng ta nên giống như những người phụ nữ. Hãy kiên nhẫn, kiên định, hãy nhìn xuyên qua những biến động ngắn hạn của thị trường, nhìn dài hơn và tiếp tục mua, nắm giữ những tài sản mà mà có giá trị, có chất lượng hàng đầu để hưởng lợi từ những tài sản đó trong dài hạn. Đối với những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, một cách rất là đơn giản là có thể lựa chọn ủy thác cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, đó là có thể mua cổ phiếu thông qua các chứng chỉ quỹ. Ví dụ ở VCBF, hiện tại chúng tôi đã có 4 quỹ và có thể phù hợp với các mức độ rủi ro của nhà đầu tư.
Những mức độ rủi ro mà nhà đầu tư có thể chấp nhận được ở các mức độ khác nhau. Hai quỹ cổ phiếu mà chúng tôi đang có là quỹ cổ phiếu hàng đầu và Quỹ cổ phiếu tăng trưởng đều đang nắm giữ những danh mục những công ty hàng đầu như tôi đã nói và nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm mua, nắm giữ những chứng chỉ quỹ như vậy cho những mục tiêu tài chính dài hạn của mình.