Nguyễn Tri Phương: Vị công thần không qua thi cử (P1)

Chia sẻ Facebook
15/05/2023 09:16:11

Thời nhà Nguyễn có lệ chỉ có thi đỗ mới được làm quan, vậy mà Nguyễn Tri Phương bằng tài năng đã được tiến cử trực tiếp lên vua Minh Mạng.


Thời nhà Nguyễn có lệ chỉ có thi đỗ mới được làm quan, vậy mà Nguyễn Tri Phương dù không theo con đường khoa bảng, nhưng bằng tài năng đã được tiến cử trực tiếp lên vua Minh Mạng. Cuộc đời của ông gắn liền với cuộc chiến chống Xiêm La và Pháp, bảo vệ bờ cõi.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Anh thư lại tận tâm với công việc

Nguyễn Tri Phương vốn tên là Nguyễn Văn Chương, sinh năm 1800 ở lang Điền Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Xuất thân trong gia đình nghèo khó, sống bằng nghề thợ mộc và làm ruộng nên Nguyễn Văn Chương cũng không có điều kiện theo học khoa bảng, nhất là Thừa Thiên không phải vùng đất khoa bảng.

Dù không theo con đường khoa bảng, nhưng Nguyễn Văn Chương có ý tự học, vì thế mà giỏi chữ nghĩa, khi còn trẻ đã xin vào làm một chân thư lại nhỏ cho huyện nhà Phong Điền.

Làm thư lại, Nguyễn Văn Chương biết đến vụ án gây chết người vô tội, nhưng viên thư lại cũ bỏ qua không trình báo lên trên. Ông tìm hiểu lật lại vụ án, rồi trình báo lên tỉnh ở địa phương nhưng chẳng ai chú ý. Ông bèn dâng tiếp lên bộ Hộ cũng chẳng ai chú ý, duy người đứng đầu bộ Hộ là Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân vốn làm việc có trình tự không bỏ sót nên đã đọc tờ trình.

Nguyễn Đăng Tuân điều tra lại vụ án thì phát hiện viên thư lại cũ ăn hối lộ, bỏ qua vụ án không trình báo, từ đó Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân rất mến Nguyễn Văn Chương.

Được tiến cử thẳng lên vua


Theo “Đại Nam chính biên liệt truyện” thì Nguyễn Đăng Tuân thấy Nguyễn Văn Chương tướng mạo có phần lạ nên bảo cởi áo ra để xem tướng cho. Sau khi xem một lúc thì nói rằng: “Ta coi tướng cho người trong thiên hạ cũng đã nhiều, nhưng chưa ai có tướng tốt như ngươi và con trai ta là Nguyễn Đăng Giai, mà so kỹ thì tướng của ngươi còn tốt hơn tướng của con ta một bậc”.

Ba năm sau, nhận thấy rõ tài năng của Nguyễn Văn Chương nên Nguyễn Đăng Tuân đã tiến cử thẳng lên vua Minh Mạng. Nguyễn Đăng Tuân là danh sĩ thời ấy nên rất có uy tín, sau này vua Minh Mạng cũng mời ông đến giảng dạy cho vua Thiêu Trị khi còn nhỏ.

Quan tước thời nhà Nguyễn đều là người thi đỗ và phải có thực tài, không có ngoại lệ. Nguyễn Văn Chương dù không thi khoa bảng nhưng Nguyễn Đăng Tuân thấy là người có tài nên dùng uy tín của mình tiến cử lên vua Minh Mạng.


Vua Minh Mạng trực tiếp gặp gỡ sát hạch rồi có lời khen rằng: “Văn hay chữ tốt, phẩm cách hơn người, dù bậc đại khoa cũng không hơn được”.

Bắt đầu đi vào quan lộ

Năm 1823, vua Minh Mạng phong cho Nguyễn Văn Chương hàm Điển bộ ở Nội điện. Từ đó Nguyễn Văn Chương bước trên quan lộ, thăng dần lên Thị độc, Thị giảng học sĩ, đến năm 1831 thăng Hồng Lô tự khanh.

Năm 1833 xảy ra sự kiện Lê Văn Khôi khởi binh chống lại Triều đình nhưng bị vây chặt ở thành Gia Định. Khôi bèn cho người mang thư cầu cứu Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Không bỏ lỡ cơ hội, vua Xiêm cho quân chia làm 5 đạo tiến đánh Đại Việt.

