Nguyên tắc của người quân tử nói theo ngôn ngữ phương Tây

Chia sẻ Facebook
06/05/2023 08:19:08

Nguyên tắc của người quân tử nói theo ngôn ngữ phương TâyThiên Cầm •Thứ bảy, 06/05/2023


Người quân tử không đồng ý với cách nhìn của người khác, nhưng không có nghĩa là họ không tôn trọng nhân phẩm của người khác, lại càng không có nghĩa là họ tước đoạt quyền lợi của người khác. Đối nhân xử thế có nguyên tắc, có chừng mực, có giới hạn, đây mới là người quân tử.

Ca ngợi nhân phẩm và tài năng của người, giữ vững chính nghĩa của mình

George Washington là vị Cha Lập quốc của nước Mỹ hiện đại. Sau khi ông thống lĩnh quân lính đánh bại người Anh, uy vọng cá nhân ông đã lên đến đỉnh điểm. Rất nhiều thuộc hạ ủng hộ ông, hy vọng ông làm quốc vương. Đối mặt với ngôi vị quốc vương, Washington vẫn từ chối không chút do dự. Ông cho rằng nếu ông mà làm quốc vương, vậy thì việc người dân đổ máu và nước mắt hoàn toàn không có giá trị.

Một người bạn thân của Washington, Thomas Jefferson, người khởi thảo Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, ủng hộ Washington lên làm tổng thống. Nhưng ông cũng kiên trì rằng tổng thống thì phải có nhiệm kỳ, không thể không bị hạn chế, không thể nắm giữ quyền lực tối cao của quốc gia vô thời hạn. Đồng thời ông tích cực cổ vũ dân chúng thành lập hai viện, kiến nghị chế độ tam quyền phân lập, yêu cầu ước thúc hành vi của tổng thống.

Thomas Jefferson. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Thomas Jefferson cho rằng dẫu Washington là một người có đạo đức cao thượng. Nhưng người Mỹ không thể biết rằng sau bao nhiêu năm đảm nhiệm chức vị tổng thống, ông sẽ trở thành một người như thế nào. Bởi lẽ nhân tính luôn có nhược điểm và thường thay đổi, người Mỹ lại càng không thể biết được rằng 100 năm sau tổng thống mà nhân dân Mỹ lựa chọn là người như thế nào. Cho nên người Mỹ phải lập pháp, hạn chế quyền lợi của tổng thống, đảm bảo rằng những lợi ích cơ bản của người dân Mỹ không bị xâm phạm vào bất kỳ thời đại nào.

Thomas Jefferson là người bạn thân thiết của Washington. Trong cuộc chiến tranh chống lại quân Anh, ông và Washington đã kề vai sát cánh bên nhau. Ông ủng hộ Washington hết lòng, hai bên cùng khen ngợi và tôn trọng nhau. Nhưng Thomas Jefferson không vì mối quan hệ thân thiết này mà thay đổi quan điểm của mình, vứt bỏ nguyên tắc.

Trong thời kỳ Washington đảm nhiệm chức vụ tổng thống, Thomas Jefferson thường phản đối phương châm triển khai của tổng thống, nhiều khi họ đứng ở thế đối lập. Sau khi hai nhiệm kỳ kết thúc, Washington tự nguyện rời bỏ, không truy cầu tiếp tục nhiệm kỳ sau. Trước khi từ chức ông từng đề đạt Thomas Jefferson là ứng viên tổng thống. Ông nhiệt tình ca ngợi nhân phẩm và tài năng của Thomas Jefferson.

Quân tử hoà mà không đồng, là vì tán đồng với nhân phẩm, nhưng điểm khác biệt là luôn kiên trì chính nghĩa mà bản thân nhìn nhận.

