Nhà băng lãi lớn

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 11:57:16

Theo SSI Research, các ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng trong quý I/2022, trừ trường hợp "cá biệt" CTG.


SSI Research vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính Quý I/2022 (so với cùng kỳ năm ngoái) của 32 công ty trong phạm vi nghiên cứu của hãng này. Trong đó, SSI Research dự báo có đến 30 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương gồm: ACB, BID, CTR, DCM, DGC, DPM, FPT, GAS, GMD, HAH, HDB, HPG, MBB, MSB, NKG, NT2, PNJ, QNS, SHB, STB, STK, TCB, TPB, TRA, VCB, VEA, VHC, VIB, VPB, VSC.

Chỉ có 2 công ty SSI Research cho rằng có lợi nhuận dự kiến sụt giảm là: CTG, IMP.

Nhóm ngân hàng tiếp tục "làm nên ăn ra" trong 3 tháng đầu năm khi 14 ngân hàng mà SSI Research theo dõi có đến 13 ngân hàng dự kiến tăng trưởng lợi nhuận.

Hầu hết các ngân hàng được SSI Research ghi nhận mức lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng

Đáng chú ý nhất là VPB (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng), theo SSI Research, ngân hàng này dự kiến đứng đầu về lợi nhuận trước thuế trong quý I/2022, ước tính đạt 11.000 tỷ đồng tăng 175% so với cùng kỳ. Lý do cho sự tăng trưởng vượt bậc này nhờ ghi nhận đầy đủ phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với AIA và tăng trưởng tốt tại bảng cân đối kế toán tăng trưởng tín dụng và huy động đạt +7% và +12% từ đầu năm. Ước tính cả măm 2022, SSI Research dự báo VPB sẽ đạt lợi nhuận trên 1 tỷ USD - ở mức khoảng 25.000 tỷ đồng.

Cách đây ít ngày, VPB tiếp tục lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên gần 80.000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trước đó, trong năm 2021, vốn điều lệ của VPBank đã tăng mạnh từ 25.000 tỷ đồng lên hơn 45.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 80%.

Đứng thứ 2 về dự báo lợi nhuận là VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam), SSI Research ước tính ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế trong quý I đạt từ 9.500 - 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo SSI Research, biên độ lãi ròng của VCB cải thiện nhờ tối ưu hóa tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động. Ngoài ra, chất lượng tài sản cũng được cải thiện do nợ tái cơ cấu giảm.

Các ngân hàng lãi lớn tiếp theo dự kiến là: TCB (6.500 - 6.700 tỷ đồng); MBB (5.500 tỷ đồng, ACB và BID (4.200 tỷ đồng)…

Trong 14 ngân hàng mà SSI Research chỉ duy nhất CTG (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam) dự báo lợi nhuận quý I giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

"Mặc dù tăng trưởng tín dụng và huy động ước tính ở mức cao +7% và +5% tại thời điểm cuối tháng 3/2022, chúng tôi cho rằng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng có thể sẽ thấp hơn cùng kỳ do mức so sánh cao trong Q1/2021. Chúng tôi cũng cho rằng phí trả trước từ bancassurance với Manulife có thể chưa được ghi nhận trong Q1/2022", SSI Research đánh giá.


Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay trong năm 2022 - 2023. Ước tính tổng gói hỗ trợ lãi suất này là 40.000 tỉ đồng. Hiện các doanh nghiệp đều trông chờ chính sách này được thực hiện để giảm chi phí hoạt động.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành xây dựng và lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Trước đó vào cuối tháng 10/2021, báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Uỷ ban Kinh tế cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên vẫn chưa phù hợp, hài hòa giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp và người dân; doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ hơn các hoạt động hỗ trợ của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp, người dân, người lao động và nguy cơ gia tăng nợ xấu.


Kết quả kinh doanh dự kiến quý I/2022 các công ty của SSIResarch tại đây

Chia sẻ Facebook