Nguyên thứ trưởng Trương Quốc Cường bất ngờ được đề nghị giảm gần nửa án tù
Chiều nay 19-5, đại diện VKSND TP Hà Nội đã đề nghị lại mức án 4-5 năm tù với nguyên thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, giảm gần một nửa so với mức án đề nghị mức án đề nghị trước đó là 7 đến 8 năm tù.
Sau 2 ngày nghị án, chiều nay 19-5, TAND Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.
Bị cáo Trương Quốc Cường tại phiên toà - Ảnh: Hùng Anh
Theo thông báo của chủ tọa phiên tòa 14 giờ chiều nay 19-5, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với ông Trương Quốc Cường cùng 13 bị cáo khác.
Tuy nhiên, đầu giờ chiều nay, tòa bất ngờ quay lại phần tranh tụng.
Trong quá trình xét xử, VKSND TP Hà Nội ghi nhận lời nói sau cùng bị cáo Trương Quốc Cường đã nhận tội. Bên cạnh đó, bị cáo này cũng vận động gia đình nộp 1,8 tỉ đồng khắc phục thiệt hại trong vụ án. Do đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Quốc Cường từ 4-5 năm tù (trước đó đề nghị từ 7-8 năm tù)
Đại diện VKSND TP Hà Nội cũng ghi nhận bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã vận động gia đình nộp khắc phục 5 tỉ đồng. Do đó, VKSND đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo này từ 18-19 năm tù (trước đó bị đề nghị 20 năm tù). Bị cáo Trương Quốc Cường bị đề nghị 4-5 năm tù (trước đó là 7-8 năm tù). Bị cáo Phạm Hồng Châu, nguyên trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Dược, bị đề nghị từ 5-6 năm tù (trước bị đề nghị từ 7-8 năm) năm tù; Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên phó phòng, bị đề nghị 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù ( trước bị đề nghị 4-5 năm). 4 bị cáo khác trong vụ án cũng được VKS đề nghị giảm 1 năm tù so với trước đó.
Dự kiến, 16 giờ chiều nay 19-5, HĐXX tuyên mức án với bị cáo Trương Quốc Cường và các đồng phạm.
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Hà Nội đã đề nghị tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Trương Quốc Cường mức án từ 7 đến 8 năm tù; đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Việt Hùng, nguyên phó cục trưởng Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế, 3-4 năm tù; Lê Đình Thanh, nguyên cán bộ hải quan TP HCM, 2-3 năm tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Phạm Hồng Châu, nguyên trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Dược, bị đề nghị 7-8 năm tù; Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên phó phòng, bị đề nghị 4-5 năm tù cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đối với nhóm bị cáo tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, VKSND đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma, và Võ Mạnh Cường, nguyên giám đốc Công ty Hàng hải quốc tế M&C, cùng 20 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước, VKSND đề nghị phạt 2 bị cáo này tổng mức án 30 năm tù. 7 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 8 năm tù đến 16 năm tù.
Tại phần tranh tụng, đại diện VKSND cho rằng đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhiều công ty kinh doanh dược phẩm trong và ngoài nước và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vụ án được đưa ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Hành vi của các bị cáo đã để lại hậu quả hết sức nặng nề về mặt chính trị, kinh tế, cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Đại diện VKSND đánh giá, nguyên thứ trưởng Trương Quốc Cường đã không làm tròn trách nhiệm, thiếu giám sát, kiểm tra hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và là người đồng ý xét duyệt việc cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện. Ngoài ra, sau khi nhận được thông tin cảnh báo về lô thuốc nhãn mác Health 2000 Canada "không chuẩn", bị cáo Trương Quốc Cường cũng không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi hồ sơ cấp số đăng ký thuốc. Hậu quả, hàng triệu hộp thuốc giả được đưa ra thị trường đề điều trị cho người bệnh.
Trong quá trình xét xử, bị cáo Trương Quốc Cường chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Tuy nhiên sau đó, bị cáo thừa nhận các sai phạm như những gì VKSND cáo buộc.
Đối với nhóm bị cáo là cựu cán bộ tại Cục Quản lý dược, họ đã thiếu trách nhiệm, có động cơ cá nhân nên làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt 7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada do nhóm tại VN Pharma và Công ty H&C đưa ra.
Còn các bị cáo tại VN Pharma và Công ty H&C đã cấu kết làm giả nhiều hợp đồng, chứng từ, cố ý thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc để hợp thức cho lô thuốc có tổng trị giá hơn 25 tỉ đồng được thông quan. Sau đó, các bị cáo nâng khống giá trị thuốc lên hơn 54 tỉ đồng.
Theo Nguyễn Hưởng
Người lao động