Nhà báo Vũ Bình Nghi qua đời tại San Jose, về yên nghỉ nơi quê nhà Nam Định
Trên đất Mỹ, ông Vũ Bình Nghi ban đầu làm việc tại một số tờ báo Việt ngữ trước khi lập ra tờ báo riêng của mình, trở thành một tiếng nói quan trọng trong làng báo của người Việt.
Chụp lại hình ảnh, Nhà báo Vũ Bình Nghi
Tác giả, Bùi Văn Phú Vai trò, Gửi cho BBC từ San Jose, California 18 tháng 10 2024
Ông Vũ Bình Nghi, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Thời Báo phát hành ở San Jose, California trong 25 năm, vừa qua đời tại San Jose, California, hưởng thọ 83 tuổi.
Theo ý nguyện, ông sẽ được đưa về Việt Nam chôn cất tại nghĩa trang gia đình ở Bùi Chu, bên cạnh người vợ là bà Phạm Trinh Khiết, mất năm 2012.
Bùi Chu, thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là nguyên quán của ông.
Sinh ngày 14 tháng 4 năm 1941, ông theo gia đình di cư vào Nam sau Hiệp định Genève 1954, làm lại giấy khai sinh ghi năm 1943 và sinh sống ở xứ Tân Mai, Biên Hòa.
Năm 1965, ông Nghi lập gia đình với cô Phạm Trinh Khiết, một thiếu nữ Bắc di cư sống ở xứ Nghĩa Hòa, Ngã ba Ông Tạ. Ông chọn ngày cưới là 4 tháng 7, ngày Lễ Độc lập của Hoa Kỳ.
Con gái của ông là Vickie Phương Vũ kể rằng: “Ba cháu chọn ngày 4 tháng 7 vì từ bé ba đã đọc sách báo viết về Hoa Kỳ và rất ngưỡng mộ nước Mỹ. Ba cháu hy vọng có ngày sẽ được tới thăm một lần.”
Ước mơ đến Mỹ của ông đã thành hiện thực, sau hai lần vượt biển. Năm 1981, ông cùng cả trăm người tìm đường ra đi nhưng không thành công. Cả nhóm bị công an bắt giam, chỉ mình ông và một người nữa may mắn thoát được.
Về nhà, lần này anh em trong gia đình gom góp của cải cho ông tìm cách đóng tàu riêng. Trong chuyến vượt biển năm 1983, ông đã đưa anh em bà con phía ông và bên vợ, tất cả 117 người, vượt thoát đúng ngày Quốc khánh 2/9.
Trung Quốc 75 năm và bài học cho Việt Nam 7 tháng 10 năm 2024 Tại sao luật sư cần phải có 'bản lĩnh chính trị'? 30 tháng 9 năm 2024 Đường sắt cao tốc: Giấc mơ 'ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn’ có dễ? 8 tháng 10 năm 2024
Với người công giáo thuần thành như vợ chồng ông, ngày 2/9 và con số 117 có những ý nghĩa riêng. Đó là ngày Lễ kính 117 Á thánh Tử đạo Việt Nam, trước khi các ngài được Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong thánh tại Roma vào ngày 19/6/1988.
Ông bà Nghi thường nhắc nhở con cháu: “Nhờ ơn Chúa mà cả gia đình thoát được, đến trại tị nạn Galang tạm cư một năm trước khi tới Mỹ định cư.”
Sau một năm tạm cư trên đảo Galang của Indonesia, ngày 26/10/1984, ông bà và 9 người con rời trại tị nạn qua Mỹ định cư ở Wichita Falls, Texas, nơi ông có cô em gái sống ở đó từ năm 1975.
Đến Mỹ, ông đi làm trong một tiệm giặt ủi. Vẫn muốn trở lại nghề làm báo vì trước năm 1975 ông đã làm báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm, nên sau vài tháng ở Texas, ông đưa gia đình về California, nơi có đông người Việt sinh sống, với hy vọng có cơ hội viết báo, làm báo.
Và ông đã trở lại với nghề cũ, kéo theo gia đình cùng làm việc. Lúc đầu ông cộng tác với tờ Việt Nam của ông Nguyễn Kim Bảng, rồi tờ Đông Nam Á của ông Nguyễn Kiến Thiển Ân. Vài năm sau ông ra làm báo riêng, tờ Rao Vặt , sau đổi tên thành Việt Nam Thời Báo mà độc giả quen gọi là Thời Báo .
Nhà văn Nguyễn Bá Trạc, có một thời làm cho tờ Thời Báo , cho biết cảm nhận khi nhận được tin ông Vũ Bình Nghi qua đời:
“Nhớ đến ông Nghi là phải nghĩ và nhớ đến cả một thời gian dài, đầy xáo trộn, lúc mới tới định cư ở nước Mỹ, ở San Jose, lúc băn khoăn tìm cách xuất bản những tờ báo Việt ngữ đầu tiên. Làm sao in ra được những bài báo viết bằng chữ Việt có đánh dấu?”