Khi đứng trước lợi ích của mọi người, mâu thuẫn cá nhân trở nên nhỏ bé


Thời trẻ, Winston Churchill có một khoảng thời gian rất dài từng làm nghị viên tại Hạ nghị viện nước Anh. Ông và nữ đồng nghiệp Margarita có chủ trương chính trị khác nhau một trời một vực.

Những việc mà Winston Churchill tán đồng thì thường Margarita phản đối. Cũng như vậy, những chủ trương Margarita đề xuất, Churchill không hề tán thành. Hai người động một chút lại tranh cãi tới đỏ mặt tía tai trong nghị viện, cho tới khi rời đi không mấy vui vẻ.


Một hôm vào buổi trưa, Winston Churchill uống rất nhiều rượu, hơi rượu nồng nặc khiến ông nấc lên. Ông ngất ngư tới hạ viện họp, thì vừa hay gặp phải Margarita ngay ở hành lang. Margarita vô cùng phẫn nộ hét vào mặt ông: “Winston, ông lại say rượu rồi! Bộ dạng của ông thật khiến người khác muốn ói!”


Winston Churchill hà khắc phản bác lại: “Đúng vậy, bà nói không sai. Tôi say rượu quả thật trông muốn ói. Ngày mai tỉnh rượu tôi sẽ không như vậy nữa. Nhưng Margarita bà thì sao? Bà sinh ra đã xấu xí, hôm qua rất xấu, hôm nay rất xấu, ngày mai cũng rất xấu!”

Lời này quả thực quá đáng. Margarita không ngờ được Winston Churchill lại ác mồm ác miệng như vậy, bà uất ức khóc nấc lên.

Công bằng mà xét, cách làm của Winston Churchill vô cùng thất lễ, có lẽ do uống rượu quá nhiều mà nên. Chuyện không vui này lưu truyền rộng rãi trong Hạ nghị viện, mọi người đều cho rằng, Margarita chắc chắn sẽ hận Winston Churchill thấu xương.

Năm 1939, phát xít Đức xâm lược Ba Lan. Thủ tướng của Anh lúc đó là Neville Chamberlain. Vì ông luôn vỗ về chính sách của Adolf Hitler, nên bị người dân phản đối mạnh mẽ, và bị buộc phải từ chức thủ tướng.

Winston Churchill được đề xuất tiếp nhận chức vụ thủ tướng của Neville Chamberlain, nhưng phải đạt được sự ủng hộ của hơn 2/3 nghị viên mới hợp pháp. Có người liên lạc một vài nghị viên, dự tính bỏ phiếu phản đối Winston Churchill tiếp nhận chức vụ thủ tướng. Họ tìm Margarita, hy vọng bà gia nhập vào hàng ngũ phản đối Winston Churchill.

Tuy nhiên Margarita lại từ chối thẳng thừng. Bà nói đại ý là bà hoàn toàn ủng hộ Winston Churchill. Vào lúc nguy cấp này, bà không nghĩ ra ai phù hợp hơn ông ấy để lãnh đạo nước Anh. Trong số những người bà từng gặp, không ai sánh bằng ông ấy.

Margarita không tán thành chủ trương chính trị của Winston Churchill, thậm chí không tán đồng với cách sống của ông. Nhưng trong nội tâm, bà vẫn luôn tôn trọng Winston Churchill. Xét trên một góc độ nào đó, Margarita cũng được coi là một người quân tử.

Nguyên tắc của người quân tử, nói theo ngôn ngữ hiện đại là: Tôi không đồng ý với cách nhìn của bạn, không đại biểu rằng tôi không tôn trọng nhân phẩm của bạn, lại càng không có nghĩa là tôi tước đoạt quyền lợi của bạn. Tôn trọng lẫn nhau không chỉ thể hiện trong mối quan hệ mật thiết giữa đôi bên, mà điều quan trọng hơn là tôn trọng và cho phép đối phương nói ra những tiếng nói bất đồng.


Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Tổng thống Abraham Lincoln: Nhân phẩm là cây, thanh danh là bóng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook