Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung trong việc khai thác tài nguyên trăm tỉ USD trên Mặt trăng
Mặt trăng có thể chứa một lượng lớn helium-3, một đồng vị có khả năng hữu ích như một chất thay thế cho uranium. Đây có lẽ là lý do các siêu cường không hợp tác về quy tắc khai thác tài nguyên trong không gian vũ trụ.
Theo các chuyên gia, chất đồng vị helium-3 có thể sử dụng tốt cho các nhà máy điện hạt nhân, lại không mang tính phóng xạ. Đồng thời, chỉ cần khoảng 3 muỗng canh helium-3 có thể thay thế cho 5.000 tấn than.
Trong một sứ mệnh Mặt trăng, Trung Quốc đã tìm thấy helium-3 trong đá Mặt trăng và đưa về Trái đất vào cuối năm 2020.
Khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine diễn ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Sẽ có một trật tự thế giới mới ở không gian, và chúng tôi phải dẫn đầu".
Trật tự mà Tổng thống Biden đề cập chính là Hiệp định không gian Artemis. Hiệp định mô tả một tầm nhìn chung toàn cầu về các nguyên tắc nhằm tạo ra một môi trường không gian an toàn và minh bạch.
Vào năm 2011, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật nghiêm cấm NASA làm việc với Trung Quốc, với lý do có nguy cơ gián điệp cao. Vì vậy hãng tin Bloomberg cho rằng việc Mỹ - Trung Quốc không hợp tác trong không gian, có nguy cơ không chỉ là chạy đua vũ trang mà còn xung đột về việc khai thác các nguồn tài nguyên, có thể trị giá hàng trăm tỉ USD trên Mặt trăng và các hành tinh khác.
Trung tâm của cuộc tranh chấp là Hiệp định Artemis do Mỹ soạn thảo, một bộ nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng, sao Hỏa và nhiều hành tinh khác.
Đây là sáng kiến mà NASA cho biết dựa trên Hiệp ước Ngoài không gian năm 1967, tạo nền tảng cho việc đưa các phi hành gia lên Mặt trăng trong thập kỷ này và bắt đầu các hoạt động khai thác các nguyên tố sinh lợi từ Mặt trăng.
Cho đến nay, có 19 quốc gia đã đồng ý ủng hộ hiệp định Artemis. Chỉ riêng Trung Quốc và Nga phản đối hiệp định.
Một trong những vấn đề phản đối chính của Trung Quốc đối với Hiệp định Artemis là điều khoản cho phép các quốc gia chỉ định các khu vực trên Mặt trăng là "vùng an toàn" và các khu vực trên bề mặt Mặt trăng mà các quốc gia khác nên tránh.
"Đã đến lúc Mỹ thức dậy và ngửi thấy mùi cà phê", tờ China Daily tuyên bố trong một bài xã luận hồi tháng 1 chỉ trích cách NASA "phát minh" ra khái niệm vùng an toàn để cho phép các chính phủ hoặc công ty chiếm các khu vực trên Mặt trăng.
Vào đầu tháng 2, Trung Quốc và Nga tuyên bố hợp tác không gian nhiều hơn như một phần của quan hệ đối tác "không có giới hạn", khi Tổng thống Putin đến thăm Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh trước khi chiến cuộc Ukraine bắt đầu. Họ đang cùng nhau xúc tiến một dự án Trạm Nghiên cứu Mặt trăng.
Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên gửi một tàu thăm dò đến vùng xa của Mặt trăng vào năm 2019 và năm 2021 và trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ hạ cánh tàu thám hiểm trên sao Hỏa.
Ngày 10-3, Trung Quốc phóng tên lửa Long March từ đảo Hải Nam để vận chuyển hàng hóa lên Tiangong, trạm vũ trụ mà Bắc Kinh có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022 - khiến Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất vận hành trạm vũ trụ của riêng mình.
Ông Tập cũng ra lệnh xây dựng một bãi phóng tàu vũ trụ hàng đầu thế giới ở Hải Nam.
Các nhà khoa học Mỹ lần đầu tiên thành công trong việc trồng cây bằng đất Mặt trăng do các phi hành gia mang về, hứa hẹn giúp con người thực hiện các chuyến du hành dài hơn và xa hơn trong tương lai.