Nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng cảm thấy hài lòng khi “rút khỏi Trung Quốc”
Ông Tim Draper, một nhà đầu tư mạo hiểm, từng là nhà đầu tư thời đầu của Baidu, cho biết đã rút hoàn toàn và đóng băng đầu tư vào Trung Quốc.
Ông Tim Draper, một nhà đầu tư mạo hiểm, từng là nhà đầu tư thời đầu của Baidu, cho biết ông đã rút hoàn toàn và đóng băng mọi khoản đầu tư vào Trung Quốc sau khi một trong những công ty khởi nghiệp của ông bị cơ quan quản lý của Trung Quốc phạt, và ông cảm thấy hài lòng vì điều này.
Theo Wall Street Journal , tỷ phú Draper cũng là nhà đầu tư thời đầu vào Tesla và SpaceX của ông Elon Musk. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với giới truyền thông, ông Draper cho biết sau hơn 40 năm thực hiện chính sách cải cách và mở cửa của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đây, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang ở giai đoạn lạc hậu.
Ông bổ sung thêm rằng Trung Quốc không phải là nơi có thể thu được lợi tức đầu tư, và chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát tất cả mọi người.
Hiện tại, ông Draper dự định thực hiện các khoản đầu tư mới. Theo Reuters , sau khi đến Đài Loan vào ngày 14/11, ông cho biết mình đến để tìm kiếm cơ hội đầu tư, và Đài Loan là một “địa điểm tự nhiên” thích hợp để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Vì quan tâm đến lĩnh vực vũ trụ, ông đã đến thăm chương trình vũ trụ của Đài Loan ở thành phố Tân Trúc (Hsinchu) vào buổi tối hôm đó.
Không chỉ ông Draper, ngay cả Tiger Global Management, một công ty đã đầu tư vào Trung Quốc từ lâu, gần đây cũng nhấn nút tạm dừng với thị trường chứng khoán Trung Quốc, và đánh giá lại mức độ rủi ro của Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời những người am hiểu vấn đề này cho biết, theo ông Charles Coleman – nhà sáng lập công ty đầu tư này và các giám đốc điều hành, sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20, căng thẳng địa chính trị ở Trung Quốc có thể trở nên căng thẳng hơn. Chính sách phòng chống dịch Zero-COVID cũng chưa có dấu hiệu nới lỏng, đây là những lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Ngoài ra, Bắc Kinh đã thêm cụm từ “kiên quyết phản đối và ngăn chặn nền độc lập của Đài Loan” vào điều lệ đảng mới sửa đổi gần đây, và thăng chức cho các sĩ quan quân đội hiểu biết vấn đề eo biển Đài Loan. Điều này càng làm sâu sắc thêm mối lo ngại về cách nước này sẽ xử lý vấn đề Đài Loan.
Nguồn tin cho biết hiện Tiger đang giảm mức độ tiếp xúc với chứng khoán Trung Quốc, và tập trung nguồn lực vào một số ít công ty mà họ biết và tin tưởng.
Kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có chuyến thăm bất ngờ tới Đài Loan vào tháng Tám năm nay, chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần điều quân tiến hành các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan bằng máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa, với mục đích uy hiếp. Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa sử dụng vũ lực nếu cần thiết, để giải quyết vấn đề Đài Loan.
Về vấn đề này, ông Draper tin rằng Đài Loan có công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới – TSMC, có thể nhận được một mức độ bảo vệ nhất định về tầm quan trọng chiến lược của nó. Ông nói rằng Đài Loan rất quan trọng đối với toàn thế giới, và thế giới tự do sẽ không sẵn sàng từ bỏ Đài Loan.
Hôm 16/6, Fabian Kretschmer, phóng viên của RND trú tại Bắc Kinh, đã chỉ ra trong một bài báo có tiêu đề “Vì sao một khi mất Đài Loan, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị hủy hoại trong chốc lát” rằng khoảng cách giữa Đài Loan và Đức là 9.000 km, diện tích Đài Loan chỉ tương đương với Baden-Württemberg – bang lớn thứ ba ở Tây Nam nước Đức, nhưng sự gần gũi về kinh tế của Đài Loan với Đức nằm ngoài sức tưởng tượng của hầu hết người Đức. Tất cả những điều này “chủ yếu nhờ công của một công ty Đài Loan: TSMC”.
Ngoài ra, ông ca ngợi “sự tự do và niềm tin” của hệ thống dân chủ Đài Loan, trong khi Trung Quốc đang “rời khỏi thị trường tự do”.
Ông Draper tin rằng trong tương lai, sự cởi mở của Đài Loan sẽ thu hút nhiều hơn những doanh nhân từng gặp khó khăn ở Trung Quốc.
Năm ngoái, quỹ của ông đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên vào Đài Loan, khi mua cổ phần của hãng tin kỹ thuật số Critical Review Media Group có trụ sở tại Đài Bắc, và các công ty khởi nghiệp khác.
Ông cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Đài Loan Trong tương lai và sẽ không quay trở lại Trung Quốc.
Vào ngày 20/6, Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu (EU) tại Trung Quốc đã phát hành “Khảo sát Niềm tin Kinh doanh 2022” , cho thấy sự sụt giảm đáng kể của niềm tin kinh doanh ở Trung Quốc đến từ các doanh nghiệp của châu Âu.
Làn sóng thoát Trung của các doanh nghiệp phương Tây ngày càng thể hiện rõ qua các cuộc khảo sát gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là vì chính sách Zero-COVID của chính quyền Bắc Kinh đang gây đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu.
Bình Minh (t/h)
Biểu tình lớn của công nhân Foxconn Trung Quốc
Các nhân viên mới của Foxconn ở Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cho rằng họ bị lừa nên biểu tình bảo vệ quyền lợi và bị cảnh sát trấn áp.