Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC là ai?

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 12:51:46

Ngày 29/4, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) để điều tra về sai phạm đấu thầu tại dự án BV Đa khoa Đồng Nai.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1969, quê Bắc Ninh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tiến bộ Quốc tế (AIC). Từ một người kinh doanh xuất khẩu lao động, bà Nhàn đã trở thành tiến sỹ, Viện sỹ trước khi thực hiện nhiều dự án tai tiếng.

Năm 1999, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là cán bộ phụ trách mảng xuất khẩu lao động tại Công ty Xây dựng và Thương mại (Traenco, thuộc Bộ GTVT). Tại thời điểm đầu những năm 2000, xuất khẩu lao động sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông,… là lĩnh vực "hốt bạc" đối với các đơn vị thực hiện việc đưa người lao động đi nước ngoài, với mỗi suất đi người lao động phải đóng cả trăm triệu đồng.

Năm 2005, Traenco được cổ phần hoá và rơi vào tay bà Nhàn, đổi tên thành CTCP Tiến bộ Quốc tế (AIC), trụ sở tại 69 Tuệ Tĩnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thời điểm đó, AIC không chỉ đơn thuần xuất khẩu lao động mà còn ký hợp đồng cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam. Người lao động được AIC lấy chủ yếu từ chính những người đã từng đi lao động xuất khẩu trở về.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Phất lên nhanh chóng nhờ đưa công nhân đi bán sức lao động, AIC mở rộng lĩnh vực kinh doanh và trở thành một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ,…

Trong lĩnh vực giáo dục, AIC Group trúng nhiều gói thầu liên quan đến việc cung cấp thiết bị dạy học, các khóa đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.

Đối với lĩnh vực y tế, AIC Group là đơn vị cung cấp trang thiết bị cho các nhà thầu y tế, thậm chí trực tiếp tham gia nhiều gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải và chất thải ở nhiều bệnh viện.

Trong đó có thể kể tới một số thương vụ như: Gói thầu “Thi công xây lắp thiết bị xử lý nước thải, rác thải (05 cơ sở y tế: Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng; Bệnh viện huyện Tân Biên; Bệnh viện huyện Tân Châu; Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh)”, thuộc dự án: “Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế tại 9 cơ sở Y tế tỉnh Tây Ninh”; Gói thầu XL01: "Xây dựng và lắp đặt thiết bị hệ thống xử lý nước thải và các công trình phụ trợ" thuộc dự án: "Hỗ trợ xử lý chất thải các bệnh viện khu vực Bệnh viện Bạch Mai"; Gói thầu số 04: “Thiết bị xử lý nước thải + Lò đốt rác”, công trình: “Hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn – Bệnh viện y dược cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai”; Gói thầu “Mua sắm thiết bị + Lắp đặt thiết bị”, thuộc dự án: “Nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Sơn La”.

Thế nhưng, có không ít những dự án của AIC dù tuyên bố hoành tráng nhưng lại không được thực hiện, hoặc thực hiện theo cách “đầu voi đuôi chuột”.

Năm 2010, AIC được UBND TP Hà Nội giao thực hiện dự án xử lý rác thải 2.000 tấn/ngày tại Nam Sơn, Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn). Dự án dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2011. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chỉ là… bãi rác, trở thành nỗi nhức nhối của người dân Thủ đô.

Năm 2013, AIC trúng thầu dự án xử lý rác thải trị giá 31 tỷ đồng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, nhưng dự án mới đưa vào sử dụng đã hỏng hóc nhiều lần, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Trong lĩnh vực giáo dục, năm 2014 AIC Group thực hiện dự án Máy tính bảng mang nhãn hiệu Smart Education của AIC Group. Đề án có tên gọi 123 (đưa SGK và máy tính bảng vào các trường tiểu học công lập) của Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh. Với đề án này, AIC bị nghi ngờ nhập 3.500 máy tính bảng giá bèo (khoảng 500-700.000 đồng) từ Đài Loan nhưng bán cho Sở GD&ĐT TP.HCM với giá 3 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, thời điểm đó bà Nhàn đã phủ nhận những nghi ngờ này qua các phương tiện truyền thông.

Trước đó, năm 2013, AIC trúng gói thầu số 2: “Mua sắm thiết bị phòng học ngoại ngữ các trường THCS, THPT, GDTX, TCCN” thuộc dự án: “Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; hay gói thầu “Mua sắm thiết bị tin học và thiết bị phòng học đa năng trang bị cho các trường tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.

Điều ngạc nhiên là năm 2017, bà Nhàn được tạp chí Forbes Việt Nam xếp trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Cũng thời gian này, AIC Group nổi lên như doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp các thiết bị, giải pháp công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh cho các địa phương, đơn vị.

Chẳng hạn như tại Quảng Ninh, năm 2019, AIC Group của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng ghi dấu với việc đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện.

Cũng trong năm này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tham gia bấm nút vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại quê nhà Bắc Ninh. Phần mềm của trung tâm này do AIC Group cung cấp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đại diện cho AIC Group tham gia bấm nút ra mắt Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tại Quảng Ninh (Nguồn: quangninh.gov.vn).

Trước đó, bà Nhàn và AIC Group đã có những buổi làm việc với lãnh đạo Hải Dương, Yên Bái, Đồng Nai và nhiều địa phương khác liên quan đến các dự án xây dựng đô thị thông minh.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, AIC Group còn nhanh chóng phát triển phần mềm học trực tuyến có tên gọi AIC Education và ứng dụng y tế “Covid-19” cập nhật thông tin về dịch bệnh.

Ngoài ra, AIC Group còn tham gia đầu tư vào một số dự án bất động sản như: Dự án Khu đô thị mới AIC Mê Linh và Dự án hỗn hợp Văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (AIC Xuân Đỉnh).


Hiền Anh (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook