Nguy hiểm của hư cấu
Trong nghệ thuật, nhất là những nghệ thuật đặt căn bản trên trên sự trần thuật/ tự sự, như tiểu thuyết, truyện ngắn, phim truyện (điện ảnh hoặc truyền hình), kịch (kịch nói hoặc kịch hát), thì hư cấu là một đòi hỏi và một phẩm chất vô cùng quan trọng.
Tuy thỉnh thoảng người ta vẫn bảo rằng có những “sự thực ở đời” lớn lao ghê gớm đến mức nếu cứ thế đưa vào tác phẩm thì cũng đã đủ hay lắm rồi, không cần phải hư cấu, mọi hư cấu chỉ thêm thừa. Nhưng đó chỉ là một cách nói có ý nhấn mạnh tính chất đặc biệt, đặc thù của một vài sự kiện thực tại nào đấy mà thôi, còn với người sáng tạo đích thực, các vật liệu của thực tại có lẽ không bao giờ mang đến cho anh ta cảm giác thỏa mãn. Chúng cần phải được thêm vào, được bớt ra, được nhào nặn, được hoán cốt đoạt thai bằng năng lực hư cấu của người nghệ sỹ, thì ngõ hầu những thế giới nghệ thuật mới được sinh thành.
Nhưng hư cấu cũng là hành động đầy tiềm tàng nguy hiểm. Nguy hiểm ở bản thân quá trình thực hành hư cấu của người nghệ sỹ, và nguy hiểm khi tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm của hư cấu, phải đối mặt với phán xét của công chúng, những người tiếp nhận. Tôi sẽ lấy vài ví dụ về nỗi nguy hiểm thứ hai.
Ví dụ thứ nhất: trong bộ phim điện ảnh lãng mạn chính kịch “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, công chiếu năm 2022, có chi tiết ca sỹ Khánh Ly đút sữa chua cho nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ăn. Bối cảnh thời gian của hành động đút sữa/ ăn sữa này là khi cả hai, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, đều còn rất trẻ, sống ở Đà Lạt, và đang gần như vô danh trong làng văn nghệ miền Nam trước 1975. Đưa “xen” này vào phim, hẳn đạo diễn chỉ muốn nói rằng hai người nghệ sỹ tài năng ấy vốn rất thân nhau, rất thương mến và luôn quan tâm lo lắng cho nhau.
Xem phim, tôi – và có lẽ nhiều người khác cũng vậy - thấy “xen” này khá thú vị. Nhưng ai ngờ sóng gió xảy ra bất kỳ: ca sỹ Khánh Ly (ngoài đời) đã lên tiếng phản đối, rằng đây là một sự bịa đặt trắng trợn, tôi kính ông Trịnh Công Sơn còn chưa xong, đời nào dám đút sữa chua cho ổng ăn, phim như thế này là xúc phạm cả ổng và tôi, tôi đang sống sờ sờ đây mà người ta còn dám làm vậy... Chính phản ứng của Khánh Ly đã góp thêm gió vào bão, khiến phim “Em và Trịnh” phải khốn đốn vì bị tố “hư cấu tùy tiện”, “không tôn trọng sự thực”.
Ví dụ thứ hai: truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” của nhà văn Trần Quỳnh Nga, in trên báo Văn nghệ tháng 12 năm 2017. Truyện ngắn này, trục chính, là một tưởng tượng về mối quan hệ giữa tướng nhà Nguyên là Thoát Hoan và công chúa An Tư của nhà Trần (người chỉ được nhắc đến trong “Đại Việt sử ký toàn thư” bằng mười bốn chữ: “Khiển nhân tống An Tư công chúa vu Thoát Hoan dục thư quốc nan dã”. Sai người đưa công chúa An Tư đến chỗ Thoát Hoan để thuyên giảm nạn nước). Nhưng tai nạn lại chủ yếu đến từ trục phụ, khi tác giả xây dựng Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc – kẻ đã bị đóng đinh trong sử với cái án hàng giặc, bán nước cầu vinh – như một nhân vật tài đức vẹn toàn, người trung quân ái quốc, luôn đau đáu trách nhiệm với đất nước, với vương triều, và việc ông ta hàng Nguyên là một lựa chọn đầy những uẩn khúc đau đớn bất khả bộc bạch.
Sau khi truyện ngắn này được đăng, tôi đã chứng kiến cả một hỏa diệm sơn phun trào nham thạch sục sôi giận dữ. Bài viết phản đối trên báo, trên mạng xuất hiện như mưa. Ở nhiều hội nghị, hội thảo văn nghệ trong khoảng thời gian nửa năm sau đó, cũng có thể là một năm hoặc hơn, tôi đều thấy truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” và tác giả của nó bị các tiên chỉ làng văn nêu ra với những buộc tội gay gắt: bịa đặt, xuyên tạc, mất quan điểm lịch sử, thậm chí “có vấn đề” về lập trường chính trị v.v... Mãi rồi mới yên.
Từ hai ví dụ này – trong hằng hà sa số trường hợp đã xảy ra – tôi nghĩ có thể rút ra một điều hệ trọng, ít nhất là trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại. Rằng: trong quá trình sáng tạo tác phẩm, người nghệ sỹ có toàn quyền tự do tưởng tượng, hư cấu trên mọi vật liệu thực tế và theo bất kỳ phương án hay cách thức nào mà anh cho là tốt nhất, và muốn nhất. Nhưng khi đã có ý định công bố tác phẩm ra quảng đại công chúng ở xã hội rộng lớn ngoài kia, anh cần biết dừng lại một chút để suy xét xem liệu những hư cấu của mình sẽ được công chúng tiếp nhận như thế nào (tôi tạm chưa nói đến sự kiểm duyệt của chính quyền)? Không phải công chúng nào cũng biết phân biệt rành mạch giữa hiện thực thực tại với hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật.
Câu của Vũ Trọng Phụng khi tranh luận với nhóm Tự Lực văn đoàn khi xưa: “Các ông muốn tiểu thuyết là tiểu thuyết thì cứ việc. Còn chúng tôi muốn tiểu thuyết phải là sự thực ở đời” đã phản ánh khá rõ cái tâm lý “đem hai chập một” này. Ca sỹ Khánh Ly phản ứng gay gắt với phim “Em và Trịnh” cũng là vì thế, đơn giản bởi bà chưa từng đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn ăn.
Càng phải suy xét đến tiếp nhận của công chúng nhiều hơn, thận trọng hơn nữa khi tác phẩm hư cấu trên cái nền của lịch sử (tôi quen gọi là quá khứ xa). Nói chung, đa số công chúng vẫn tin vào những “sự thực lịch sử” mà họ được học, được định hướng tuyên truyền qua sách vở chính thống (các biên niên sử, các sách giáo khoa, các công trình nghiên cứu được chính thể phê duyệt), vì thế hư cấu ở đây chỉ nên là hư cấu giữa hai dòng chữ, trên những khoảng trống mà sử quan để lại, hoặc trên những khoảng mờ sử liệu nào đó.
Còn lại, với những gì được coi là “sự thực rành rành”, những điều bất khả tư nghị (miễn bàn), những cấm kỵ, thì chớ có dại hư cấu. Hoặc anh cứ việc thực hành hư cấu, nhưng cần phải lường trước điều gì sẽ xảy ra khi những xác tín của một cộng đồng tiếp nhận bị hư cấu nghệ thuật thách thức. Đây là điều mà tác giả truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” rõ ràng đã không/ chưa lường trước.
Milan Kundera tuyên bố: Tiểu thuyết gia không phải thằng hầu của sử gia. Nhưng từ rất lâu trước đó, Hàn Phi cũng đã nhỏ nhẹ khuyên, như thể nói về nỗi nguy hiểm khả thể của những người ưa hư cấu nghệ thuật: Con rồng nào cũng có một cái vảy ngược, đừng đụng vào.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.