“Ông Vũ Bình Nghi bước vào những sinh hoạt ấy ở San Jose sau ông Nguyễn Kim Bảng, sau Hà Túc Đạo, nhưng ông đến vào lúc các sinh hoạt thương mại của San Jose đã phát triển nên đã nâng những tờ báo Việt ngữ phôi thai thành một tờ nhật báo. Tôi nhớ có những số báo cuối tuần tờ Thời Báo lên đến hơn 70 trang.
“Nhưng nhớ nhất là kỹ thuật in ấn chữ Việt bấy giờ vẫn chưa được như ngày nay. Bản in phải cắt dán từng dòng từng đoạn. Cứ mỗi lần đến tòa soạn Thời Báo thì thấy cả gia đình ông Nghi cặm cụi. Đứa con ngồi đánh chữ. Bà vợ lo tính tiền quảng cáo. Còn ông Nghi vừa cầm bút viết Thiên Hạ Sự với bút hiệu Ký Còm, vừa cầm cái kéo cắt cắt dán dán, vừa múa bút vừa múa kéo.
“Nhớ lại cả một đoạn đời của chúng tôi lúc ấy, sống với những biến chuyển phức tạp của cả một cộng đồng tị nạn đầy thương tích, tranh chấp, cãi cọ, của cả một dân tộc phân ly đã cầm súng bắn giết nhau đến bây giờ vẫn còn đau thương.”
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Một quầy báo tại Phố Bolsa Avenue, Westminster, California
Tờ Thời Báo số phát hành cuối tuần trong thập niên 1990 còn có phụ trang sinh hoạt của Liên hội Người Việt Quốc gia Bắc California.
Thời đó, thành phần lãnh đạo của Liên hội gồm các ông Lại Đức Hùng, Hồ Quang Nhật và Vũ Văn Lộc lo tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, qui mô nhất là Hội Tết Fairgrounds.
Ông Nhật là bạn thân, đã mời cha Đôminicô Đỗ Văn Đĩnh lo phần linh hồn cho ông Nghi trong giờ lâm tử. Trước sự ra đi của người bạn trong làng báo San Jose, ông nhận xét:
“Ông Vũ Bình Nghi là một nhà báo chân chính, không hề sợ trước bạo lực. Một nhà báo luôn nghĩ đến dân tộc, đến chính nghĩa quốc gia. Tôi đã sống và sinh hoạt với ông trong nhiều năm, khi phải đối diện với những làn sóng chống đối trước đây vì Thời Báo đã đăng hai bài phỏng vấn về hai luồng tư tưởng khác nhau. Một từ phía người quốc gia là Thẩm phán Phan Quang Tuệ, con của Phó Thủ tướng Phan Quang Đán và một từ phía Hà Nội là Tổng Lãnh sự Nguyễn Xuân Phong. Sự kiện đó dẫn đến những cuộc biểu tình kéo dài cả trăm ngày. Tôi có hỏi anh Nghi nghĩ gì về các cuộc biểu tình, những hăm dọa đó. Anh ấy nói cuộc đời tôi sóng gió là chuyện thường. Tôi đã sống lại từ cõi chết sau cuộc vượt biển khi đưa gia đình và các em tôi đến được miền đất tự do, khi đó tôi đã nhìn thấy cái chết.
"Anh Nghi hết lòng ủng hộ Liên hội vì đó là những hội đoàn đầu tiên thành lập trong vùng San Jose từ khi có người Việt đến đây. Nếu không có Liên hội thì làm sao chúng ta chống lại được làn sóng đỏ do Hà Nội gửi qua.”
Thời Báo Xuân Mậu Dần 1998 với hai bài phỏng vấn, mà tôi góp phần thực hiện, đã gây tranh luận về quyền tự do báo chí và tự do biểu đạt trong nếp sống Mỹ. Với 86 lần biểu tình và tòa soạn liên tục nhận điện thoại, điện thư chửi bới, xỉ vả và cả hăm dọa, nhưng ông Nghi vẫn kiên quyết theo chủ trương “ We report. You decide. ” – Chúng tôi tường thuật, độc giả thẩm định. Ông cho rằng những chống đối là do một đài phát thanh tiếng Việt và một tờ báo kích động vì cạnh tranh độc giả và thân chủ quảng cáo.
Một lần khác, khi Thời Báo có loạt bài đưa ra ánh sáng những u mê trong phong trào chữa bệnh bằng nhân điện của ông Lương Minh Đáng, tòa soạn cũng bị phản đối, dọa kiện ra tòa. Nhưng các bài tường thuật đều là sự thật do những người đã tham gia trị bệnh cung cấp với các bằng chứng giấy tờ, hình ảnh.
Tờ báo có đông bạn đọc vì đưa nhiều tin tức liên quan đến cộng đồng và tin quê nhà, từ những sinh hoạt của hội đoàn sinh viên, hội ái hữu đến tin tức về thuyền nhân vượt biển, về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Những bài ông Nghi viết trong mục Thiên Hạ Sự , ký tên Ký Còm, được độc giả yêu thích vì liên quan đến cộng đồng. Những nhân vật được ông nhắc tới, có khi châm biếm, có khi là những đề nghị xây dựng trong cung cách làm việc rất được bạn đọc quan tâm và báo San Jose Mercury News đã từng nhắc đến ngòi bút của ông.
Sáng thứ Bảy, tòa soạn Thời Báo trên đường Santa Clara, trung tâm San Jose, là nơi gặp gỡ giữa ông với những cộng tác viên, những độc giả đến lấy báo. Ai có bình luận khen chê nội dung hay đề nghị đôi ba điều, ông đều lắng nghe.
Tôi đưa tin nhà báo Vũ Bình Nghi qua đời trên Facebook, ông Nguyễn Tâm, là chủ báo Saigon USA và cựu Nghị viên Hội đồng Thành phố San Jose cho ý kiến:
“Những bài bỉnh bút của ông rất sắc sảo và thâm thúy liên quan tới các nhân vật và sinh hoạt cộng đồng. Một chuyện nổi bật khó quên liên quan tới một đài phát thanh địa phương khiến họ chờ dịp khi tờ Thời Báo Xuân 1998 đăng bài phỏng vấn Tổng Lãnh sự Việt Cộng ở San Francisco, lập tức xảy ra trận biểu tình kéo dài nhiều tuần trước tòa soạn ở góc đường số 10th St. và Santa Clara, San Jose. Sự kiện ấy làm thay đổi bầu không khí trong cộng đồng và sinh hoạt truyền thông báo chí của người Việt.”
Nguồn hình ảnh, Bùi Văn Phú
Chụp lại hình ảnh, Tờ báo có đông bạn đọc vì đưa nhiều tin tức liên quan đến cộng đồng và tin quê nhà
Đến giữa thập niên 2000, ông Nghi giao việc quản lí tờ báo cho người con trai cả là Vũ Phạm Quỳnh, phần ông chỉ lo nội dung, để ông bà có thời giờ đi du lịch, hành hương đến những thánh địa Công giáo.
Ông bà cũng về giáo xứ Bùi Chu, Nam Định xây nhà ở khi về già, cùng lúc giúp việc kiến thiết đình làng, xây nhà giáo lý và hỗ trợ tài chánh cho cô nhi viện Thánh An tại địa phương.
Bà Vũ Bình Nghi mất năm 2012, được đưa về chôn cất nơi mảnh đất ông bà đã chọn làm nhà những năm trước đó.
Sau khi bà qua đời, ông và các con tiếp tục làm báo cho đến đầu năm 2014 thì Thời Báo đình bản, sau hơn 6.000 số báo, để lại nhiều lưu luyến cho độc giả.
Phạm Việt Quý, cựu sinh viên U.C. Davis, nhớ lại những kỷ niệm: “Còn nhớ một thời viết báo và đăng quảng cáo của trung tâm dạy kèm Learning Star trên tờ Thời Báo nên vẫn thỉnh thoảng ghé qua tòa soạn lấy báo và trò chuyện với ông bà. Một kỷ niệm đẹp.”
Derek Võ, cựu sinh viên U.C. Berkeley, chia sẻ: “Chợt nhớ lại một thời mà tờ Thời Báo luôn là tờ báo Việt yêu thích của cả gia đình.”
Mai Như Bùi, nhà hoạt động cộng đồng, viết: “Tui thích đọc mục chuyện phiếm của ông, viết hay lắm. Một tờ báo đứng đắn, đàng hoàng.”
Hôm Chủ nhật 29/9, người con trai vẫn đẩy xe đưa ông đi lễ tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang, San Jose. Hai hôm sau ông không ăn uống được nữa, mang vào cấp cứu tại bệnh viện thì các bác sĩ cho biết ông không còn sống được bao lâu. Vì tuổi già sức yếu, nhà báo Vũ Bình Nghi đã trút hơi thở cuối cùng lúc 5 giờ 1 phút ngày 5/10 tại nhà, bên cạnh con cháu.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Bá Trạc hiện sống ở Phần Lan nhận xét về cuộc đời của ông Vũ Bình Nghi: “Là một người đã tận tình chiến đấu và sinh tồn được với những khó khăn và nghịch cảnh của cả một dân tộc trong nghề làm báo. Đã lo toan cho cả gia đình ông vào thời phôi thai trên đất Mỹ cũng bằng nghề làm báo. Một cây viết dí dỏm, tài hoa. Một tín đồ Công giáo ngoan đạo.”
Cáo phó của gia đình cho biết thánh lễ tiễn đưa nhà báo Giuse Vũ Bình Nghi diễn ra vào lúc 12 giờ thứ Bảy 9/11 tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang trên đường Santa Clara, trung tâm San Jose. Sau đó di hài của người quá cố sẽ được đưa về chôn cất tại Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định.
Tác giả Bùi Văn Phú là một giảng viên đại học cộng đồng từ vùng Vịnh San Francisco, California, Mỹ. Ông là một cộng tác viên từ khi tờ
ra đời.