Nhà đầu tư cá nhân: 'Con mồi' của tin đồn
Theo giám đốc một công ty chứng khoán nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây, có phiên tổng giá trị giao dịch đạt gần 53.000 tỉ đồng (tương đương 2,2 tỉ USD).
Do đó, việc thao túng không còn đơn giản như trước, kể cả khi "đội lái" dùng đến hàng ngàn tỉ đồng cũng chưa chắc mang lại hiệu quả cao, đặc biệt đối với những cổ phiếu có mệnh giá từ khoảng 20.000 đồng trở lên.
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia chứng khoán trong tháng 3-2022 tiếp tục lập kỷ lục mới với 270.000 tài khoản, đẩy số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ tính đến cuối tháng 3-2022 đạt 4,93 triệu. Như vậy, mục tiêu 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm do Thủ tướng ban hành đã hoàn thành trước thời hạn 3 năm.
Trong khi nhiều thị trường khác trên thế giới có sự tham gia hùng mạnh của những nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài, thì tại thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có khoảng 90% tổng giá trị giao dịch trong ngày được đóng góp bởi nhà đầu tư cá nhân, bao gồm những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm và cả nhiều người mới chập chững bước vào thị trường, chưa vững vàng tâm lý.
Từ thực tế ghi nhận, nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường chính là đối tượng mà các "đội lái" tiếp cận để dẫn dắt bởi tin đồn thất thiệt. Trong đó, việc cử người tung tin đồn và lan truyền trên các hội nhóm Facebook, Zalo, Telegram... để đẩy hoặc đạp giá cổ phiếu chính là cách đơn giản, hiệu quả nhưng lại không tốn kém quá nhiều chi phí.
Do đó khi xuất hiện các tin đồn, thay vì bình tĩnh xử lý vấn đề, xem xét lợi hại đến đâu mới đưa ra quyết định bán - mua cổ phiếu như cách làm của nhà đầu tư tổ chức, thì các nhà đầu tư cá nhân lại chọn cách dồn dập "đua lệnh" mua hoặc kê lệnh bán bằng mọi giá. Theo cách gọi của nhiều người thì đây là phong cách "đầu tư theo tin đồn". Việc này không chỉ khiến thị trường có biến động lớn, mà bản thân nhà đầu tư cũng bị thua lỗ nặng bởi ảnh hưởng của những tin đồn thất thiệt.
Ông Huỳnh Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á - cho rằng tin đồn cũng có phân khúc riêng, có giá trị trục lợi đối với một số người. Trong khi nhiều thị trường của các nước phát triển được chi phối bởi các quỹ đầu tư (từ 50% tổng giá trị giao dịch hằng ngày) và khó bị ảnh hưởng bởi tin đồn, thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại bị chi phối bởi nhóm nhà đầu tư cá nhân (từ 90 - 95% tổng giá trị giao dịch hằng ngày), đây cũng là nhóm dễ bị dao động bởi tin đồn.
"Thị trường chứng khoán ở nước nào cũng có mảng đục nhưng cần kiểm soát để việc làm trong sạch thị trường không chỉ nằm ở hô hào, từ đó giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững và phục vụ tốt nhiệm vụ huy động vốn cho nền kinh tế", ông Huỳnh Anh Tuấn nói. Đồng thời bày tỏ ủng hộ quan điểm xử lý nghiêm việc đưa tin thất thiệt để bảo vệ nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp niêm yết.
Cần xử mạnh để răn đe
Nhà đầu tư cũng cần giữ tâm lý vững, kỳ vọng hợp lý, không quá bi quan khi thị trường giảm về vùng thấp hoặc quá lạc quan khi thị trường tăng rướn về vùng giá cao.
Ông Bùi Văn Huy - giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) - nhận định tin đồn hay tin giả là một phần của thị trường chứng khoán, bởi lẽ có sự bất cân xứng thông tin nhất định của các đối tượng tham gia thị trường, có những đối tượng nhà đầu tư có lợi thế thông tin hoặc có những đối tượng cố tình tung những tin đồn thất thiệt với những mục đích riêng.
Theo ông Huy, trên thị trường có một số tiền lệ tin đồn xuất hiện trước tin chính thống, sau đó trở thành sự thật và gây ảnh hưởng rất lớn đến những cổ phiếu liên quan. Do đó, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng rất sợ tin đồn xấu, dù tin đồn đó có được kiểm chứng hay chưa.
Tất nhiên cách phản ứng chung đối với tin đồn là cần bình tĩnh và phân tích xem tin đồn đó có cơ sở hay không, tránh hành động cảm tính và theo bầy đàn. Tuy nhiên như đã nói, nhà đầu tư cá nhân thực sự rất thiệt thòi, hạn chế về thông tin và thực sự cũng có những thông tin không có cơ sở để phân tích tính hợp lý của nó.
Do đó, các cơ quan quản lý nên có những chế tài xử lý mạnh tay các đối tượng tung ra các tin đồn không đúng sự thật, gây thiệt hại đến nhà đầu tư. Thêm vào đó, các luồng thông tin chính thống cần làm tốt vai trò của mình hơn, lấy lại lòng tin của nhà đầu tư, để là các kênh thông tin đáng tham khảo, giúp nhà đầu tư vững tâm hơn khi xuất hiện các tin đồn.
Về dự báo xu hướng, theo ông Huy, thị trường vẫn có nhiều yếu tố tích cực như sự phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19, dòng tiền mới của nhà đầu tư cá nhân vẫn vào đều đặn với số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng đều. Thêm vào đó, mùa kết quả kinh doanh và đại hội cổ đông với nhiều thông tin hỗ trợ.
Thị trường hiện tại có sự đan xen giữa những điều tích cực và tiêu cực, do đó xu hướng thị trường nhìn chung vẫn trong xu thế đi ngang trong biên độ rộng từ cuối quý 4-2021 đến nay. Vùng hỗ trợ bên dưới khoảng 1.440 điểm và phía trên là vùng đỉnh chưa được chinh phục 1.500 - 1.535 điểm.
Trong bối cảnh thị trường không quá mạnh và chưa thể bứt phá như vậy, theo ông Huy, cơ hội đầu tư cần được chắt lọc kỹ càng, nếu chọn sai ngành, cổ phiếu hoặc sai điểm mua - bán, khả năng thành công là không cao. Chiến lược chủ đạo với thị trường vẫn là mua thấp - bán cao ở các vùng hỗ trợ và kháng cự quan trọng.
LINH LAN
TTCT - Đầu năm, 2007 khi chỉ số VNIndex xấp xỉ 1.000, các tờ báo chuyên ngành kinh tế trong nước đã đồng loạt phê phán các phân tích bi quan và thiếu thực tế của một ngân hàng quốc tế cho rằng VNIndex nên chỉ ở ngưỡng 800 điểm là hợp lý.