Nguyên nhân khiến nước Mỹ chìm trong lạm phát
Gần 1/3 số nhà máy lọc dầu tại Mỹ đã đóng cửa những năm gần đây vì chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ.
Số liệu chính thức cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tại Mỹ lên đến 9,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mọi dự đoán và cũng cao nhất kể từ năm 1981 đến nay. Đà lạm phát quá mạnh đã khiến nhiều người đồn đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất cực mạnh 100 điểm phần trăm ngay trong tháng 7/2022 dù động thái này có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Theo hãng tin Bloomberg, yếu tố chính khiến lạm phát tại Mỹ tăng tốc phi mã thời gian gần đây chính là do giá xăng dầu. Cơn khát dầu của người Mỹ vẫn vô cùng lớn bất chấp những lời kêu gọi bảo vệ môi trường hay dùng xe điện.
Trong lịch sử chính trường, chưa có một Tổng thống Mỹ nào tái đắc cử khi giá xăng vượt 4 USD/gallon trong khi con số này hiện đang là 4,7 USD bất chấp giá xăng đã xuống dưới mức 100 USD/thùng. Như một hệ quả tất yếu, chính quyền Washington đang phải dùng mọi cách để tăng sản lượng bù vào chỗ thiếu hụt mà dầu Nga để lại sau cuộc xung đột Ukraine.
Thế nhưng trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) còn chưa thể đạt sản lượng mục tiêu chứ đừng nói gì đến tăng thêm khai thác thì tại Mỹ, những nhà tư bản lại chẳng thèm đổ tiền vào ngành dầu mỏ như lời kêu gọi từ Nhà Trắng.
Hàng loạt cuộc họp cấp cao đã diễn ra và mọi người đều đồng ý rằng sản lượng khai thác dầu tại Mỹ đang giảm và sẽ còn giảm nữa dù giá xăng có khiến lạm phát tăng cao đến đâu chi chăng nữa.
Vòng luẩn quẩn
Hãng tin Bloomberg cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều mỏ khai thác cũ bị bỏ hoang trong khi những mỏ mới bị tạm hoãn xây dựng do giá dầu giảm sâu. Tình hình này đặc biệt nghiêm trọng tại Mỹ với những giàn khoan dầu ngoài biển phải hứng chịu nhiều trận bão cũng như chính sách hướng tới năng lượng xanh của chính phủ.
Trong vòng 2 năm qua, ngành khai thác dầu Mỹ đã đóng cửa các dàn khoan tương đương mức sản lượng 2 triệu thùng/ngày, đủ để sản xuất xăng cho 30 triệu chiếc xe hơi chạy trên đường.
Vào tháng 5/2022, khi giá xăng vượt 5 USD/gallon, chính quyền Washington đã liên tục tổ chức những cuộc họp với các ông lớn ngành dầu mỏ với lập luận họ có thể trích một phần lợi nhuận nhờ giá dầu cao hiện nay để tăng sản lượng. Thế nhưng những chuyên gia lâu năm trong ngành chỉ coi đó như một "chuyện cười" bởi vài tháng lợi nhuận không đủ để các tập đoàn đổ hàng tỷ USD khai thác thêm và phải chờ đợi vài năm mới thu hồi được vốn, chưa kể mối đe dọa của ngành xe điện đang rất gần.
Ngày 23/6/2022, CEO Mike Wirth của tập đoàn Chevron Corp đã họp với Bộ trưởng năng lượng Jennifer Granholm cùng hàng loạt những nhà kinh tế, chuyên gia logistics và doanh nhân khác trong ngành để bàn về cuộc khủng hoảng xăng dầu hiện nay. Thế nhưng thay vì đi đến thỏa thuận tăng sản lượng như mong muốn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, biên bản kết luận cuộc họp cho thấy công suất khai thác dầu của Mỹ đang và sẽ còn giảm sâu hơn nữa.
Không riêng gì khai thác, mảng lọc dầu của Mỹ cũng gặp khủng hoảng vì không có lợi nhuận và ít được đầu tư.
Đã 50 năm trôi qua nhưng Mỹ chưa hề có một nhà máy lọc dầu mới nào được xây. Việc thiết kế, xây dựng nhà máy lọc dầu với hệ thống đường dẫn, bể chứa... có thể tốn đến 10 tỷ USD với thời gian hoàn thiện 10 năm.
Mức đầu tư quá tốn kém và thời gian dài này đem lại rủi ro lớn cho các doanh nghiệp, chưa kể lợi nhuận từ lọc dầu không còn như trước trong bối cảnh xe điện được chính phủ ưu ái.
Trong khi đó, những nhà máy lọc dầu cũ thì dần xuống cấp, bị phá bỏ hoặc bán lại. Hãng tin Bloomberg cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến ít nhất 6 nhà máy lọc dầu phải đóng cửa hoặc phá bỏ, ví dụ như cơ sở của hãng Lyondell Basell Industries tại Houston với công suất lọc 3,7 triệu gallon xăng mỗi ngày.
"Theo tôi là Mỹ sẽ chẳng có một nhà máy lọc dầu mới nào được xây nữa khi chính phủ cứ rêu rao với thế giới rằng ‘Chúng tôi không muốn năng lượng hóa thạch nữa’", CEO Wirth nói với Bloomberg.
Giá xăng sẽ tăng
Tại Philadelphia, nhà máy lọc dầu Philadelphia Energy Solutions đã từng được Tổng thống Mỹ Joe Biden, tại thời điểm đó vẫn còn là Phó Tổng thống, cam kết cứu vớt. Thế nhưng với tuổi thọ hơn 100 năm và phải cáng đáng gần 1/3 sản lượng lọc dầu toàn nước Mỹ, nhà máy này đang dần xuống cấp và hư hỏng. Lợi nhuận không cao kèm với những chi phí môi trường đi kèm theo luật liên bang khiến chủ nhà máy không thể chịu đựng nổi nữa.
Hiện nhà máy đang trong tiến trình dỡ bỏ sau những vụ nổ vì cơ sở vật chất xuống cấp gây nguy hiểm và đã dừng lọc dầu. Những nhà đầu tư mới dự định xây một trung tâm công nghệ cao thay thế trên khu đất này.
Với những vụ việc như ở Philadelphia, Mỹ đang phải phụ thuộc vào nguồn xăng nhập khẩu và xả kho xăng dự trữ quốc gia. Thế nhưng thật không may, cả thế giới cũng đang chao đảo vì thiếu xăng dầu.
Các lệnh cấm vận Nga cùng với việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu xăng dầu đã khiến giá năng lượng tăng cao chóng mặt. Báo cáo chính thức cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất trong 6 năm qua trong khi dự trữ xăng dầu chưng cất (Distillate Reserve) xuống mức thấp nhất 17 năm.
Mặc dù giá xăng tại Mỹ đã giảm 7% từ mức cao kỷ lục 5,02 USD/gallon ngày 13/6 xuống còn 4,66 USD/gallon ngày 11/7 nhưng đó chỉ là khoảng lặng trước cơn bão nếu tình hình không có gì thay đổi. Sản lượng lọc dầu tại Mỹ đang rất thấp, nhất là trong bối cảnh lạm phát khiến chi phí gia tăng. Hiện chi phí lọc dầu đã chiếm đến 26% giá xăng, cao hơn mức 14% trước đây ở Mỹ.
Giám đốc phân tích Patrick DeHaan của GasBuddy cho biết nếu có những trận bão ở Vịnh Mexico thì các giàn khoan lớn sẽ phải ngừng hoạt động nhiều tuần và đẩy giá xăng lên 5,5 USD/gallon.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng khá bi quan về tình hình khi 1/3 số nhà máy lọc dầu tại Mỹ đã đóng cửa trong những năm gần đây để chuyển đổi kinh doanh. Điều trớ trêu là những chủ đầu tư này sẽ được nhận khoản 1 USD miễn thuế trên mỗi gallon xăng họ ngừng sản xuất để chuyển sang mô hình thân thiện môi trường hơn, một quy định mới của chính phủ để bảo vệ môi trường.
Vào tháng tới, Tổng thống Joe Biden có kế hoạch thăm Ả Rập Xê Út để hối thúc tăng sản lượng, trong khi Bộ năng lượng Mỹ cũng định dỡ bỏ một số quy định môi trường nhằm khuyến khích ngành khai thác, lọc hóa dầu trong nước. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, việc giữ giá xăng không tăng để kiềm chế lạm phát là điều khá khó khăn nếu không có sự giúp đỡ từ những cường quốc xăng dầu như Nga.
*Nguồn: Bloomberg
Huyền Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế