Nhà đầu tư “chán” đất nền?
Mức độ quan tâm phân khúc đất nền tại Hà Nội và một số điểm nóng phía Bắc đang có sự sụt giảm. Dù vậy, chuyên gia cho rằng, về dài hạn, nhà đầu tư sẽ không “quay lưng” với phân khúc này.
Theo báo cáo quý III/2022 của các đơn vị phân tích thị trường, mức độ quan tâm tới bất động sản bán tiếp tục giảm. Cụ thể, Hà Nội giảm 1%, Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14% so với quý trước, trong khi đó tại TP. HCM tăng 6% so với quý II/2022.
Bên cạnh đó, mức độ quan tâm đất nền tại Hà Nội sụt giảm 18%, kéo theo giá rao bán tại một số quận, huyện giảm so với quý trước. Cụ thể, mức độ quan tâm tại Quốc Oai giảm mạnh nhất 39%, Sóc Sơn giảm 30%, Gia Lâm giảm 28%, Thanh Trì giảm 24%. Còn Long Biên, Hà Đông, Hoài Đức, Đông Anh có mức giảm lần lượt là 21%, 18%, 17% và 8%.
Về giá rao bán, giảm mạnh nhất tại Long Biên, Thanh Trì giảm lần lượt là 10% và 9%, huyện Đông Anh và Quốc Oai giảm 1%. Còn tại Hoài Đức, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hà Đông có chiều biến ngược lại, tăng từ 1 - 5%.
Tại một số điểm nóng bất động sản trong những năm qua như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang giá bán đất nền giảm từ 5 - 7%, còn tại Hải Phòng có xu hướng ngược lại, tăng nhẹ 3%.
Theo anh Trần Văn Thiện, môi giới bất động sản tại Quốc Oai, những năm gần đây thị trường khu vực này diễn ra sôi động, mức giá tăng vượt trội hơn những khu vực lân cận.
“Cuối năm ngoái, có những lô đất đấu giá được mua với giá lên tới 100 triệu đồng/m2. Nhiều nhà đầu tư trúng đấu giá đất có thể sang tay ngay ăn chênh lệch đến hàng trăm triệu đồng. Đất thổ cư theo đó cũng tăng giá rất mạnh”, anh Thiện nói.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, anh Thiện cho biết, nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính đầu tư tại khu vực đang mắc kẹt và phải giảm giá để thoát hàng. Tình hình thanh khoản cũng đang đi xuống rõ rệt.
“Hồi đầu năm, mỗi tháng tôi phải giao dịch được 3 - 5 lô đất, nhưng hiện tại cả tháng cũng không có nổi giao dịch nào. Thời điểm này chủ yếu là người tìm đến bán, nhà đầu tư có liên hệ cũng chỉ để tham khảo giá”, người môi giới nói.
Theo anh Nguyễn Văn Hà, chủ phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, trong nửa năm trở lại đây, thị trường bất động sản nhiều khu vực rơi vào trầm lắng. Nguyên nhân chủ yếu tới từ việc tín dụng bất động sản bị thắt chặt, lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng lên.
“Thiếu dòng tiền khiến thanh khoản bất động sản sụt giảm mạnh, nhất là ở phân khúc đất nền, được cho là có tính đầu cơ cao. Xu hướng hiện nay dòng tiền đang tìm tới phân khúc có tính an toàn cao hơn, phục vụ được nhu cầu thực như chung cư, nhà trong ngõ, theo đó, giá cũng tăng nhẹ thời gian qua. Bởi ngoài khả năng tăng giá theo thời gian thì chủ sở hữu vẫn có thể thu lợi từ việc cho thuê”, anh Hà Nói.
Bên cạnh đó, môi giới này cho rằng, về dài hạn phân khúc đất nền vẫn mang lại tiềm năng tăng giá lớn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn nên nhiều người dù có tiền sẵn nhưng vẫn chờ cơ hội đất nền giảm giá để “bắt đáy”. Do đó, đất nền có sự sụt giảm cả về thanh khoản và mức độ quan tâm.
“Dự kiến, sang năm sẽ sửa xong luật liên quan tới đất đai, đây cũng là nguyên nhân khiến bất động sản trầm lắng trong thời gian này. Nhiều nhà đầu tư cũng đang chờ đợi cơ hội để quay lại thị trường”, anh Hà nói.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội khẳng định, hiện tại đất nền tại nhiều khu vực đang có lượng thanh khoản sụt giảm, sau khi đã tăng nóng. Tuy nhiên, về dài hạn nhà đầu tư sẽ không “quay lưng” với đất nền.
“Đất nền vẫn được đánh giá cao là phân khúc có lợi nhuận lớn và dễ đầu tư hơn so phân khúc khác như chung cư, bất động sản du lịch,... Tuy nhiên, đây là phân khúc có tính đầu cơ cao và đã tăng nhanh nên thời điểm này là giai đoạn để điều chỉnh. Đất nền sẽ giảm giá ở những khu vực chưa thể đưa vào khai thác được, còn những lô nằm ở vị trí đẹp, vẫn có giao dịch tốt”, vị chuyên gia nói.