Nhà đầu tư ngoại tháo chạy, bán hàng chục tỷ đô cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc: Nguyên nhân do đâu?

Chia sẻ Facebook
27/04/2022 18:35:00

Trong 2 tháng qua, nhà đầu tư ngoại đã rút tiền khỏi thị trường Trung Quốc với tốc độ nhanh chóng, khi dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất, sự lây lan của biến thể Omicron và mâu thuẫn Nga – Ukraine.


Khi Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, thì Bắc Kinh đang lo ngại về dòng vốn chảy ra ngoài và áp lực ngày càng tăng với đồng NDT. Theo đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi là liệu Trung Quốc có sự phòng bị như thế nào để đối phó với những vấn đề này?


Ngoài bán trái phiếu chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài còn bán tháo cổ phiếu Trung Quốc. Theo đó, thị trường chứng khoán nước này đã chứng kiến biến động mạnh và các quan chức phải đưa ra cam kết hỗ trợ thị trường cùng nền kinh tế.

Trong bối cảnh dòng vốn chảy ra ngoài với tốc độ chưa từng có, giới chức nước này và Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo về những ảnh hưởng của việc một số quốc gia khác điều chỉnh chính sách.

Lần gần đây nhất Trung Quốc chứng kiến đợt rút vốn căng thẳng như vậy là năm 2015-2017. Khi đó, đà bán tháo được ngăn chặn nhờ các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và khoản chi tới ¼ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Giờ đây, các nhà quan sát đang thận trọng hơn và cảnh báo những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra khi lộ trình nâng lãi suất của Fed có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc.

Zhu Guangyao – cựu Thứ trưởng tài chính chia sẻ tại sự kiện China Wealth Management 50 Forum hôm Chủ nhật: "Rõ ràng rằng, tốc độ và quy mô điều chỉnh chính sách của Mỹ là chưa từng có."

Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết NHTW Mỹ có thể sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5. Thị trường dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất trong cả 6 cuộc họp vào năm nay để kiềm chế lạm phát. Lãi suất được dự báo sẽ vượt 2%, trong khi mức hiện tại là 0,25-0,5%.

Ngoài tăng lãi suất, Fed cũng có kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối kế toán trị giá 9 nghìn tỷ USD và có biết có thể sẽ thực hiện vào tháng 5. Zhu nhận định: "Đây là áp lực lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt."

Trong khi đó, triển vọng kinh tế ảm đạm do chiến lược zero Covid và lợi thế vốn có của trái phiếu chính phủ Trung Quốc so với Kho bạc Mỹ sụt giảm cũng đang gây áp lực lên đồng NDT. Trong tuần qua, đồng NDT đã giảm gần 2% so với đồng USD ở thị trường ngoại biên và vượt mức 6,6 đổi 1 USD với giao dịch trong nước hôm 25/4 nhờ sự can thiệp của NHTW.

PBOC đã nỗ lực kiểm soát đà giảm của đồng NDT bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối của các ngân hàng 1 điểm phần trăm xuống 8% kể từ ngày 15/5. Động thái dự kiến sẽ giải phóng khoảng 10 tỷ USD vào thị trường.

Wei He – chuyên gia của Gavekal Dragonomics, cho biết sự sụt giảm của đồng NDT vào tuần trước "chỉ ra giai đoạn bắt đầu của một chu kỳ rớt giá mới sẽ kéo dài". Ông cũng lưu ý rằng, hoạt động xuất khẩu "mất nhiệt", chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc có sự phân hóa là những yếu tố khác gây áp lực cho đồng NDT.

Giới chức Trung Quốc cho đến nay đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ để ngăn tình trạng dòng vốn chảy ra ngoài, cũng như để trấn an thị trường và kiềm chế mức thua lỗ của các doanh nghiệp. Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) đã xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường ngoại hối vào 1 năm trước. Kể từ đó, SAFE đã nỗ lực thuyết phục các nhà xuất khẩu trung lập với rủi ro tỷ giá khối đoái, yêu cầu họ phải quán lý hiệu quả hơn mức độ rủi ro và sử dụng các công cụ phòng ngừa.

Wang Chunying – Phó giám đốc SAFE, tuần trước cho biết Trung Quốc có khả năng thích ứng với những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ.

Thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và giá trị tài sản ròng ở nước ngoài của Trung Quốc trị giá 2 nghìn tỷ USD và khoản tiền gửi ngoại tệ cũng cao kỷ lục là 700 tỷ USD. Bà Wang cho biết đây là những yếu tố giúp Trung Quốc có thể bù đắp số vốn chảy ra ngoài.

Tại hội nghị kinh tế hàng năm vào tháng 12, các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này đã thừa nhận đang phải chịu áp lực gấp 3 lần, bao gồm nhu cầu sụt giảm, cú sốc nguồn cung và dự báo tăng trưởng yếu hơn.

Dù tăng trưởng GDP trong quý I tăng 4,8% so với mức 4% ở quý trước, nhưng những ước tính trong quý tới trở nên u ám hơn do nhiều thành phố lớn phong tỏa để phòng dịch. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng số liệu kinh tế sẽ không mấy khả quan trong những quý tới.

Các ngân hàng đầu tư quốc tế như UBS và Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng với Trung Quốc. IMF cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng năm 2022 đối với quốc gia này từ 4,8% xuống 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Bắc Kinh là khoảng 5,5%.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư ngoại đang tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc. Tháng trước, dòng tiền từ Chương trình Kết nối chứng khoán đại lục – nơi nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch các cổ phiếu niêm yết ở các sàn Trung Quốc, đạt tổng cộng 45 tỷ NDT (6,9 tỷ USD). Nhà đầu tư ngoại cũng bán mạnh trái phiếu Trung Quốc, bán 112,5 tỷ NDT trong tháng 3 sau khi bán 80,3 tỷ NDT ở tháng trước đó.

Ngoài ra, dòng vốn chảy ra còn có thể cao hơn khi chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 5 năm là 101,6 vào hôm thứ Hai khi thị trường dự đoán lãi suất còn tăng nữa.

Guan Tao – cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu cán cân thanh toán của SAFE, cho biết 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng khối ngoại bán tháo tài sản năm 2015 đã được giải quyết, đó là việc đặt cược 1 chiều vào đà tăng của đồng NDT và khu vực tư nhân có tỷ lệ nợ cao.

Huang Yiping – cựu cố vấn NHTW, cho biết việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc, nhưng tác động thực tế lại phụ thuộc vào sức khỏe tài chính và sự ổn định của nền kinh tế nước này. Ông nói: "Dù có thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối rất lớn, nhưng Trung Quốc cần đặc biệt chú ý đến những nỗ lực để ổn định nền kinh tế."


Tham khảo SCMP

Chia sẻ Facebook