Nguyễn Tư Giản – Một trí thức lớn của nước ta thế kỷ XIX

Chia sẻ Facebook
06/08/2022 14:38:11

“Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn”(1), Nguyễn Tư Giản với tư cách một vị Hoàng giáp của thế kỷ XIX, đã luôn luôn thao thức trước những vấn đề trọng đại mà thời cuộc đang đặt ra cho thế hệ ông.

1. Vấn đề tri thức

Muốn xây dựng và phát triển đất nước, không thể thiếu hiểu biết, nhất là vào thời kỳ đầu triều Nguyễn, khi mà học hành thi cử sau nhiều năm bị chiến tranh làm gián đoạn, còn khá hoang sơ. Cần đào tạo lại đội ngũ làm công tác quản lý từ trên xuống dưới, trước hết là những người giữ vai trò cầm cân nảy mực ở triều đình.


Theo ý tưởng này, Nguyễn Tư Giản đã cùng một số đình thần xin vua Tự Đức cho mở nhiều buổi thuyết giảng về các tác phẩm kinh điển nhằm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực quản lý đất nước cho các quan trong triều mà hồi bấy giờ gọi là “kinh diên” , tức chiếu giảng riêng dành cho nhà vua trên danh nghĩa. Trong một tờ sớ gửi lên Tự Đức, Nguyễn Tư Giản viết: “Chúng thần trộm nghĩ: việc đặt ra chiếu giảng, ý nghĩa thật không nhỏ. Muốn trình bày tường tận cái học của các bậc thánh, bồi dưỡng đức độ cho nhà vua, hiểu được nỗi sâu kín trong lòng dân, cứu xét những đắc thất trong việc trị nước, không thể không dựa vào chiếu giảng” (2). Tự Đức đã chấp thuận đề nghị này và buổi sinh hoạt đầu tiên được tổ chức vào tháng 2 năm Kỷ Dậu (1849). Hôm khai giảng, Nguyễn Tư Giản cảm kích làm bài phú có đoạn: “Chiếu giảng đã bày, cử tọa tề chỉnh. Giảng quan bèn mở sách kinh điển, giảng giải những chỗ thực hư khó phân biệt, cùng ý nghĩa sâu xa của chúng, nhằm thấy rõ con đường dẫn tới trị loạn hưng phế, hiểu được chuẩn mực của tu tề trị bình. Qua thảo luận mà thấy chỗ dị đồng, từ hỏi han mà nắm điều cốt yếu” (3).


Ngoài việc thuyết giảng mang tính đại trà như vừa nói, còn một hình thức đào tạo, bồi dưỡng nữa mang tính chuyên sâu cũng được áp dụng, đó là “ngự chế”“ứng chế” . “Ngự chế” , tức nhà vua nêu lên một vấn đề thường là bức xúc, và “ứng chế” tức bề tôi trình bày những hiểu biết hoặc kiến giải riêng của mình chung quanh vấn đề được nêu. Có tới hàng chục chuyên đề như vậy được đưa ra luận bàn dưới triều Tự Đức. Người “ứng chế” phần nhiều là những nhà khoa bảng nổi tiếng như Bảng nhỡn Vũ Duy Thanh (1811 – 1863), Thám hoa Mai Anh Tuấn (1815 – 1855), Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890), Hoàng giáp Lê Đình Diên (1824 -?), v.v..

Riêng Nguyễn Tư Giản có các bài ứng chế đáng chú ý sau đây:

1. Học giả dĩ trị sinh vi tiên luận (Bàn về việc học phải lấy phục vụ đời sống làm đầu);

2. Đôn sĩ tập luận (Bàn về việc làm cho quan lại có thói quen thành thật, đáng tin cậy);

3. Thuần thần luận (Bàn về việc làm cho bề tôi trở nên trung thành, chân chất);

4. Văn thần bất ái tiền luận (Bàn về văn thần không hám tiền bạc);

5. Dĩ đức vi xa, dĩ lạc vi ngự phú (Bài phú về việc lấy đức làm xe, lấy niềm vui làm người đánh xe);

6. Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa luận (Bàn về người quân tử đoàn kết mà không a dua với nhau; kẻ tiểu nhân a dua với nhau mà không đoàn kết);

7. Lịch đại văn nhân luận (Bàn về nhà văn các đời);

8. Lịch đại thi nhân luận (Bàn về nhà thơ các đời);

9. Hữu vi vô vi luận (Bàn về hữu vi và vô vi);

10. Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa (Bàn về thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa);

11. Phụ tử chi gian bất trách thiện luận (Bàn về việc giữa cha và con không đặt vấn đề bàn bạc thương lượng để đi tới quan hệ tốt) (chuyện bàn bạc thương lượng nhân nhượng chỉ đặt ra trong quan hệ bạn bè. Còn giữa cha và con thì phải xử lý theo một quan hệ khác: phụ giáo, tử hiếu).

