Nguyễn Quý Đức: Vị Tể tướng thời Lê Trung Hưng được dân chúng ca tụng

Chia sẻ Facebook
03/10/2023 06:14:12

Thời Lê Trung Hưng dân gian có lưu truyền câu: “Tể tướng Quý Đức thiên hạ hưu tức”, nghĩa là khen Nguyễn Quý Đức làm tể tướng khiến thiên hạ yên định.


Thời Lê Trung Hưng trong dân gian có lưu truyền câu: “Tể tướng Lê Hy thiên hạ sầu bi, Tể tướng Quý Đức thiên hạ hưu tức”, nghĩa là chê Lê Hy làm tể tướng khiến người dân oán thán, còn khen Quý Đức khi làm tể tướng đã khiến thiên hạ yên định. Còn ở vùng đất kinh kỳ Thăng Long thì lưu truyền câu: “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót” để chỉ những làng khoa bảng có nhiều người tài giúp dân. Mà “nhất Mỗ” ý chỉ làng Thiên Mỗ chính là quê hương của Tể tướng Quý Đức.

Tranh thờ Nguyễn Quý Đức. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Thám hoa Nguyễn Quý Đức

Vào thời Lê Trung Hưng ở làng Thiên Mỗ có cậu học trò Nguyễn Quý Cường, dù gia cảnh nghèo khó nhưng vẫn theo đường khoa bảng và qua được tam trường kỳ thi Hương, tức đỗ sinh đồ, giữ chức quan nhỏ.

Nguyễn Quý Cường làm quan tận tâm vì dân, gia đình cũng chẳng giàu có gì. Năm 1648 vợ chồng ông sinh được người con trai đặt tên là Nguyễn Quý Đức.


Từ nhỏ Quý Đức phải đi chăn trâu. Năm lên 8 tuổi thì gia đình cho đến học với người chú họ giữ chức tri huyện. Là đứa trẻ thông minh sáng dạ, Quý Đức nhanh chóng nổi tiếng là “kỳ đồng” (tức đứa trẻ kỳ tài).

Năm 1663 khi mới 15 tuổi, Quý Đức đã đỗ kỳ thi Hương tức Hương cống (tương đương cử nhân), được cử thụ chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, ông tiếp tục theo học với một vị tiến sĩ họ Lê.

Năm 1670 khi 22 tuổi, Quý Đức đỗ khoa thi Hoành từ, được thăng làm Thị nội văn chức.

Khoa thi năm 1676, Nguyễn Quý Đức dự thi và vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, vào đến thi Đình ông lại đỗ đầu tức Đình nguyên. Do khoa thi này không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn nên ông đỗ Thám hoa.

Đỗ Thám hoa, Nguyễn Quý Đức vinh quy bái tổ về làng, cha ông Nguyễn Quý Cường cũng được ấm phong làm Đô đài Ngự sử.

“Tể tướng Quý Đức thiên hạ hưu tức”

Nguyễn Quý Đức làm quan trải qua các chức vụ khác nhau, đến năm 1686 ông được phong làm Thiêm đô Ngự sử, chuyên cố vấn và can gián Vua.

Năm 1694, ông đươc phong tước Liêm Đường bá, làm Bồi tụng (chức quan chỉ sau Tham tụng) làm việc trong phủ chúa Trịnh Căn.

Năm 1703, ông khuyên chúa Trịnh Căn nên lập cháu mình là Trịnh Cương làm Thế tử.

Năm 1708, ông làm Thượng thư bộ Binh, rồi làm Tham tụng. Đây là chức quan đầu triều tương đương Tể tướng.

Năm 1709, chúa Trịnh Căn mất, trước khi mất, Chúa giao cho Nguyễn Quý Đức làm cố mệnh giúp Trịnh Cương lên ngôi. Đến năn 1714 ông được phong làm Thiếu phó.


Trong 42 năm làm quan, trong đó có 10 năm làm Tham tụng, Nguyễn Quý Đức luôn có những chính sách nghiêm cấm việc phiền hà hay sách nhiễu dân, bớt tạp dịch, trợ giúp nhà nông. Là người gần dân, sống nhân hậu, trầm tính lại bao dung, ông khoan hồng độ lượng với những người thiếu tiền thuế, trợ giúp dân nghèo. Chính vì thế mà người dân rất biết ơn ông, rồi không biết từ khi nào mà người dân khắp nơi đã lan truyền câu: “Tể tướng Lê Hy thiên hạ sầu bi, Tể tướng Quý Đức thiên hạ hưu tức”. Tể tướng Lê Hy cổ nhân có nhiều đánh giá khen chê khác nhau, nhưng Tể tướng Quý Đức thì dân chúng khắp nơi đều tin tưởng yêu mến.


Sách “Lịch triều tạp kỷ” có ghi chép đánh giá Nguyễn Quý Đức như sau:

“Là người rộng rãi, trung hậu và trầm tĩnh, từ cách cư xử đến cách thù tiếp đều tỏ ra vui vẻ dễ dàng, nhưng khi bàn luận chính sự, hễ thấy việc gì chưa thỏa đáng thì kiên trì ý kiến nhiều lần, vững chắc không thể lay chuyển được”.

“Ông làm chính sự cốt ở khoan hòa và trung hậu, được nhiều người suy tôn và noi theo”.


Còn “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú thì chép lại rằng: “Triều đình có chế tác gì lớn, phần nhiều do tay ông thảo. Ông làm tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu…”.

Nguyễn Quý Đức cũng từng được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh đòi đất. Đối với chủ quyền đất đai rất khó ngoại giao với quan lại nhà Thanh, nhưng ông vẫn dùng tài ứng phó của mình kiên trì đòi lại các bùng đất bị lấn chiếm, nhờ đó mà lấy lại được đất, vùng biên giới cũng ổn định hơn trước.


