Nguyễn Duy Tường: Vị trung thần đỗ đại khoa nhưng từ chối nhận

Chia sẻ Facebook
26/08/2023 11:43:40

Thời nhà Lê, Nguyễn Duy Tường từng đỗ đại khoa năm 24 tuổi nhưng không nhận, quyết tâm thi đỗ cao hơn. Sau này, ông là một trung thần của nhà Lê, quyết không theo nhà Mạc.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Dòng họ Nguyễn Duy là dòng họ khoa bảng của làng Lý Hải thuộc huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây (nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Họ Nguyễn Duy có tiếng về khoa bảng khi trong lịch sử có trường hợp cha con, anh em nối tiếp đăng khoa. Người đầu tiên làm rạng danh cho dòng họ Nguyễn Duy là Nguyễn Duy Phổ, ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1487 đời vua Lê Thánh Tông.

Sau này dòng họ có thêm nhiều người đỗ đạt. Vào khoa thi năm 1508 có 36 người đỗ đại khoa, dòng họ Nguyễn Duy có 2 người cùng đỗ là Nguyễn Sư Truyền đỗ thứ 13 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, và Nguyễn Duy Tường đỗ hàng thứ 16 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Tuy nhiên Duy Tường không nhận danh hiệu này, cũng không chịu ra làm quan. Năm ấy Duy Tường mới chỉ 24 tuổi, ông hứa với mẹ khoa thi tới sẽ đỗ cao hơn.

Khoa thi tiếp theo vào năm 1511. Nguyễn Duy Tường đỗ hàng thứ 4 Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp). Bia tiến sĩ của ông có viết rằng:

“… Lòng thánh đế lo xa, đối với những người thi đỗ trong bảng này đặc cách ban khen bạt dụng, đều bổ cho giữ các chức ở Hàn lâm viện và các chức khoa đài ở các bộ, ơn huệ rất dày, chế độ rất đủ. Đăng khoa thì có sách chép, đề danh thì có bia là cốt để lưu tiếng thơm trong sử sách, làm rạng rỡ sự nghiệp đến muôn đời.

Kẻ sĩ ở đời được ghi tên vào tấm đá này thực may mắn biết bao! Nếu quả thật biết dồi mài trung nghĩa, cố gắng liêm cần để có tiếng là vị Trạng nguyên trung hiếu, là bậc quân tử ngọc vàng, thì mai sau các học trò nhà Thái học sẽ chỉ vào tên mà nói: Vị này vào hàng khoa bảng, vị này là bậc hiền tài, người hiền lương biết vậy mà lấy làm khích lệ.

Thảng như có kẻ ngoài ngọc trong đá, bề ngoài như chim phượng mà tiếng kêu như cú diều, dua nịnh giống phường dựa cột, hèn nhát như lũ bó tay, thiên hạ đời sau sẽ chê cười nói: Kẻ ấy tà học như hạng Công Tôn Hoằng, kẻ kia phản lại kinh sách cũng như Vương An Thạch, kẻ gian ác thấy đấy mà tự lấy làm răn. Được như thế thì tấm bia này dựng lên, trong chỗ ngợi khen còn có ngụ ý khuyên răn nữa”.

Nguyễn Duy Tường làm quan qua các chức vụ khác nhau. Khi ông đang làm Tham chính xứ Kinh Bắc thì xảy ra biến cố Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, vua Lê Chiêu Tông bị ép nên phải tìm cách chạy trồn ra khỏi kinh thành.

Ở trong Triều rất nhiều người trung thành với nhà Lê quyết không theo Mạc Đăng Dung, Đàm Thận Huy vâng lệnh vua Chiêu Tông đến Bắc Giang mộ quân chống lại Mạc Đăng Dung.

Trung thành với nhà Lê, Nguyễn Duy Tường trở về quê mộ quân. Tuy nhiên quân Mạc rất mạnh. Đến năm 1526 thì Nguyễn Duy Tường bị thương, ông cưỡi ngựa chạy đến Khu 18 cây muỗm ở quê nhà (gần chỗ đền “Quốc tế” hiện nay) mới ngã ngựa mà qua đời.

Sau này nhà Lê trung hưng thành công, đánh đuổi được nhà Mạc. Năm 1666, Tham tụng Phạm Công Trứ tâu lên vua Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc tuyên dương các bề tôi trung thành mà tử tiết.


Sách “Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục” có chép rằng:

“Những người được phong làm thần, đều cho dựng từ đường ở trong làng theo thời tiết tế tự như thể lệ tế bách thần. Con cháu của họ thì lựa chọn bổ dụng những người có đức hạnh tốt; còn những người khác thì đều trừ dao dịch cho nhà họ”.


Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường được sắc phong “Tiết nghĩa thượng đằng thần” , được Triều đình cho dựng đền thờ “Tiết nghĩa từ” ở quê nhà Lý Hải.

Con cháu của Nguyễn Duy Tường nhiều người đỗ đại khoa, con trai Nguyễn Hoằng Xước đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Con của Hằng Xước là Nguyễn Thế Phủ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Khi nhà mạc thất thủ, ông làm quan cho nhà Lê Trung Hưng đến chức Tham chính.

Cháu 4 đời của Nguyễn Thế Phủ là Nguyễn Quang Luân nổi tiếng thần đồng khi còn nhỏ, đỗ Hoàng giáp năm 1703 khi mới 21 tuổi.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook