Nhà đầu tư ngoại mua ròng 76 triệu USD từ đầu năm
Tính chung từ đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng 76 triệu USD, trong đó riêng sàn TP Hồ Chí Minh, đã mua ròng 15 triệu USD cổ phiếu.
Ngày 15/9 là một phiên đáo hạn giao dịch phái sinh "sóng yên biển lặng". Dù áp lực bán ở nhiều mã trụ cột vẫn không nhỏ, nhưng VN-Index vẫn tăng điểm nhẹ nhờ sự nâng đỡ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
Một phiên giao dịch không mấy sôi động khi giao dịch cũng tụt áp 28%, chỉ còn hơn 11.300 tỷ đồng. Như vậy đi hết nửa tháng 9, chỉ số chung hiện vẫn đang diễn biến đi ngang trong biên độ nhất định. Một số phiên tăng, trong khi một số phiên giảm, nhưng dòng tiền vẫn chưa đủ để tạo sự đột phá.
"Gân đây mọi người có thể thấy rất rõ, khi dòng lớn không lên thì lâu lâu vẫn thấy một số dòng nhỏ phi lên. Các dòng ấy không đủ để tạo xu hướng lớn trên VN-Index nhưng lại tạo được xu hướng chung của nhóm ấy. Ngắn hạn có thể thấy vừa rồi thị trường tạo vùng tiệm cận kháng cự trên. Do nó chưa chạm nên có vẻ yếu hơn dự kiến một chút, hoặc có thể có cơ hội giật lên tiếp. Cứ tiệm cận kháng cự là chốt lời, giảm tỷ lệ", ông Nguyễn Tuấn Anh, sáng lập FinPeace, cho biết.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch gần nhất, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 320 tỷ đồng trên toàn thị trường. Như vậy trong vòng 1 tháng trở lại đây, chỉ riêng trên sàn TP Hồ Chí Minh, số phiên bán ròng của khối ngoại đã chiếm đến 2/3, chính thức phá vỡ xu hướng mua ròng đã kéo dài trong suốt 5 tháng trước đó.
Diễn biến có thể coi là khá tích cực, nếu nhìn vào mức bán ròng hơn 3 tỷ USD 2 năm liền trước.
"Trong bối cảnh dòng tiền chung họ đang tìm kiếm những kênh tài sản an toàn như trái phiếu, như vậy dòng tiền năm nay lại đến chủ yếu từ các nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là Đài Loan, thông qua kênh ETF là chủ đạo", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đánh giá.
"FED tăng lãi suất và dự kiến tới đây sẽ có một đợt tăng lãi suất mạnh nữa, vì vậy xu hướng nhà đầu tư lui về phòng thủ. Các quỹ cũng phải cân nhắc rất kỹ việc đầu tư vào thị trường nào và cắt giảm tỷ trọng vào thị trường nào nên thời gian vừa rồi chúng ta thấy các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng trở lại", ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Công ty CP Chứng khoán MB, nhận định.
Các quỹ ngoại đang đầu tư vào thị trường Việt Nam tiếp tục ghi nhận hiệu suất đầu tư âm trong 8 tháng đầu năm, từ -6% tới -41%. Kiểm soát rủi ro tốt, tỷ suất sinh lời chỉ giảm bằng một nửa mức giảm của VN-Index nên lượng tiền đổ vào các quỹ do công ty này quản lý tiếp tục tăng lên, hơn 60 triệu USD trong 7 tháng.
"Vì là perform tốt, nên đón nhận nhiều nguồn tiền mới vào. Cho nên về mặt quy mô tài sản lại tăng lên so với năm ngoái", bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành VinaCapital, cho hay.
Hiện P/E của thị trường được định giá ở mức khá hấp dẫn, khoảng 10 lần và tăng trưởng EPS đạt mức 17%. Báo cáo mới nhất của Dragon Capital nhận định, thị trường Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định, sẽ là yếu tố hấp dẫn dòng đầu tư.
Cũng theo Dragon Capital, VN-Index sẽ giữ vững mốc 1.200 điểm nhờ yếu tố vĩ mô vững chắc. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư cá nhân bắt đầu cải thiện và số dư vay ký quỹ của nhà đầu tư tăng lên khi thị trường Việt Nam hòa nhịp phục hồi cùng thị trường thế giới.
Tương tự, khả năng tăng thêm hạn mức tín dụng và Thông tư 153 về trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần giúp cổ phiếu ngân hàng, bất động sản giao dịch tích cực hơn. Quỹ ngoại này còn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 2 chữ số trong quý 3 và 7,8% trong năm nay.