Nguyên nhân Hoàng đế qua đời được gọi là “băng”
Thời cổ đại, Hoàng đế qua đời được gọi là “băng”, cách gọi này không chỉ thể hiện lòng tôn kính đối với địa vị chí tôn của người làm Thiên tử, mà còn thể hiện ra cả lễ nghi, kiêng kỵ của người xưa.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Cổ ngữ nói: “Ngoài sống chết ra thì không có chuyện đại sự” . “Sinh, lão, bệnh, tử” xưa nay luôn là sự tình mà mọi người coi trọng. Bởi vì chúng vốn là quy luật tự nhiên của sinh mệnh. Tuy nhiên, “chết” so với “sống” mà nói luôn có sự kiêng dè và cấm kỵ hơn, cho nên chết có rất nhiều cách gọi khác nhau để thay thế.
Xưa kia, khi bậc Đế Vương qua đời thì không được nói thẳng ra là “chết” , mà phải dùng những từ ngữ uyển chuyển như “băng”, “tân thiên”, “băng tồ”, “đại hành” … để thay thế. Ngay cả dân thường khi chết đi cũng dùng những từ như “tạ thế”, “lâm chung” … để né tránh chữ “chết” (tử) này.
Trong cuốn “Văn Uyển. Gia Cát Lượng. Xuất sư biểu” viết: “Tiên đế sang nghiệp vị bán, nhi trung đạo băng tồ”, nghĩa là “Tiên đế gây dựng sự nghiệp còn chưa xong thì nửa đường đã qua đời”.
Trong “Lễ Ký. Khúc Lễ Hạ” viết: “Thiên Tử chết được gọi là băng, chư hầu chết được gọi là hoăng, đại phu chết được gọi là tốt, nhân sĩ chết được gọi là bất lộc, thứ dân chết được gọi là tử.”
Cách gọi thay thế như vậy không chỉ là kiêng kỵ mà còn thể hiện lễ nghĩa, thứ tự cấp bậc của người xưa. Thời cổ đại rất coi trọng lễ nghĩa, thứ bậc lớn bé nên không dùng chung từ chết cho tất cả mọi người. Người có thân phận địa vị khác nhau sẽ có cách gọi khác nhau.
Có thời gian, Hoàng đế qua đời được gọi là “giá băng” . Thời cổ đại, từ “giá” là để chỉ cỗ xe của bậc Đế vương. “Xa giá”, “loan giá” đ ể gọi thay cho xe của vua.
Trong sách “Hận Hán Thư. Dư Phục Thượng” có viết: “Xe ngựa của Thiên tử khi xuất hành được chia ra làm: đại giá, pháp giá, tiểu giá. Trong đó, đại giá dùng trong nghi thức có quy mô lớn nhất, lớn hơn cả pháp giá, tiểu giá” . Trương Tự Liệt đời nhà Minh viết trong “Chính tự thông” : “Thời Đường quy định, nơi thiên tử ở gọi là nha, đi gọi là giá”.
Một thời gian sau đó, chữ “giá” trở thành tôn xưng của bậc Đế vương. Những từ như “hộ giá”, “thánh giá”, “giá tọa” đều là nói về những việc liên quan đến Đế vương.
“Thuyết văn giải tự” viết: “Băng, sơn phôi dã” , do đó nguyên nghĩa của từ “băng” là núi sụp đổ. Trong cuốn “Xuân Thu tả truyền” còn chú thích chữ “băng” là “Lương Sơn băng” , tức là núi Lương Sơn sụp đổ.
Người xưa coi việc Hoàng đế qua đời là một việc vô cùng hệ trọng, giống như sơn băng địa liệt. Bởi vì điều này ảnh hưởng đến vận mệnh của cả giang sơn, dân chúng thiên hạ. Cho nên người xưa thường dùng hình ảnh núi non sụp đổ để ví với sự qua đời của Hoàng đế. Từ đầu thời nhà Chu, người ta đều dùng từ “giá băng” để nói về việc ấy.
Người hiện đại ngày nay không giữ lễ nghĩa như cổ nhân, trong cuộc sống cũng tùy tiện dùng từ “chết” khi tức giận, trách mắng người khác: “Chết đi!” , “Chết đi cho rồi!” … Có người còn không biết quý trọng sinh mệnh của mình, hễ gặp chút chuyện không như ý liền nghĩ: “Chết đi còn hơn”.
Phật gia giảng: “Nhân thân nan đắc” , nghĩa là trong lục đạo luân hồi thì thân người rất khó được, một khi mất đi thân người thì sẽ rất khó để có được cơ hội tu hành, bởi vì Phật gia cho rằng mục đích của sinh mệnh không phải để làm người mà là để tu hành giải thoát. Cho nên, sinh mệnh là trân quý, mất đi thân người là điều xấu mà người xưa tránh nhắc đến.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Thời cổ đại vì sao gọi Hoàng đế là “Bệ hạ”?
Mời xem video :