Nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công ì ạch
Đã qua gần nửa năm 2022, nhưng còn khá nhiều bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 20% kế hoạch.
Theo 6 tổ công tác đặc biệt nhằm chấn chỉnh công tác này, việc chậm trễ giải ngân nguồn vốn đầu tư công chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan của chính các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là từ khâu chuẩn bị đầu tư, do đó cần sớm xử lý những vấn đề tồn đọng, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế thời gian tới.
Dự án kè phía trái sông Yến, thành phố Cao Bằng với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, sau gần 1 năm thi công, nhiều hạng mục chính vẫn chưa được hoàn thành. Mùa mưa đến khiến công trình khó triển khai, nguy cơ chậm tiến độ ngày càng hiện hữu.
Đây cũng là tình hình chung của nhiều dự án khiến tỉnh Cao Bằng hiện mới giải ngân chưa được 7% trong tổng số hơn 3.300 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao.
"Chúng tôi xác định nguyên nhân chủ quan là chính, nhưng có một phần vốn hơn 900 tỷ đồng để bố trí cho dự án cao tốc từ năm 2020 đến nay, tuy nhiên dự án vẫn chưa được phê duyệt", ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, cho biết
Ngoài những nguyên nhân cố hữu như chậm giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án còn hạn chế, việc trong 5 tháng đầu năm giá nhiều loại vật liệu xây dựng, nguyên liệu đầu vào tăng cũng làm chậm tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn nằm ở vai trò của người đứng đầu các địa phương.
"Chúng tôi ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tốc độ giải ngân tốt, còn hiện nay với các doanh nghiệp, nhà thầu vi phạm hợp đồng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh", ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho hay.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; còn 41 Bộ và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó 5 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn năm nay.
"Có những địa phương, bộ, ngành giải ngân nhanh, nhưng có đơn vị giải ngân chậm. Điều này chứng tỏ vướng mắc ở đây không nằm ở luật pháp, mà ở khâu tổ chức thực hiện", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đánh giá.
"Khó khăn ở đâu thì biết rồi, phải có cam kết rõ ràng, đơn vị nào không làm được phải loại, đơn vị nào làm tốt thì thưởng", ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định.
4 tổ công tác của Thủ tướng vừa kết thúc các cuộc kiểm tra trực tiếp tới địa phương để nắm bắt tình hình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ này. Bởi năm nay khối lượng giải ngân vốn đầu tư công rất lớn, trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với những năm trước.
Đại diện các tổ công tác cũng yêu cầu các đơn vị kiên quyết khắc phục tình trạng khi đưa vào danh mục đầu tư dự án chưa hoàn thiện thủ tục; thực hiện dứt điểm giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án; rà soát, kiện toàn năng lực các ban quản lý dự án. Đặc biệt, người đứng đầu các bộ, cơ quan phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, vì vậy cần phải chỉ đạo, điều hành quyết liệt để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này.
Chậm, thậm chí trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề được nói đến trong nhiều năm nay và trở thành nội dung đáng chú ý trên các trang báo tuần qua.