Quân Xiêm thất bại, quân Việt đánh đuổi theo tận sang đất Cao Miên, đánh đuổi đến tận biên giới Xiêm La, làm chủ Cao Miên. Lúc này Việt Nam rất lớn mạnh, khiến các nước lân bang đều nể sợ và thần phục, nhiều xứ ở Ai Lao (Lào ngày nay) như Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn và Savannakhet giáp với Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đều xin trở thành nội thuộc. Nhà Nguyễn cho sáp nhập vùng này vào lãnh thổ, phân thành các châu, phủ thuộc Việt Nam.


Năm 1835, diện tích Việt Nam vô cùng rộng lớn, bao gồm vùng đất Ai Lao (tức Lào ngày nay), hầu hết phần đất của Campuchia, diện tích rộng 575.000 km 2 gấp 1,7 lần so với Việt Nam ngày nay.

Lúc này triều đình rất cần người có tài vào Gia Định để ổn định dân chúng, khai phá vùng đất phương nam. Vua Minh Mạng đã cử Nguyễn Văn Chương vào Gia Định. Sau khi thành công ông được thăng làm Thị lang, rồi giữ các vị trí khác nhau.

Tiến đánh Xiêm La lập công đầu


Năm 1839, vua Minh Mạng đổi tên nước là Đại Nam. Đến năm 1841 vua Minh Mạng mất, vua Thiệu Trị lên thay. Nhận thấy tình hình Cao Miên bất ổn, Vua liền cho rút khỏi Cao Miên. Lập tức Xiêm La cho quân đến Cao Miên, lập Vua mới. Đến năm 1842 thì Xiêm La chia quân tiến đánh Đại Nam. Trước thế giặc mạnh, Nguyễn Văn Chương đã tâu lên Triều đình tình thế hai bên và lên kế hoạch đánh Xiêm La. “Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện” biên soạn năm 1901 mô tả như sau:

“Quân Xiêm đổ bộ lên Hà Tiên, ta chặn giặc tại đồn Vĩnh Thông. Tình thế trở nên căng thẳng, quân Xiêm có thêm cánh quân theo sông Tiền, sông Hậu đổ xuống. Tướng Nguyễn Tri Phương (tên mới sau này của Nguyễn Văn Chương) lại tâu về triều đình, nhận định rằng mất sông Tiền là mất An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, nên ta cần đem binh giữ và phòng bị cẩn mật những đồn Thông Bình (Tuyên Bình), Hùng Ngự (Hồng Ngự), Tân Châu, An Lạc.”

Vua Thiệu Trị cử Nguyễn Văn Chương làm Tổng đốc Vĩnh Long và Định Tường, đồng thời cầm quân chống Xiêm La. Ông cùng các tướng ngăn được quân Xiêm và đánh đuổi ra khỏi biên giới.

Xiêm La cai trị Cao Miên một cách tàn bạo, người Khmer phải cầu cứu Đại Nam. Vua Thiệu Trị quyết định đưa quân sang Cao Miên giúp người Khmer đánh đuổi Xiêm La.

Nguyễn Văn Chương cùng các tướng đưa quân tiến sang Cao Miên đánh Xiêm La, chiếm được Kinh thành Nam Vang. Vua thiệu Trị khen thưởng các tướng, Nguyễn Văn Chương có công lớn hàng đầu được phong làm Hiệp biện Đại học sĩ kiêm Khâm sai đại thần.


“Đại Nam thực lục” có ghi chép việc vua Thiêu Trị khen ngợi Nguyễn Văn Chương:

“Gần đây có viên trung sứ từ quân thứ về nói: Nguyễn Tri Phương đối trận đánh nhau với giặc, đạn rơi xuống như mưa; tỳ tướng bẩm xin bỏ lọng đi để cho địch khỏi biết. Tri Phương quát lên, sai giương thêm 2 lọng nữa. Từ đấy, khí thế quân sĩ hăng hái gấp trăm lần, sẽ thu được thành công. Ví phỏng người nhút nhát đương vào việc ấy, liệu có khỏi mất tinh thần không?”


(Còn nữa)


Trần Hưng

Mời xem video “Ai có thể giữ vững sự cao quý trong sâu thẳm tâm linh mình?”

Chia sẻ Facebook