Nguyễn Phước Bảo Long: Vị hoàng thái tử cuối cùng của Việt Nam (P2)
Xin được chiến đấu ở Algerie, 3 tháng sau Nguyễn Phước Bảo Long mới nhận được công văn chấp thuận. Vợ chồng Bảo Đại và Nam Phương cũng tôn trọng quyết định của con mình.
Tiếp theo phần 1
Luôn xông lên tuyến đầu
Bảo Long được phân vào binh đoàn Kỵ binh Đệ nhất lính Lê dương. Không sợ chết nên Bảo Long chiến đấu anh dũng trên chiến trường, luôn xông pha tuyến đầu. Nhưng như người xưa nói, sống chết có số mệnh, Bảo Long không những không chết mà ngày càng lập được nhiều chiến công. Cứ sau mỗi trận đánh Bảo Long lại nhận thêm sao bạc, bạc mạ vàng của quân đội trao tặng.
Sau đó Bảo Long được phân vào binh đoàn thiết giáp. Trong cuộc chiến vùng biên giới Algérie-Tunisie, thiết giá của Bảo Long lao lên phía trước lập nhiều chiến công cho đến khi vướng vào mìn và bị nổ. Bảo Long bị thương và được đồng đội đưa vào bệnh viện.
Với lòng dũng cảm và những chiến công có được, Nguyễn Phước Bảo Long được trao tặng huân chương “Croix de la Valeur Militaire” của Pháp. Những chiến công của Bảo Long cũng được báo chí Pháp đăng tải sau đó.
Ngày 16/3/1962, một thỏa thuận hòa bình được ký tại Evian-les-Bains, Pháp. Quân Pháp rút khỏi Algerie, Bảo Long cũng phải trở về theo quân lệnh mặc dù vẫn muốn ở lại để được chết vinh quang trên chiến trường.
Day dứt cuộc sống lưu vong
Bảo Long về Pháp chỉ được một năm thì bà Nam Phương mất vào năm 1963. Bảo Long được thừa hưởng số tài sản cũng như bảo vật Hoàng gia mà bà Nam Phương giữ như thẻ bài, vương miện, kim khánh, quốc ấn, kiếm báu, các bức ảnh hiếm, các cổ vật.
Bảo Long theo học ngành Luật và Khoa học Chính trị tại Paris, rồi làm việc cho một ngân hàng gia đình bên ngoại ở Paris. Nhờ làm ngân hàng, quản ký số tài sản bên ngoại, Bảo Long trở nên giàu có.
Trong thời gian này Bảo Long có gặp con trai vua Duy Tân là Nguyễn Phước Bảo Vàng, hai người cùng hợp tác trong nhiều dự án từ thiện, giáo dục và văn hóa cho người Việt Nam.
Bảo Long day dứt vì cuộc sống lưu vong, không lấy vợ mà chọn sống một mình. Ông cũng đau buồn khi biết cha mình chơi bời, cờ bạc, có tiếng khắp các casino, tiêu tiền phung phí cho đến sạt nghiệp.
Năm 1980, Bảo Đại xuất bản cuốn hồi ký “Con rồng An Nam” , yêu cầu Bảo Long đưa mình quốc ấn của nhà Nguyễn để đóng vào bìa cuốn sách. Quốc ấn và kiếm đang được gửi cất giữ ở trong tủ sắt của “Union des Banques Européennes” (Liên hiệp Ngân hàng Âu châu), tuy nhiên Bảo Long đã kiên quyết không đồng ý, lấy lý do rằng trước đây mẹ dặn là cặp quốc ấn và kiếm báu không được để tách ra mà phải để đi đôi với nhau.
Quá tức giận, 2 năm sau, Bảo Đại kiện con ra tòa để đòi lại quốc ấn và kiếm. Tòa xử cho Bảo Đại được giữ quốc ấn, còn Bảo Long được giữ thanh kiếm báu. Từ đó hai cha con mâu thuẫn không gặp mặt nhau.
Năm 1982, Bảo Đại cưới một cô gái người Lorraine là Monique Baudot, tự xưng là Princesse Monique Vĩnh Thụy. Bảo Long dù không thích nhưng cũng chẳng thể có ý kiến gì.
Năm 1990, Bảo Long rời Paris đến London.
Năm 1997, cựu hoàng Bảo Đại mất, lúc này Bảo Long mới đến trong lễ tang tiễn biệt cha mình. Sau khi tang lễ xong, Bảo Long không đi theo đoàn người như truyền thống. Người ta thấy ông đi ra theo cửa ngách của nhà thờ, chỉ còn lại bà Monique Baudot bước sau áo quan, có lẽ do mối quan hệ giữa bà Monique Baudot và Bảo Long không tốt.
Quốc ấn thuộc về bà Monique Baudot. Để có tiền, Bảo Long cũng đem bán dần hết các báu vật kế thừa từ Hoàng gia nhà Nguyễn, kể cả thanh kiếm báu.
10 năm sau ngày Bảo Đại qua đời, năm 2007, Nguyễn Phước Bảo Long cũng qua đời ở bệnh viện Sens (Pháp). Tờ báo Le Monde của Pháp đưa tin cáo phó, lễ an táng chỉ có những người thân thích trong gia đình.
Trần Hưng
Mời xem video: