Nhà đầu tư cá nhân mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp, tập trung gom NVL và STB
Nhà đầu tư cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị giảm 18% so với tuần trước và đạt 614 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán điều chỉnh trở lại sau 7 tuần tăng liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.248,78 điểm, tương ứng giảm 28,57 điểm (-2,48%) so với tuần trước. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 8,19 điểm (-2,5%) xuống 284,63 điểm, UPCoM-Index giảm 1,8 điểm (-1,95%) xuống 90,64 điểm.
Thanh khoản thị trường thấp hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt đạt 17.758 tỷ đồng/phiên, giảm 4% so với tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 5,9% và đạt 15.990 tỷ đồng/phiên.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục giao dịch theo chiều hướng tích cực, trong khi đó, tổ chức trong nước cũng không còn duy trì được đà tiêu cực như các tuần trước.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã NVL với giá trị 263 tỷ đồng. Tiếp sau đó, STB cũng được mua ròng 184 tỷ đồng. Hai mã SSI và KDH đều có giá trị mua ròng trên 100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, MSN đứng đầu danh sách bán ròng với 140 tỷ đồng. PVD và VNM bị bán ròng lần lượt 121 tỷ đồng và 109 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổ chức trong nước mua ròng nhẹ trở lại 59 tỷ đồng sau 2 tuần bán ròng liên tiếp. Trong cơ cấu giao dịch của tổ chức trong nước, sau khi trừ đi mảng tự doanh, dòng vốn này mua ròng 226 tỷ đồng.
MWG là cổ phiếu được các tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng mạnh nhất với giá trị 112 tỷ đồng. VHC và VHM đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 96 tỷ đồng và 79 tỷ đồng. Trong khi đó, EIB bị bán ròng mạnh nhất với 75 tỷ đồng. VGC và MSB bị bán ròng lần lượt 67 tỷ đồng và 52 tỷ đồng.
Đối với khối tự doanh, dòng vốn này bán ròng trở lại 167 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE. Dù vậy, nếu xét về phương thức khớp lệnh, khối tự doanh CTCK vẫn mua ròng 56 tỷ đồng ở sàn này.
MSN đứng đầu danh sách bán ròng của khối tự doanh sàn HoSE với 82 tỷ đồng. Tiếp sau đó là NKG bị bán ròng 70 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, hai chứng chỉ quỹ ETF nội là FUEVFVND và E1VFVN30 được mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 67 tỷ đồng và 45 tỷ đồng. Tiếp sau đó, POW được mua ròng hơn 35 tỷ đồng.