Nguyên nhân nào đẩy kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái?

Chia sẻ Facebook
16/10/2022 09:50:03

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng, áp lực từ lạm phát, cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng do chiến tranh và lãi suất cao đang đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái.


"Những đám mây bão" suy thoái sắp ập tới?


Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7%. Đây là lần thứ tư con số này bị điều chỉnh giảm xuống.

Cả hai định chế tài chính hàng đầu là IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đưa ra cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều nền kinh tế duy trì chính sách thắt chặt bằng cách tăng lãi suất, trong khi tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại.

Nguy cơ suy thoái toàn cầu hiện hữu. (Ảnh: Reuters)


Theo IMF, năm 2023, các nước đại diện cho 1/3 sản lượng thế giới có thể bị suy thoái trong năm tới. "Ba nền kinh tế lớn nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng euro sẽ tiếp tục đình trệ", nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nhận định.

Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6%, giảm 0,7 điểm % so với dự báo trước; dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 là 1%, không thay đổi so với dự báo trước. Suy giảm kinh tế của các nước thuộc Eurozone dự báo sẽ mạnh thêm vào năm tới, trong đó Đức và Italy được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 và 2023 do các biện pháp phòng chống COVID-19 của nước này và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 3,2% vào năm 2022, giảm 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7 và tăng 4,4% vào năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo trước.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong bối cảnh lãi suất tăng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ, và xuất khẩu giảm. IMF dự báo các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% năm 2023, giảm tương ứng 0,2 điểm % và 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7.


Hàng loạt tín hiệu đáng báo động

Bên cạnh đó, IMF đưa ra hàng loạt thông số không mấy lạc quan như: Chứng khoán thế giới giảm xuống mức thấp nhất gần 2 năm và đồng yên của Nhật Bản được ghim gần mức 1998 vào ngày 13/10/2022, khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ. Chi phí đi vay của chính phủ Anh đạt mức cao nhất trong 20 năm vào ngày 12/10/2022. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm vào ngày 12/10/2022.

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tiến tới một thỏa thuận thay đổi các quy tắc quản lý các khoản vay trị giá hàng nghìn tỷ euro cho các ngân hàng nhằm cắt giảm hàng chục tỷ euro lợi nhuận ngân hàng tiềm năng.

Cùng với đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo, quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC có thể đẩy giá lên mức khiến nền kinh tế thế giới suy thoái.

IMF đã cảnh báo về "những đám mây bão trên đường chân trời" đối với nền kinh tế toàn cầu. (Ảnh: IMF)

Chia sẻ trên CNBC, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng JP Morgan Chase, ông Jamie Dimon cảnh báo có sự kết hợp của những yếu tố "rất nghiêm trọng" có thể đẩy cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu vào suy thoái từ giữa năm tới.

Vị giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất ở Mỹ cho biết, nền kinh tế số 1 thế giới hiện tại "thực sự vẫn đang hoạt động tốt", và gặp phải các yếu tố rủi ro đáng quan ngại gồm lạm phát lan rộng, lãi suất tăng hơn dự kiến, chính sách thắt chặt tiền tệ và tác động của chiến sự Nga - Ukraine.

Nhận định trên được ông Jamie Dimon đưa ra trong bối cảnh lo ngại về viễn cảnh suy thoái kinh tế ngày càng hiện rõ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất để chống lại lạm phát cao kỷ lục gần đây.

Chia sẻ Facebook