Nhà Nguyễn sở dĩ có được một ông vua hay chữ như Tự Đức và đám triều thần có trình độ học vấn cao, cũng là nhờ ở chỗ biết coi trọng tri thức, trong đó có phần thúc đẩy và đóng góp không nhỏ của Nguyễn Tư Giản.

2. Vấn đề canh tân đất nước

Làm sao cho dân giàu nước mạnh, hầu ứng phó được với thời cuộc?


Muốn thế, điều cần làm ngay, theo Nguyễn Tư Giản, là phải tiến hành việc cải cách hành chính để thay đổi tình trạng bộ máy Nhà nước kém hiệu lực như hiện thấy. Trong một bài ứng chế viết cho Tự Đức năm 1853, ông nêu lên 6 cái tệ lớn của quan lại đương chức, mà nhức nhối hơn cả là nạn tham nhũng và hiện tượng quan viên ngồi chơi. Nguyễn Tư Giản viết: “Nay, trong thì các nha thuộc sáu bộ; ngoài thì tỉnh, phủ, châu, huyện cho đến dinh, vệ, bảo, suất, số viên chức lên tới hàng vạn, bệ hạ có chắc họ đều trong sạch cả không? Lương cấp cho họ liệu có đủ để trên thì phụng dưỡng cha mẹ, dưới thì nuôi nấng vợ con không? (…). Với cảnh lương bổng ít ỏi như hiện nay mà ngày nào cũng yêu cầu quan lại phải thanh liêm, thì khác nào ngựa nuôi trong chuồng, rơm cỏ không cho ăn đủ mà đòi trở thành thiên lý mã, cây trồng vừa mới lớn, nước nôi không tưới đều mà đòi trở thành danh mộc to mấy sải ôm. Trong khi đói rét bức bách, hình pháp đốc thúc, triều đình đãi ngộ nhân tài một cách vô liêm sỉ như vậy thì quan lại làm sao không tham nhũng, dân chúng làm sao không khốn khổ?” (4).


Về hiện tượng quan viên ngồi chơi, Nguyễn Tư Giản viết: “Đất chỉ vừa một huyện thì bày ra thành một tỉnh, đất chỉ vừa một tổng thì bày ra thành một phủ, đất chỉ vừa một ấp thì bày ra thành một huyện, số quan lại văn võ trong và ngoài triều đình ăn lương Nhà nước do vậy trở nên quá đông. Quan nhiều thì công việc không thể không rối rắm, mà công việc đã rối rắm thì dân không thể không oán trách. ấy là cái nạn “nhũng viên”, tức là kẻ nhàn tản quá nhiều trong cơ quan Nhà nước” (5).


Năm 1859, quân Pháp tiến đánh Gia Định và năm sau, chúng gửi cho Tự Đức tờ “Hòa ước” gồm 11 khoản. Quá nửa triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ tỏ ra bối rối, muốn cắt đất cầu hòa. Được tin này, Nguyễn Tư Giản nghĩ: “Trời sinh ra con người trong mỗi thời đại, tất đủ sức để giải quyết các công việc của thời đại đó” (6). Lịch sử, theo ông, không đặt ra những câu hỏi mà thời đại chưa có khả năng giải đáp. Điều quan trọng là ta có quyết tâm vượt qua thách thức hay không. Nguyễn Tư Giản liền gửi lên Tự Đức một tập “gián ngôn” dài, trong đó phân tích kỹ lý do vì sao không nên giảng hòa với giặc, mà cần kiên trì kháng chiến để bảo toàn lãnh thổ và giữ cho được chủ quyền đất nước trước cuộc xâm lăng của “Tây dương” . Nhưng Tự Đức đã gạt phắt sang một bên những lời can gián trên đây của Nguyễn Tư Giản với cái cớ: “Xử lý việc Dương di, là xuất từ ý trẫm. Để trẫm bàn lại với các đại thần trong triều, mong sao cho công việc tốt đẹp, không xảy ra điều gì đáng tiếc. Khanh đang ở bên ngoài, nghe tin đồn chưa chính xác, nên lời lẽ hùng hồn mà không trúng, thậm chí quá đáng. Tuy nhiên, nói thật nói thẳng cũng là bổn phận của bề tôi, trẫm miễn tội cho khanh. Mọi việc đã có triều đình lo liệu, khanh nói lắm làm gì?” (7). Được ít lâu, sáu tỉnh Nam Bộ rơi vào tay giặc Pháp. Nguyễn Tư Giản đành ngậm ngùi than cùng Nguyễn Thông lúc này vừa rời Vĩnh Long ra tị nạn ở Bình Thuận để tỏ ý không chịu khuất phục quân cướp nước:


Tâm đồng Thân tử ỷ tường khốc;
Thân tự Tương Như phụng bích hoàn.


(Lòng như Thân Bao Tư dựa vào tường mà khóc để xin quân cứu viện;
Thân giống Lận Tương Như quyết giữ ngọc lại, không trao cho kẻ bịp lừa)(8).


Để cứu vãn tình thế, nhất là sau khi đi sứ Trung Quốc trở về nước, Nguyễn Tư Giản cùng một số nhân sĩ thức thời như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện… dâng sớ lên vua Tự Đức trình bày một kế hoạch “canh tân tự cường” , như mở rộng bang giao với các nước phương Tây, gửi học sinh ra nước ngoài du học v.v., những điều mà các nước trong khu vực như Nhật Bản, Xiêm La cũng đang làm(9). Nhưng rốt cục, Tự Đức lại vẫn gạt sang một bên. Nghe nói vào khoảng cuối đời, Nguyễn Tư Giản từng dẫn người con út xuống Hải Phòng định sang Hương Cảng, nhưng chuyến đi không thành, đành khép lại ước vọng “canh tân” đã vô phương thực hiện(10).

3. Vấn đề tôn trọng và gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc


Vào những năm làm Tham tán quân vụ hoạt động tại Hải Dương, Nguyễn Tư Giản có ghé thăm lăng tẩm các vua nhà Trần ở Yên Sinh (Mễ Sơn, Đông Triều). Ông đã soạn cuốn Trần triều lăng tẩm đồ mạn ký để nói về những thu hoạch nhân chuyến đi này, trong có đoạn: “Giản tôi mới đến, chưa kịp đi thăm khắp. Vừa rồi, nhân việc công mà qua đây. Ai cũng bùi ngùi xúc động (…). Có người mang tấm bản đồ lăng tẩm nhà Trần ra cho tôi xem (…). Giản tôi đỡ lấy bức vẽ và ghi lại tất cả…”. Cuốn Trần triều lăng tẩm đồ mạn ký hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mang ký hiệu VHv.1755, nhiều người cho đây là thủ cảo của Nguyễn Tư Giản. Đáng tiếc là sách do quá cũ nên nhiều chữ không xem nổi, và tấm bản đồ về lăng tẩm nhà Trần mà Nguyễn Tư Giản từng cẩn thận sao chép lại nay cũng đã mất. Dù vậy, với những gì còn đọc được, nhất là mấy chữ “… thị Thái Tôn, Thánh Tôn dữ truyền nghi” (…ấy là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và các truyền thuyết về hai ngài) ở cuối sách, ta cũng có thể thấy sự khâm phục và trân trọng rất mực những chiến công hiển hách của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông dưới sự lãnh đạo tài tình của các vua Trần.


Tinh thần tôn trọng và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của Nguyễn Tư Giản còn được thể hiện qua bài Biện di thuyết do ông soạn thảo trong dịp sang sứ Trung Quốc vào mùa thu năm 1868. Ông kể lại: khi đoàn sứ bộ ta tới Quảng Tây, thấy trong hiệu sách đang bày bán tập Việt Tây dư địa đồ thuyết , trong đó, phàm những nơi đất Trung Hoa tiếp giáp với Việt Nam đều ghi là giáp “mỗ di châu, di huyện”. Xem chưa hết tấm bản đồ, ông thở dài than rằng:


“Ôi! Nói thế mà nghe được sao? Người Trung Quốc cho họ là “trung thổ” , còn các nước chung quanh họ là “phiên phong” . Nhưng kìa xem trời che phủ địa cầu, ngoài người Trung Hoa ra, còn có muôn nghìn nước, làm sao phân biệt được đâu là “trung” , đâu là “ngoại” ? Chả lẽ ai cùng khu vực với mình thì gọi là “hạ” , mà không tương thích với mình thì gọi là “di” ? Nên nhớ Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam xưa kia có lúc là một, cũng “Thi, Thư, Lục nghệ”, cũng “Lễ, Nhạc, y quan” … Lại kìa như đất đai có lớn có nhỏ, thế nước có lúc mạnh lúc yếu, ấy là chuyện tự nhiên. Nếu đức nghĩa không tì vết, thì tuy yếu mà mạnh, tuy nhỏ mà lớn. Cho nên lấy đức để đối xử với nhau thì thiên hạ sẽ hướng về, ấy là đạo lý từ xưa. Chưa nghe nói ai kiêu căng, ngạo mạn mà khiến người ta sùng phục. Sách Tả thị viết: “Anh đừng bảo nước Tần không có người” , đấy là câu nói của nước đối phương dùng để trả lời khách!”(11).

4. Vấn đề hài hòa lợi ích chung với lợi ích riêng


“Túc dạ tại công, vong tư vong gia” , hầu hết thời gian dành cho việc dân việc nước, Nguyễn Tư Giản thấy mình thật có lỗi với xứ sở quê hương. Năm 1856, ông xin nghỉ phép, về Du Lâm để sửa sang mồ mả và nhà thờ cha mẹ. Trong tờ sớ Thỉnh qui tảo tiên mộ, Nguyễn Tư Giản viết:

“Thần phụ mẫu đều mất sớm, chưa kịp phụng dưỡng. Ra làm quan đã 14 năm mà chưa một lần về tảo mộ và cúng giỗ gia tiên, đấy là điều khiến thần luôn luôn nghĩ ngợi, cảm thấy bứt rứt, tự thương, tự tiếc. Năm Thiệu Trị 6 (1846), vợ thần qua đời, thần được phép về quê một tháng để lo liệu việc chôn cất. Lần đó, vội vội vàng vàng, hết phép lại đi ngay, không có thời gian để tu sửa mồ mả cha mẹ. Thấm thoắt đã 10 năm. Năm ngoái, huyện nhà bị vỡ đê, làng của thần cách chỗ vỡ đê có một mũi tên nên bị nước lũ tràn ngập. Phần mộ và từ đường thờ cha mẹ thần cũng đều ở đấy cả, bị mưa dập, gió day, nước xoi, đất lở… Hễ nghĩ tới chuyện này là lòng thần đau nhói, trán toát mồ hôi.”…

Như để trang trải phần nào món nợ tình cảm đối với bà con quê hương, Nguyễn Tư Giản đã tranh thủ những lúc việc công rảnh rỗi, sưu tầm tư liệu và biên soạn bộ Vân Điềm Du Lâm Nguyễn tộc hợp phả, qua đó nêu cao truyền thống chịu thương chịu khó, cần cù lao động và đặc biệt là tinh thần hiếu học của dòng họ Nguyễn ở Vân Điềm – Du Lâm.

Có thể thấy Nguyễn Tư Giản là một trí thức lớn của nước ta thế kỷ XIX. Những điều ông nghĩ, những việc ông làm vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với thời đại ngày nay.


Trần Nghĩa


Tạp chí Hán Nôm số 3 năm 2000
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm ( Hannom.org.vn )


Chú thích :

(1). Nguyễn Trãi: Mạn hứng 62. Câu này vốn là câu của Tô Đông Pha.

(2). Thạch Nông toàn tập A.376/4, Q15, Kinh diên gián sớ.

(3). Thạch Nông toàn tập A.376/4, Q11, tr.54b – 56b, Trọng xuân Khâm Văn điện phủ khai kinh diên phú.

(4),(5). Xem Đôn sĩ tập luận (Tập hiền viện khởi cư trú Nguyễn Tư Giản phụng chế), trong sách Trướng đối cập ứng chế văn A.2923.

(6). Trần triều lăng tẩm đồ mạn ký VHv.1755. Nguyên văn: “Thiên sinh nhất thế nhân, tự túc liễu nhất thế sự”.

(7). Xem Trướng đối tạp lục, VHv.1920, tr103a – 119b.

(8). Xem bài Tống Tỉ bộ Nguyễn Hy Phần, Thạch Nông toàn tập A.376/4, Q.6, Yên thiều thi tập, tr.1b.

(9). Nhật Bản phát động cuộc “Minh Trị duy tân” vào năm 1868; cũng vào thời gian này, vua nước Xiêm là Chulalongkorn quyết tâm thay đổi pháp chế, lên đường đi thăm ấn Độ và một số nước Châu Âu, cử con em du học… “Nhiều vua chúa và quí tộc Thái Lan đã sang Tây học, thông thạo ngoại ngữ, đã góp phần tạo nên một văn hóa Thái Lan được phương Tây hóa về nhiều mặt, trong đó có vai trò của vua Mongkut, tức Rama IV (1851 – 1868), của Chulalongkorn, tức Rama V (1868 – 1910), của Vajiravudh, tức Rama VI (1910 – 1925) đều là những người am hiểu phương Tây, biết duy trì độc lập dân tộc với những nhân nhượng cần thiết với phương Tây đồng thời đổi mới đất nước theo con đường Tây phương hóa về chính trị, pháp luật, kinh tế” (Phan Ngọc).

(10). Nguyễn Triệu Luật: Ngược đường Trường Thi, Phổ thông bán nguyệt san, 1939, tr.138.

(11). Xem Thạch Nông văn tập A.376/4, Q.15, tr.49b.

Vài giai thoại về trạng nguyên, sứ thần Đại Việt Nguyễn Quốc Trinh

Chia sẻ Facebook