Nguy hiểm từ áp xe vùng cổ
Áp xe vùng cổ là bệnh lý thường gặp nhưng bệnh nhân thường chậm trễ điều trị, khiến ổ áp xe tổn thương lan rộng dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.T.E. (nữ, 44 tuổi, trú tại Kế Sách, Sóc Trăng) bị áp xe vùng cổ, có bệnh lý đái tháo đường type 2.
Bệnh nhân không có tiền sử hóc xương, không có tiền sử bệnh lý tuyến giáp trước đó. Bệnh nhân có biểu hiện nuốt đau, kèm sưng nề vùng cổ phải, sờ thấy khối cứng, sẫm màu. Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính vùng cổ cho kết quả vùng cổ phải có ổ mủ.
Bệnh nhân được tiến hành mổ cấp cứu dẫn lưu ổ áp xe tránh gây biến chứng chèn ép đường thở và tránh gây nhiễm trùng lan tỏa vào trung thất, nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện tại, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân đã được điều trị ổn định sau khi phẫu thuật nhưng cần phải chăm sóc thay băng vết mổ hằng ngày.
Theo các bác sĩ, áp xe cổ thường hình thành từ các nhiễm trùng vùng răng, hàm, mặt, cổ, có khả năng lan rộng toàn bộ vùng cổ và có thể xuống trung thất. Những tổ chức mô hay khoang bị viêm có thể tạo thành những ổ áp xe hoại tử hay sinh hơi.
Mặc dù kháng sinh đã góp phần làm hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, tuy nhiên sự lan tỏa nhanh chóng gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Những yếu tố thuận lợi gây bệnh bao gồm những bệnh nhân có bệnh lý nền như suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, đang điều trị kháng viêm corticoid kéo dài…
Nếu không được xẻ tháo mủ, áp xe có thể tự phá vỡ ra da và dò mủ kéo dài hoặc vỡ mủ vào trong, gây tình trạng nhiễm trùng lan rộng, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.