Nhà đầu tư cá nhân như ở ngoài “ánh sáng” trên thị trường phái sinh
Câu chuyện phái sinh duy trì sức nóng gần 1 tháng qua với nhiều quan điểm trái chiều, nhưng đa phần ý kiến cho rằng đây là thị trường nhà đầu tư cá nhân không có lợi thế.
Trên thị trường phái sinh , cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm, trong đó VN30F2206 giảm 23,7 điểm xuống 1.253,1 điểm, khớp lệnh hơn 320.000 đơn vị, tương đương giá trị gần 42.000 tỷ đồng.
Cứ mỗi phen lao dốc của thị trường, nhà đầu tư lại lao đi tìm những tác nhân gây tiêu cực cho chỉ số. Lần này giới đầu tư đổ dồn mọi ánh nhìn vào khuyến nghị Bán (Short) hợp đồng tương lai chỉ số VN30 từ Chứng khoán VPS. Đây là đơn vị dẫn đầu về thị phần môi giới thị trường tương lai tại Việt Nam, với mức trung bình là hơn 50% toàn thị trường, vì vậy chỉ một cái "hắt hơi" của "ông lớn" thị phần này cũng gây ra những tác động không nhỏ đến giới đầu tư.
"Có thị trường thì sẽ có hiện tượng đầu cơ. VPS vẫn có lượng lớn khách hàng đầu cơ và không có tài khoản cơ sở. Tuy nhiên hoạt động đó cũng độc lập với việc phòng vệ. Trong Email VPS gửi khách hàng, chúng tôi cũng nhấn mạnh việc khi chúng ta đang có một danh mục cơ sở mà không muốn bán và nắm giữ dài hạn thì chúng ta mới nên phòng vệ", ông Đỗ Hoàng Quân, Giám đốc E-Broker, Công ty CP Chứng khoán VPS, cho biết.
Về cơ bản, những biến động của hợp đồng tương lai chính là chỉ báo cho thị trường cơ sở. Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, mức thanh khoản thấp như hiện nay cùng tâm lý "yếu ớt" trên thị trường cơ sở chính là điều kiện rất tốt để biến động từ phái sinh chi phối.
"Trong thị trường phái sinh có những người phán đoán lên và có những người phán đoán xuống. Nhiều khi thị trường cơ sở đang ổn định mà bên phái sinh lại rơi một cú rất mạnh, dân tình bên cơ sở sẽ cân nhắc là có vấn đề gì. Thứ hai, nhiều lúc phái sinh lên mạnh mấy chục điểm thì cơ sở cũng phản ứng theo. Thứ ba là có hoạt động Arbitrage (kiếm lời chênh lệch giá) phái sinh, tức là họ mua bán trên chứng khoán cơ sở để kiếm lời trên phái sinh, đấy là hoạt động rất chuyên nghiệp nên chắc chắn sẽ có tác động đến thị trường cơ sở", ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản, Công ty CP chứng khoán Tân Việt, đánh giá.
"Nhà đầu tư cá nhân không bao giờ có lợi thế khi giao dịch phái sinh, lợi thế hoàn toàn thuộc về các tổ chức. Tôi chưa thấy một nhà đầu tư cá nhân nào kiếm được lãi từ phái sinh, trong khi phí và thuế của phái sinh là rất lớn", ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư, cho hay.
Nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm cũng ví von, trên thị trường phái sinh, nhà đầu tư cá nhân như ở ngoài "ánh sáng", còn các tổ chức ở trong "bóng tối", cho thấy với nhà đầu tư cá nhân, đây thực sự là một cuộc chơi chứ không còn là hoạt động đầu tư.
Theo giới phân tích, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của thị trường trong thời gian tới.