Nhà đầu tư nên làm gì khi thị trường chứng khoán về mức thấp nhất trong hơn 20 tháng?

Chia sẻ Facebook
08/10/2022 07:47:30

Thị trường chứng khoán ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất châu Á với mức giảm gần 39 điểm, tương đương -3,59%, xuống mức 1.035,91 điểm, thấp nhất trong vòng hơn 20 tháng kể từ ngày 1/2/2021.

Phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán hôm nay cũng đã “thổi bay” gần 153.477 tỷ đồng vốn hóa HOSE, giá trị hiện xuống còn 4,12 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau tuần giao dịch đầu tiên tháng 10, vốn hóa của HoSE đã “bốc hơi” xấp xỉ 383.000 tỷ đồng (~16,6 tỷ USD). Nếu tính chung trên cả 3 sàn, con số này thậm chí còn lên đến gần 408.500 tỷ đồng (~17,8 tỷ USD).


Bình luận tại chương trình Tiêu điểm chứng khoán với chủ đề “Nhịp giảm điểm đã kết thúc?” diễn ra chiều 7/10, ngay sau phiên giao dịch, do Công ty Chứng khoán MB (MBS) tổ chức, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS cho biết, tất cả những yếu tố mang tính tác động từ thế giới hay việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) tăng lãi suất trước đó khiến thị trường giảm khá mạnh, thị trường thế giới đã dừng đà giảm với phiên tăng khá mạnh tuần này, các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể không chịu áp lực lớn từ tăng lãi suất. Vĩ mô trong nước, tuần qua áp lực thanh khoản hệ thống ngân hàng khá cao, có thời điểm lãi suất liên ngân hàng lên 8% thời hạn qua đêm, tháng trên 9% là con số khá cao. Lãi suất liên ngân hàng trạng thái bình thường chỉ khoảng dưới 4% qua đêm. Suốt quãng thời gian 2,3 tháng vừa qua NHNN liên tục có động thái bảo vệ VND.

Theo ông Tuấn, tâm lý nhà đầu tư chịu áp lực bởi một số thông tin khiến thị trường phản ứng thái quá tuần vừa qua.

Dưới góc nhìn kỹ thuật ông Đặng Duy Việt, chuyên gia nghiên cứu MBS cho biết, dài hạn thị trường đi lên theo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp còn ngắn hạn là do cung cầu, tâm lý nhà đầu tư. “Các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn khi mất đi áp lực tâm lý hoảng loạn khiến vòng xoáy bán tháo. Nhịp giảm kéo dài 6 tuần, các ngưỡng 1.200, 1.100 điểm… đều mất, tạo áp lực lên tâm lý của nhà đầu tư.

Với phân tích kỹ thuật, mọi thông tin phản ánh trước, khi chưa tìm thấy lý do khiến nhịp giảm điểm cần hành động theo đồ thị giá”, ông Việt nói.

Tại thời điểm này, ông Việt khuyến nghị với những người đã dùng margin khi hạ bớt margin thường rất khó nên với nhà đầu tư như này nên có cách rút hẳn nửa tiền để đưa cho người thân hoặc gửi tiết kiệm và tiếp tục margin trên nửa còn lại, hạn chế tối đa rủi ro, áp lực trên danh mục có thể giảm bớt một nửa.

Trong khi đó, ông Tuấn cho biết, không thể đưa ra tư vấn chia sẻ chung cho tất cả nhà đầu tư mà chia từng nhóm nhà đầu tư.

Thứ nhất, với nhóm đầu tư cầm tiền mặt hoàn toàn là người thận trọng lớn trong suốt quá trình vừa rồi, theo kinh nghiệm cá nhân đây là nhà đầu tư không tham gia khi thị trường, vĩ mô chưa thật sự tốt đẹp trở lại, nếu không có vị thế cổ phiếu một chút có thể để lỡ sóng phục hồi. Thời điểm COVID, VN-Index 680-850 điểm, nhiều khách không tham gia bất kỳ vị thế nào vì cho rằng dịch COVID vẫn còn và vẫn ảnh hưởng. Khi đứng ngoài hoàn toàn sẽ không tìm hiểu từng cổ phiếu cụ thể, không tìm hiểu thị trường, không tìm ra những doanh nghiệp không ảnh hưởng thậm chí hưởng lợi. Do đó, thời điểm này có thể tham gia 10-15% cổ phiếu.

Thứ hai, với người cầm 100% cổ phiếu, không nên margin vì thị trường có thể đi lên, có thể rung lắc quyết liệt. Kể cả thị trường phục hồi, có thể phân hoá, cổ phiếu mà chúng ta cầm có thể không lên hoặc lên ít. Xác định cầm cổ phiếu đến bây giờ không nên margin.

Nhóm thứ ba, đối với nhà đầu tư đa số cổ phiếu và đã có margin nên giảm bớt margin ở những nhịp phục hồi tốt hoặc thời điểm tốt nên cắt bớt margin.

Nhóm thứ tư, nhóm nhà đầu tư có 20-30% cổ phiếu nên chờ đợi thêm và tham gia dần.

Cần trả lời câu hỏi lãi suất, lạm phát bao giờ tạo đỉnh và đi xuống

Trước thông tin NHNN nới room tín dụng nhưng thực tế cổ phiếu ngân hàng vẫn đỏ lửa thậm chí nằm sàn, ông Tuấn cho biết, do đây là những thông tin đã được bình luận từ đầu năm, những ngân hàng được nới room là những ngân hàng có nền tảng tài chính lớn và 85.000 tỷ đồng cho cả hệ thống ngân hàng không phải lớn. “Ngân hàng nhà nước giữ quan điểm ổn định vĩ mô là tiên quyết nên thông tin này không hỗ trợ nhiều về mặt tâm lý”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, nhà đầu tư đang khá quan ngại mặt bằng lãi suất tăng lên, mặt bằng lãi suất huy động cao nhất lên 8%, đa phần kỳ hạn 3 tháng 7,1%-7,2%. Điều này khiến một số nhà đầu tư quan ngại nhất định, nhiều khả năng ngân hàng khó chuyển chi phí gia tăng, biên lợi nhuận nhóm ngân hàng ảnh hưởng dẫn đến ngân hàng là nhóm giảm mạnh nhất, nặng nề nhất.

Ông Tuấn lưu ý thêm rằng, diễn biến thị trường chứng khoán phản ánh một cách thái quá. NIM một số ngân hàng có thể giảm nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Trước câu hỏi được MC đưa ra, ngân hàng tăng lãi suất huy động có ảnh hưởng gì đến chứng khoán, ông Tuấn cho biết, lịch sử, bất cứ khi nào lãi suất tăng mạnh, chứng khoán, bất động sản ảm đạm hơn nhưng đầu tư là câu chuyện tương lai, lãi suất tăng bao nhiêu và còn tăng nữa không mới là câu hỏi cần đặt ra.

“Quay trở lại thời điểm tôi đã ở đây và trải qua thời điểm khó khăn, P/E trên 10 lần một chút , hoặc năm 2012 P/E 12 lần là những thời điểm khó khăn và cùng cực nhất, lãi suất cao hơn bây giờ rất nhiều, nhưng khi lãi suất không tăng nữa và mọi người vẫn bi quan nhưng quý 3/2011 khi nhìn thấy cơ hội thì những năm tiếp theo cơ hội là rất lớn. Thời điểm khó khăn càng phải bình tĩnh đánh giá lãi suất, lạm phát bao giờ tạo đỉnh và đi xuống”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ Facebook