Lúc này cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên ở dạng chép tay, Nguyễn Quý Đức cùng Phạm Công Trứ và Lê Hy viết tiếp đoạn lịch sử 218 năm rồi đem khắc in lưu hành trong nước.

Bỏ tiền, kêu gọi trùng tu Văn Miếu Quốc Tử Giám

Khi Nguyễn Quý Đức giữ chức Thượng thư bộ Binh kiêm Tri Quốc Tử Giám, ông chăm lo tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài, đích thân nhiều lần đến các địa phương xem xét việc thi tuyển chọn.

Bấy giờ thời vua Lê chúa Trịnh đã qua 60 năm với 20 khoa thi nhưng lại chưa có bia tiến sĩ ghi danh trong Văn Miếu. Năm 1716 đời vua Lê Dụ Tông, Nguyễn Quý Đức dâng sớ xin trùng tu Quốc Tử Giám và lập bia mà các khoa thi còn thiếu.

Triều đình chỉ cấp cho ông 1.000 quan tiền để lo, trong khi việc trùng tu rất tốn kém, mỗi một tấm bia đều phải dùng loại đá tốt được vận chuyển từ Thanh Hóa đến. Nguyễn Quý Đức phải bỏ tiền ra, đồng thời hô hào thêm các nhà khoa bảng cùng những người khác cùng đóng góp, cuối cùng việc trùng tu Quốc Tử Giám cũng hoàn thành với chi phí hàng vạn quan tiền.

Nguyễn Quý Đức trực tiếp cho dựng 21 bia Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Sau khi hoàn tất trùng tu Quốc Tử Giám, Nguyễn Qúy Đức thấy mình đã già không còn khỏe nên làm tờ khải dâng lên Chúa xin được nghỉ hưu. Ông viết:

“Nghĩ mình được lạm gánh trách nhiệm nặng nề, thẹn không xứng đáng làm men để chế rượu, làm muối để pha canh”.

“Tự xét lại, đức của thần còn kém xa các bậc tiên hiền, may trời ban cho được đến tuổi trí sĩ, thế mà không biết noi theo việc làm của tiên hiền, treo mũ cáo lão, thì e có cản trở đến đường lối đi tới của người hiền và không khỏi bị tiếng chê là luyến tiếc quyền vị”.


Triều đình đánh giá cao tài năng của ông nên không muốn ông nghỉ, Quý Đức phải 3 lần dâng khải Chúa mới chấp nhận. Ngày ông rời Triều đình về hưu, vua Lê tự tay ban cho ông 4 chữ “Thái sơn Bắc đẩu” , hàm Thái phó Quốc lão.

Về hưu ông sống gần gũi, ra đồng bàn bạc chuyện làng với dân, lấy 10 mẫu đất mà Triều đình ban cho tặng lại cho dân, trong đó có 4 mẫu đất để mở chợ Thánh Nguyên, nay chính là chợ Mỗ.

Ông cũng giữ thói quen cứ ngày mùng một và ngày rằm lại đến trường Quốc Tử Giám giảng tập cho học trò.

Con cháu hưởng phúc ấm

Con cháu của Nguyễn Quý Đức cũng được hưởng phúc nhờ đức hạnh của ông. Con trai cả của ông là Nguyễn Quý Ân học giỏi nổi tiếng, đỗ Hoàng giáp và được làm nội giảng ở trường Quốc Tử Giám, rồi được vào Hàn lâm viện lĩnh chức Bồi tụng.

Quý Ân nổi tiếng với bút pháp điêu luyện của mình, các kỳ khảo sát quan lại trong triều ông đều đứng nhất. Ông được chúa Trịnh Cương phong làm Quốc sư dạy dỗ Thế tử.

Con cả của Quý Ân là Quý Kính làm Thái học tự khanh dạy dỗ Trịnh Doanh.

Nhà thờ Tam Đại vương Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Quý Kính. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)


Trong Triều, chúa Trịnh Giang nghe theo bọn hoạn quan chỉ lo ăn chơi, hoạn quan lũng đoạn Triều đình. Trịnh Giang bị sét đánh gần chết, rồi mắc bệnh “kinh quý” – tinh thần bất định, hay hoảng hốt sợ hãi. Hoạn quan Hoàng Công Phủ xây hầm cho Trịnh Giang ở gọi là cung Thưởng Trì. Sau đó Hoàng Công Phụ nắm hết quyền hành.

Trước tình thế này, mẹ của chúa Trịnh Giang là Trịnh Thái phi Vũ Thị muốn để em của Trịnh Giang là Trịnh Doanh lên thay, nhưng Trịnh Doanh chưa quyết vì thấy danh chưa chính.

Là thầy của Trịnh Doanh, Nguyễn Quý Kính đã thuyết phục được các quan đại thần ủng hộ Trịnh Doanh, sai em ruột là Vệ úy Nguyễn Quý Thường đưa hương binh bảo vệ kinh đô. Quý Kính chia binh giữ các cung điện và các cửa ngõ trong thành. Bọn hoạn quan tập hợp lực lượng chống lại nhưng bị hương binh của Quý Cảnh đánh bại. Cuối cùng Quý Kính đưa được Trịnh Doanh lên ngôi. Từ đó mà ổn định được Xã Tắc sau thời gian dài loạn lạc bởi hoạn quan nắm quyền.

Trải qua các chức vụ khác nhau, Quý Kính được phong làm Tham tụng tức Tể tướng giống như ông nội của mình.

Khi Quý Kính mất được phong Đại vương, Thượng đẳng Phúc thần, các làng trong Tổng Mỗ thờ làm Thành Hoàng.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook