Nguy cơ xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ em do thiếu vắc-xin
Các chuyên gia y tế lo ngại việc thiếu vắc-xin miễn phí sẽ khiến cho dịch bệnh tấn công trẻ em, nhất là các trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Tp.HCM thiếu nhiều loại vắc-xin
Theo Kinh tế & Đô thị , chiều 18/5, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tp.HCM chủ trì buổi họp báo định kỳ do Trung tâm Báo chí tổ chức, nhằm thông tin về một số tình hình kinh tế - xã hội và công tác chống dịch trên địa bàn TP.
Một vấn đề được người dân Tp.HCM rất quan tâm là tình trạng thiếu vắc-xin chương trình tiêm chủng mở rộng, được Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM Nguyễn Hồng Tâm trả lời.
Ông Tâm cho biết, tính đến ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng tại thành phố đã hết hoàn toàn vắc-xin DPT-VGB-HiB và DPT. Sở Y tế rất mong Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sớm cung cấp trở lại các vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).
Cụ thể, vắc-xin DPT-VGB-HiB (vắc-xin phối hợp 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) được cấp lần gần nhất vào tháng 10/2022 và đã hết từ đầu tháng 3/2023. Vắc-xin DPT (là vắc-xin có tác dụng phòng 3 bệnh truyền nhiễm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván hấp phụ) được cấp lần gần nhất là tháng 2/2023 và hết từ đầu tháng 5/2023.
Các loại vắc-xin khác trong chương trình TCMR chỉ còn với số lượng rất hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm.
Theo đó, đến cuối tháng 5/2023, thành phố sẽ hết các loại vắc-xin viêm gan B, vắc-xin viêm não Nhật Bản; đến giữa tháng 6/2023, sẽ hết vắc-xin lao (BCG); đến tháng 7/2023 sẽ hết vắc-xin bại liệt (bOPV) và vắc-xin sởi; đến tháng 8/2023 sẽ hết vắc-xin uốn ván (VAT) và đến hết tháng 9/2023 sẽ hết vắc-xin sởi và rubella (MR).
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Tâm, tính đến cuối tháng 4/2023, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi (SN 2022) đạt tỷ lệ 77,3%, thiếu 17,7% so với chỉ tiêu cần đạt của Quốc gia (95%). Đối với mũi tiêm nhắc sởi và DPT4 cho trẻ 18 tháng, lần lượt đạt 78,6% và 70,5%, đều chưa đạt chỉ tiêu Quốc gia (sởi 2 là 95%; DPT4 là 85%).
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn cung ứng vắc-xin, trong năm 2023, Tp.HCM triển khai tiêm bù, tiêm vét cho các trẻ đáng ra phải được tiêm chủng đủ vào năm 2022. Đến cuối tháng 4/2023, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ đã đạt chỉ tiêu (95,4%), tuy nhiên tỉ lệ mũi nhắc sởi 2 và DPT4 vẫn chưa đạt. Cụ thể sởi 2 đạt 86,8% và DPT4 đạt 84,4%, đều chưa đạt chỉ tiêu Quốc gia (sởi 2 là 95%; DPT4 là 85%).
Phụ huynh lo âu vì thiếu vắc-xin miễn phí
Trước tình trạng thiếu vắc-xin miễn phí kéo dài, nhiều phụ huynh lo lắng nên đã lựa chọn tiêm dịch vụ.
Mấy tháng trước, anh Trần Minh Tài (ngụ phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM) đã cho con trai tiêm dịch vụ vắc-xin 6 trong 1, thay thế cho vắc-xin 5 trong 1 (của TCMR).
Ngày 18/5 vừa qua, con trai anh được tiêm mũi thứ 2 của viêm não Nhật Bản. Rất may, loại vắc-xin này vẫn còn để bé được tiêm miễn phí.
“Mình hay cho bé tiêm ở đây. Cứ ra đây, khi nào có vaccine gì thì các cô sẽ tiêm vaccine đó, nếu mà không có loại này thì tiêm loại khác. Nếu hết vắc-xin miễn phí thì mình chờ, còn không thì đi chích dịch vụ. Mục đích là phòng ngừa cho con trước thì mình cứ chịu khó. Bác sĩ tư vấn cần tiêm mũi nào thì mình nghe theo, do tiêm chủng là cần thiết, tiêm được đầy đủ cho bé là tốt”, anh Tài chia sẻ với VOV .
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hải làm nghề buôn bán nhỏ, chồng là công nhân, điều kiện khó khăn nên không có nhiều cơ hội cho con tiêm vắc-xin dịch vụ: “Nghe nói hiện nay vắc-xin nằm trong tiêm chủng mở rộng sắp hết. Thực sự nếu không tiêm cho con thì rất lo lắng, mà tiêm dịch vụ thì giá nhiều loại vaccine không phải là rẻ”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Loan, Trưởng Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước cho biết, đã 5 tháng qua, trạm không còn vắc-xin 5 trong 1 miễn phí để tiêm cho trẻ vì đã hết từ ngày 20/12/2022. Từ cuối tháng 4/2023, vắc-xin PDT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm cho các trẻ từ 18-24 tháng tuổi cũng đã hết.
Do thời gian chờ đợi dài mà vẫn chưa có, trạm đã tư vấn phụ huynh đưa con em đi tiêm dịch vụ, dù tốn kém nhưng không để lỡ các mũi tiêm cho trẻ. Phần lớn phụ huynh cũng chấp nhận tiêm dịch vụ cho con.
Cũng theo bác sĩ Loan, mỗi mũi tiêm vắc-xin 6 trong 1 giá khoảng 1 triệu đồng, đây là chi phí không nhỏ đối với các gia đình khó khăn: “Mình phải tư vấn để người dân hiểu, đa số cũng đồng ý vì đợi lâu quá, đến giờ là 5 tháng rồi nên người ta cũng không đợi được nữa. Một số người thì bảo đợi tiếp, trạm cũng báo là tùy gia đình quyết định. Nhưng thực tế ra thì bây giờ mỗi gia đình chỉ có một, hai bé thôi, mình cố gắng tiêm đúng thời điểm thì tốt hơn cho bé”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Trạm y tế phường Bình Chiểu, Tp. Thủ Đức. Bác sĩ trưởng trạm Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết, trạm có 2 phương án tư vấn cho các trường hợp tiêm vắc-xin 5 trong 1, tùy theo tình hình kinh tế gia đình có thể đáp ứng được hay không: “Những trường hợp gia đình không có điều kiện thì mình sẽ cho uống vắc-xin OPV trước để ngừa bệnh bại liệt. Trong thời gian chờ đợi, nếu có thuốc và các cháu vẫn trong thời gian độ tuổi thì sẽ tiến hành tiêm. Tại vì các mũi tiêm chỉ cách nhau khoảng một tháng, đồng thời cũng tiêm các mũi khác theo phác đồ”.
Cần sớm có giải pháp tháo gỡ
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Tp.HCM, thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia cho rằng, vắc-xin 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng có một loại khá quan trọng là viêm gan siêu vi B. Nếu trẻ tiêm không đủ loại này thì sẽ không giảm được tỉ lệ viêm gan siêu vi B trong cộng đồng. Nếu bỏ tiêm thời gian dài, không tiêm đủ 3 – 4 mũi thì rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh sẽ quay lại.
Còn vắc-xin ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà (DPT) nếu không tạo được miễn dịch nền trước 6 tháng cho trẻ nhỏ thì dễ bị người lớn lây bệnh. Các bệnh này thường rất nặng.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, việc thiếu một số loại vắc-xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng do vướng thủ tục, cần sớm được giải quyết để mọi trẻ em được tiêm chủng đầy đủ: “Phải tìm cách tháo gỡ, chứ nếu thiếu vắc-xin miễn phí thì trẻ em nghèo sẽ không được hưởng lợi ích của tiêm chủng mở rộng, như vậy cũng mất ý nghĩa của chương trình. Người dân ở nông thôn khả năng phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị những bệnh đó lại kém, việc bỏ sót những người này là không nên”.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM cũng nhấn mạnh: “Vắc-xin thuộc chương trình TCMR đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ em và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Để tạo sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ, vắc-xin cần phải được tiêm đúng lịch và đủ liều. Trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn thì trẻ cần phải được tiêm bù sớm nhất khi có thể. TP bị gián đoạn cung ứng vắc-xin kéo dài từ năm 2022, mặc dù tại TP có nhiều cơ sở tiêm chủng ngoài công lập thực hiện tiêm chủng các vắc-xin dịch vụ, tuy nhiên không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận nguồn vắc-xin này.
Sau 2 năm trải qua đại dịch Covid-19 , một bộ phận không nhỏ người dân có tình hình kinh tế khó khăn, chỉ có thể trông chờ vào nguồn vắc-xin TCMR được tiêm miễn phí. Điều này làm giảm đáng kể tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ, đồng nghĩa với nguy cơ phát các bệnh có vaccine phòng ngừa như: sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Trong bối cảnh hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn là mối đe dọa với người dân, nếu bùng phát thêm các dịch bệnh nêu trên, sẽ làm thêm gánh nặng cho hệ thống y tế của TP nói riêng và cả nước nói chung".
Cũng theo ông Tâm: "Việc gián đoạn cung ứng vắc-xin là khó khăn không chỉ của Tp.HCM mà còn của các tỉnh, TP khác. Ngành y tế TP đang nỗ lực thực hiện những hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để sớm tiếp cận với nguồn cung ứng vắc-xin TCMR. Mặt khác, đối với hệ thống TCMR tại TP, chúng tôi vẫn đề nghị các địa phương ghi nhận lại danh sách trẻ tiêm chưa đầy đủ theo quy định sẽ tổ chức tiêm chủng ngay khi được cung cấp đầy đủ vắc-xin”.