Nguyễn Phước Bảo Long: Vị hoàng thái tử cuối cùng của Việt Nam (P1)

Chia sẻ Facebook
09/10/2022 23:01:36

Nguyễn Phước Bảo Long là đích trưởng tử của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ nước ta, và Nam Phương hoàng hậu.


Cuộc hôn nhân giữa vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan rất nổi tiếng thời bấy giờ, làm xôn xao và xáo trộn các quy tắc của Cung đình nhà Nguyễn. Nguyễn Hữu Thị Lan đã yêu cầu chỉ có một vợ một chồng, và vua Bảo Đại đã đồng ý bằng cách bãi bỏ hậu cung, một điều chưa từng có trước đây. Không chỉ thế vua Bảo Đại cũng phải bỏ qua các phép tắc khác cùng sự phản đối của tôn thất triều đình để cưới được Nguyễn Hữu Thị Lan. (Xem bài: Người phụ nữ khiến vua Bảo Đại phải bãi bỏ cả hậu cung (P1)

Nam Phương hoàng hậu trong triều phục năm 1934. (Ảnh: Harlingue, Roger Viollet, Getty Images, Manhhai, Flickr, CC BY-NC 2.0)

Hai năm sau ngày cưới, vào đêm ngày 4/1/1936, người dân Huế nghe tiếng pháo thần công bắn báo mừng Hoàng hậu đã hạ sinh, đến tờ mờ sáng thì lại thêm 7 tiếng pháo thần công báo hiệu Hoàng hậu đã sinh được Hoàng tử.

Tuổi thơ ở Việt Nam

Hoàng tử mới sinh được đặt tên là Nguyễn Phước Bảo Long. Năm lên 3 tuổi, Bảo Long được phong làm Thái tử và được học với nhà văn Ưng Quả, vị Hoàng thân được xem là uyên bác lúc bấy giờ ở phủ Tuy Lý vương. Ssau đó Bảo Long cũng được học với các thầy người Pháp nhằm nhận được sự giáo dục từ phương Tây.

Ở trong gia đình mọi người đều trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp (trừ khi đối với người ngoài). Theo phép tắc nội cung thì không bao giờ Vua, Hoàng hậu hay các con nói chuyện với người hầu. Sống trong môi trường này, Bảo Long chỉ biết tiếng Pháp, trong khi tiếng Việt lại không dùng được.

Năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, Thái tử Bảo Long cùng các em theo mẹ đến ở cung An Định (ở Huế) và theo học tại trường Đồng Khánh. Bảo Long ban đầu chưa sử dụng được tiếng Việt nên việc học hành rất vất vả.

Thời điểm năm 1945-1946 mới thay đổi chính quyền nên ảnh hưởng của học thuyết đấu tranh rất nặng, cả nhà trường cũng vậy. Mỗi khi Bảo Long phạm lỗi thì thầy cô ở trường Đồng Khánh bắt quỳ úp mặt vào tường, Bảo Long dần dần cũng phải chấp nhận. Hoàng hậu Nam Phương nhiều hôm đi đón con, thấy con bị đánh phạt cũng đau lòng lắm.

Đến Pháp

Năm 1947, Nam Phương hoàng hậu cùng các con sang Pháp. Ở đây bà nhận được số tài sản khổng lồ do cha mình để lại, gồm chung cư lớn tại Neuilly và một chung cư tai Đại lộ Opera, ngoài ra còn nhiều nhà đất ở Côngô, Marốc…

Năm 1948, Bảo Long 12 tuổi được mẹ cho học ở trường École des Roches tại Málacq, thành phố Paul. Đây là ngôi trường nổi tiếng là kỷ luật và nghiêm khắc.

Khi mới nhập học, thầy cô và bạn bè không biết phải gọi tên Bảo Long thế nào. Cuối cùng thầy hiệu trưởng lấy tên cho Bảo Long là Philippe – đây cũng là tên tiếng Pháp của Bảo Long được đặt lúc mới sinh.

Bảo Long được nhà trường cho hưởng một số đặc quyền: Do ở Pháp khí hậu lạnh giá so với Việt Nam, nên buổi sáng Bảo Long được ưu tiên tắm nước nóng, trong khi các bạn phải tắm nước lạnh; Phần ăn bữa tối của Bảo Long được nhiều hơn và được chia nhiều sô cô la hơn so với chúng bạn.

Đến trường mới, Bảo Long nhanh chóng thích nghi, cậu học giỏi môn văn và tiếng Hy Lạp cổ, trong khi đó các môn tự nhiên thì kết quả chỉ bình thường. Vì được lòng bạn bè nên từ lớp đệ nhị trung học Bảo Long được bầu làm lớp trưởng.

Tính tình

Dù giàu có nhưng bà Nam Phương muốn Bảo Long sống trong ký túc xá trường Roches với kỷ luật nghiêm khắc để tránh cậu phóng đãng chơi bời như vua cha Bảo Đại. Sau này Nguyễn Phước Bảo Long hồi tưởng lại:

“Tôi phải sống ngăn cách với thế giới xung quanh, có cảnh binh bảo vệ, mặc dù ở Cannes là cả một thế giới ăn chơi, có ôtô sang trọng, có máy bay riêng, có gia nhân đầy tớ. Tóm lại tôi không biểu sao người ta lại bắt tôi sống trong ký túc xá trường Roches, kỷ luật khắt khe, thiếu thốn mọi thứ. Sau này tôi mới hiểu, chính mẹ tôi muốn tránh cho tôi khỏi bị nuông chiều quá, tránh cuộc sống phóng đãng như cha tôi, một lối sống đã gây cho bà nhiều đau khổ.”

Dù sống trong kỷ luật, Bảo Long vẫn có lối sống chơi bời như cha mình. Khi được Bảo Đại tặng cho một chiếc xe Jaguar VII (đây là loại xe hơi của giới quý tộc Anh) nhân dịp sinh nhật, Bảo Long đòi đổi sang xe khác cũng của Jaguar nhưng là loại thể thao đời mới có số seri XK 120, đây là loại xe đầu tiên đạt tốc độ 200 km/h. Dù Bảo Long chưa đến 18 tuổi và còn thiếu nửa năm nữa mới được phép cầm lái, nhưng cậu vẫn nhận được giấy phép đặc biệt của Pháp bảo trợ cho Vua An Nam.

Bảo Long chưa từng lái xe, lại chưa học lái, vì thế mà vừa chạy xe ra khỏi cảng thì xe đã đâm vào một chiếc đi ngược chiều. Cứ như thế mà trong 2 năm (1949 – 1951) Thái tử Bảo Long gây ra 12 vụ tai nạn trên đường phố. May mà Bảo Long cũng biết khả năng cầm lái của mình nên không đi nhanh, vì thế mà tai nạn không nghiêm trọng cho cả hai bên.

Thái tử An Nam giàu có và nổi tiếng trên đường phố với nhiều lần cảnh sát phải hò hét đuổi theo, vì thế mà cậu cũng thành mục tiêu cho nhóm tội phạm bắt cóc tống tiền. Phải nhờ đến giới chức trách địa phương can thiệp thì Bảo Long mới thoát nạn.

Sau vụ bắt cóc này Bảo Long cũng thay đổi đi các loại xe khác nhau để tránh bị nhận ra, chính quyền địa phương cũng cử một đội cảnh sát giám sát chặt chẽ nhằm bảo vệ Bảo Long. Có một người luôn theo sát Bảo Long là thanh tra Tổng nha tình báo Chabrier, ông ngủ ở phòng liền kề thông với phòng của Bảo Long. Mỗi khi Bảo Long đến trường ông đi cùng, vào lớp học ông ngồi ở cuối lớp. Bạn đầu các bạn học còn ngạc nhiên khi thấy một người đứng tuổi trong lớp nhưng rồi cũng quen dần. Mỗi khi Chabrier có việc thì có người thay thế.

Thời thế thay đổi đột ngột

Năm 1949, người Pháp phong Bảo Đại làm Quốc trưởng quốc gia Việt Nam.

Sau khi đỗ tú tài trường Roches, Bảo Long đăng ký học Khoa học Chính trị ở Paris. Năm 1953, Nguyễn Phước Bảo Long được người Pháp phong làm Hoàng Thái tử, nhằm chuẩn bị thay thế trong trường hợp Quốc trưởng Bảo Đại qua đời.

Từ khi đi học, những dịp nghỉ hè Bảo Long hay về Đà Lạt, vì thế mà Bảo Long rất thích và muốn được học trưỡng Võ bị Đà Lạt để trở thành một sĩ quan quân đội quốc gia do cha mình làm Quốc trưởng, Tuy nhiên Bảo Đại đã không đồng ý.

Thấy con mình thích binh nghiệp hơn chính trị, năm 1954 Bảo Đại cho con học trường Võ bị Saint – Cyr danh tiếng hơn. Tại ngôi trường này Bảo Long được tham gia cuộc diễu binh nhân ngày quốc khánh Pháp 14/7/1955, đi qua quảng trường Champs-Elysées.

Thái tử Bảo Long trong bộ quân phục sỹ quan trên tem thư. (Ảnh: Bưu điện chính thể Quốc gia Việt Nam, in bởi nhà in Brune Blvd. Paris, Pháp, Wikipedia, Public Domain)

Cũng năm 1955 xảy ra sự kiến Lớn, Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm lật đổ, tài sản riêng ở cả Việt Nam và Pháp đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm tịch thu. Cha con Bảo Đại – Bảo Long không còn được công nhận quốc tịch Pháp và được xem là sống lưu vong. Bảo Long cũng không còn giấy tờ nào có giá trị ngoài hộ chiếu ngoại giao của một công dân thuộc khối liên hiệp Pháp. Chuẩn úy Bảo Long cũng không được công nhận là sĩ quan Pháp, mà là sĩ quan ngoại quốc.

Những thay đổi bất ngờ chóng vánh này đã khiến bao dự định về tương lai tan vỡ, Bảo Long bị khủng hoảng tinh thần và định tìm đến cái chết.

Thế nhưng là một người thích binh nghiệp, Nguyễn Phước Bảo Long thà chết huy hoàng trên chiến trường hơn là tự tử, nên ông đã đăng ký đi lính Lê Dương Pháp đến chiến trường Algerie. Cuộc đời binh nghiệp trên chiến trường của một sỹ quan cũng bắt đầu từ đấy.


(Còn nữa)


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook