Nguy cơ từ những tấm ảnh sống ảo trên Instagram

Chia sẻ Facebook
26/09/2022 07:24:26

Chỉ cần sử dụng những tấm ảnh được chia sẻ trên Instagram kết hợp dữ liệu camera công cộng, AI hoàn toàn có thể tìm ra thông tin của người dùng.

Từ những bức ảnh chụp với địa điểm nổi tiếng, kết hợp cùng camera AI, nhà nghiên cứu có thể tìm ra thông tin người chụp. Ảnh: KT Blondie.

Mới đây, The Follower, một dự án được thực hiện bởi nhà phát triển Dries Depoorter, đã tiết lộ sự thật con người luôn bị giám sát ở những nơi công cộng và họ hoàn toàn có thể bị lộ thông tin chỉ với những tấm ảnh trên mạng xã hội.


Sự thật đằng sau những tấm ảnh "sống ảo" trên Instagram

The Follower là phần mềm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với dữ liệu camera công cộng để phân tích hình ảnh và xem các bức ảnh trên Instagram được chụp như thế nào.

Cụ thể, Depoorter sẽ dùng The Follower để trích xuất và phân tích dữ liệu từ các camera giám sát công cộng tại các khu vực có nhiều người dùng mạng xã hội. Sau đó, AI sẽ tự động tìm kiếm các bức ảnh trên Instagram có đánh dấu địa điểm chụp tương tự và tìm ra thông tin chủ sở hữu bức ảnh.

Depoorter có thể tìm ra tài khoản của người phụ nữ này chỉ bằng dữ liệu từ camera và AI. Ảnh: Dries Depoorter.

Chia sẻ với Mashable về lý do xây dựng dự án, Depoorter nhớ lại ông từng bắt gặp một người chụp ảnh trong suốt 20 phút. Ngay hôm sau, ông đã cố gắng tìm tấm ảnh này trên Instagram nhưng không thành công. “Sau đó, tôi quyết định xây dựng một phần mềm AI hoàn toàn mới để làm điều này”, Depoorter nói.

Ông đã tận dụng các phần mềm nhận diện khuôn mặt và đoạn video lấy từ các camera công cộng phát trên toàn thế giới để tìm ra hình ảnh người dùng Instagram đã chụp ảnh và đăng tải nó trên nền tảng mạng xã hội.

Mashable nhận định phát hiện của Depoorter đã cho thấy sự thật đằng sau những tấm ảnh "sống ảo" trên Instagram, đồng thời tiết lộ mọi thông tin của người dùng đều có thể bị lan truyền chỉ với một tấm ảnh trên mạng xã hội.

Theo Mashable, dữ liệu trích từ camera trong dự án của Depoorter được chia sẻ trên EarthCam, cho phép người dùng ở bất kỳ đâu trên thế giới truy cập. Những camera này sẽ ghi hình mọi người ở những nơi công cộng trên thế giới nhưng họ không hề biết hình ảnh của mình đang bị phát sóng trên nền tảng online.


Nguy cơ lộ thông tin ở nơi công cộng

Dự án đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng người dùng hoàn toàn có thể bị ghi hình khi ở những nơi công cộng. Họ còn có thể bị tiết lộ nhiều thông tin hơn nếu liên tục chia sẻ và tham gia vào các nền tảng mạng xã hội.

Cụ thể, ông đã dùng một video công cộng quay góc đường gần Temple Bar ở Ireland để tìm ra một bức ảnh trên Instagram. Trong đó, người phụ nữ mặc áo khoác cùng với túi đeo màu trắng đã tạo dáng trước địa điểm này.

Hay như trong một tấm ảnh khác, 2 người đàn ông chụp ảnh trước Times Square ở New York. Depoorter đã tìm ra hình ảnh của họ trên Instagram nhờ xem được video quay lại cảnh họ đang đi bộ về hướng người chụp ảnh.

Camera ghi lại cảnh hai người đàn ông đi bộ trên đường, sau đó Depoorter đã dùng nó để tìm ra thông tin của họ. Ảnh: Dries Depoorter.

Nói với Mashable, ông cho biết việc truy vết thông tin những người dùng Instagram này không chỉ đơn giản là sử dụng các phần mềm AI rồi ghép nối các video lại với nhau. “Tìm người trong video camera công cộng rất khó”, chuyên gia chia sẻ.

Trước đó, Depoorter từng xây dựng những dự án khác sử dụng camera công cộng. Năm 2018, ông đã ra mắt dự án “Jaywalking Frames” sử dụng những camera giám sát và các phần mềm tùy biến để chụp hình những người đi bộ trên toàn thế giới.

Năm ngoái, dự án “The Flemish Scrollers” cũng dùng trí tuệ nhân tạo để theo dõi các video trên YouTube về cuộc họp của chính phủ Flemish. Phần mềm này sử dụng công nghệ máy học để tìm điện thoại và nhận dạng khuôn mặt để xác định các chính trị gia sử dụng thiết bị điện tử trong cuộc họp và tự động gắn thẻ họ trên Twitter.

Tuy nhiên, những dự án giúp tìm thông tin người dùng Instagram hay “bắt quả tang” các chính trị gia làm việc riêng của Depoorter tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến việc lạm dụng AI để giám sát quá mức.

Một công ty công nghệ nhận diện khuôn mặt, Clearview AI, cũng từng gây phẫn nộ khi lợi dụng dữ liệu sinh trắc học độc nhất của mọi người để kiếm lời. Công ty này đã thu thập hơn 10 tỷ bức ảnh chân dung bằng cách quét mọi trang web trên Internet nên có thể nhận dạng một người dựa trên một bức ảnh duy nhất, tiết lộ tên thật của họ và các dữ liệu cá nhân của người đó.

Phản hồi về vấn đề này, Depoorter cho biết ông luôn chỉ ra những điểm nguy hiểm tiềm tàng trong các sản phẩm của mình. “Tôi chỉ là một người bình thường và kho dữ liệu vẫn còn hạn chế. Thử tưởng tượng một chính phủ hay tổ chức tư nhân nào đó làm được điều này thì quy mô sẽ còn lớn hơn nhiều”, ông chia sẻ.


(Theo Zing)

Chia sẻ Facebook