Nguy cơ lặp lại khủng hoảng năng lượng thập niên 70
Một quyết định được thông qua trong tuần và lập tức gây tác động toàn cầu, như một cú đánh bồi vào thị trường năng lượng đã mất cân đối trầm trọng và giá tăng kỷ lục.
Giá cả tăng cao, đặc biệt là giá năng lượng , lương thực đang trở thành gánh nặng đối với hàng trăm triệu gia đình trên toàn cầu. Việc áp đặt các gói trừng phạt mới nhằm vào Nga khiến vòng xoáy tăng giá năng lượng càng thêm mạnh và chưa thấy điểm dừng.
Sau khi châu Âu thông qua lệnh trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Nga, giá dầu đã tăng lên hơn 120 USD/thùng. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ hiện nay có gì khác với cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970, khiến người dân Mỹ và phương Tây phải cất xe ô tô vào gara?
Cấm nhập dầu từ Nga - Khó khăn của châu
Những khó khăn của châu Âu trong việc thông qua gói trừng phạt lần thứ 6 đã thể hiện rõ rằng, châu lục này mắc kẹt giữa việc trừng phạt Nga nhưng lại không làm đau chính mình.
"Bây giờ là 1 giờ sáng, ngày đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vừa kết thúc. Tin tức quan trọng nhất là chúng ta đã bảo vệ và giảm được hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình. Chúng ta đã xoay sở để chống lại đề nghị của Ủy ban châu Âu là phải dừng sử dụng dầu của Nga ở Hungary. Chúng ta đã gặp phải đủ vấn đề dù chưa đối mặt với giá năng lượng tăng chóng mặt, lạm phát cao bởi các lệnh trừng phạt và châu Âu đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng kinh tế"
Gói trừng phạt lần thứ 6 đã phải thay đổi theo hướng giảm nhẹ so với đề xuất ban đầu của Ủy ban châu Âu do sự phản đối của nhóm nước trong EU như Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia - vốn là các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu của Nga.
Gói trừng phạt mới nhất này bao gồm lệnh cấm "mua, nhập khẩu hoặc chuyển dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga vào EU", với thời hạn áp dụng "từ 6 tháng đối với dầu thô cho tới 8 tháng đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác".
Tuyên bố cũng nêu rõ tạm thời miễn trừ nhập khẩu dầu thô qua đường ống dẫn vào một số nước thành viên EU phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga và không có phương án thay thế khả thi nào do tình hình địa lý của các nước này
Ngoài ra, Bulgaria và Croatia cũng sẽ được miễn trừ tạm thời lệnh cấm đối với nhập khẩu dầu thô bằng đường biển và dầu chân không của Nga.
"Chúng tôi đã thảo luận ngắn gọn nhưng khí đốt trong các lệnh trừng phạt với Nga tất nhiên khó hơn nhiều so với dầu. Tất cả các lệnh trừng phạt tiếp theo sẽ khó khăn hơn, các lệnh trừng phạt trước đây chỉ gây tổn thất cho Nga nhưng giờ đây đang ảnh hưởng đến chính người châu Âu. Đó là lý do tại sao việc quyết định gặp phải khó khăn"
"Những lệnh trừng phạt này tất nhiên sẽ có tác động tiêu cực, có thể là đối với toàn bộ châu lục - đối với người châu Âu, đối với chúng tôi và đối với toàn bộ thị trường năng lượng toàn cầu"
Gói trừng phạt thứ 6 còn loại thêm 3 ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, đình chỉ hoạt động tại EU thêm 3 kênh truyền hình của Nga.
Gói trừng phạt mới dự báo sẽ khiến châu Âu chứng kiến giá năng lượng và lạm phát tăng cao, nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu và cuộc sống người dân càng trở lên khó khăn hơn. Ngoài ra, mục tiêu cam kết giảm phát thải khí nhà kính của châu Âu sẽ khó đạt được.
Nhiều nước châu Âu trợ giá đi lại cho người
Việc Châu Âu cấm vận dầu Nga là đòn đánh mà cả hai cùng thiệt hại. Càng ngày, các nước EU càng nhận ra điều đó khi mà các hóa đơn trả cho năng lượng tăng cao thêm chừng 50% kéo theo đà tăng của các loại hàng hoá, khiến mức lạm phát liên tục lập đỉnh mới. Thực trạng này đẩy đời sống người dân châu Âu vào tình trạng ngày càng khó khăn và chính phủ một số quốc gia như Ireland, Italy, Đức đã phải triển khai những gói trợ giá, giảm bớt gánh nặng cho người dân.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ, từ ngày 1/6, chỉ với 9 Euro/1 tháng, tương đương khoảng 230.000 nghìn đồng/tháng, người dân Đức có thể đi khắp đất nước bằng tàu hỏa, vốn là phương tiện công cộng được nhiều người Đức sử dụng. Với những người chọn tàu hỏa để di chuyển như ông Francois, điều này bù đắp phần nào cho những chi phí sinh hoạt khi giá nhiêu liệu và nhiều loại hàng hoá thiết yếu đang tăng từng ngày.
"Đó là một ý tưởng tuyệt vời, tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều người sử dụng tàu hoả hơn"
Gói hỗ trợ của chính phủ Đức, được triển khai trong 3 tháng, nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi từ ô tô sang phương tiện công cộng, nhất là với những người có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, với nhiều người Đức, sự hỗ trợ này vẫn còn những hạn chế.
"Gói hỗ trợ rất tốt nhưng tôi sống ở nông thôn nên chẳng thể đi lại bằng tàu hoả mà vẫn cần ô tô " - bà Inke Steuding-Eberhardt cho biết.
Ông Rudi Bayerschmidt chia sẻ: "Tốt là giá vé tàu đã rẻ hơn, đó là điều hiển nhiên. Nhưng giá các loại hàng tiêu dùng đang tăng mới là điều đáng lo" .
Văn phòng thống kê Liên bang của Đức ghi nhận, chỉ số lạm phát tại nước này trong tháng 5 đã lên tới 7,9%, giá năng lượng tăng 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Để giảm giá năng lượng, thuế nhiên liệu của Đức tạm thời được hạ xuống và người dân được nhận khoản trợ cấp một lần trị giá 300 Euro.
Khó khăn khác nhau ở mỗi nước
Sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga của từng nước thành viên liên minh châu Âu là khác nhau, không phải vì lý do không tìm được đối tác cung cấp dầu ngoài Nga mà do cơ sở hạ tầng, công nghệ, dây chuyển thiết bị của các nhà máy lọc dầu.
Ở các nước Trung và Đông Âu như Hungary, Slovakia, các nhà máy lọc dầu có từ thời Liên Xô và được thiết kế chỉ để xử lý dầu của Nga. Bởi vậy, những quốc gia này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn dầu nhập khẩu của Nga.
Còn ở những quốc gia châu Âu khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp ít dùng dầu mỏ Nga và các nhà máy lọc dầu có thể xử lý nguồn dầu của các nước Trung Đông, Tây Phi hay Mỹ nên mức độ phụ thuộc thấp hơn.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 18/5 đã công bố kế hoạch "REPowerEU" trị giá 210 tỷ Euro nhằm giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga. Rõ ràng, cái giá mà châu Âu phải trả cao hơn bởi các nước châu Âu. Ngoài việc phải cạnh tranh giành nguồn cung với các khách hàng truyền thống của các đối tác cung cấp mới thì cũng phải trả thêm chi phí cho việc vận chuyển, nhất là trong bối cảnh giá cước vận tải đường biển vẫn cao do những gián đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch và các lệnh cấm vận giữa Nga và các nước phương Tây. Ngoài ra, các nước châu Âu có hệ thống nhà máy lọc dầu cũ như Hungary sẽ phải đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ xử lý các loại dầu thô nhập từ các đối tác thay thế Nga.
Hungary đã đề nghị Uỷ ban châu Âu hỗ trợ 750 triệu Euro để mở rộng đường ống dẫn dầu nối Hungary với Croatia và chuyển đổi các nhà máy lọc dầu của Nga sang các loại dầu thô khác. EU nhiều lần thể hiện ủng hộ việc mở rộng đường ống dẫn dầu của Croatia song lo ngại đề nghị hỗ trợ chuyển đổi các nhà máy lọc dầu tư nhân ở Hungary là khoản viện trợ không công bằng, vi phạm các quy tắc cạnh tranh của khối.
Vượt qua các lệnh trừng phạt của EU như thế nào?
Mở rộng xuất khẩu đối với châu Á, tìm kiếm khách hàng mới hay cắt giảm sản lượng để giữ giá cao đang là những cách để Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Hàng năm, Ấn Độ nhập khẩu dầu thô từ Nga chỉ từ 2 - 5%/ năm. Nhưng con số này đã thay đổi. Theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Ấn Độ đã mua 11 triệu thùng dầu từ Nga vào tháng 3, sau đó tăng lên 27 triệu thùng vào tháng 4 và 21 triệu vào tháng 5. Con số này hoàn toàn trái ngược với 12 triệu thùng mà Ấn Độ mua từ Nga trong cả năm 2021.
Tương tự, Trung Quốc hiện là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga và lượng mua dầu của nước này cũng đã tăng vọt. Từ tháng 3 đến tháng 5, Trung Quốc đã mua tổng cộng tới 14,5 triệu thùng - tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Ấn Độ và Trung Quốc, Nga đang hướng tới thị trường xuất khẩu dầu mỏ rộng lớn tại châu Á và châu Phi. Các quốc gia khác ở Nam Á và Đông Nam Á cũng thể hiện sự quan tâm tới dầu mỏ của Nga.
Theo hãng tin RIA Novosti, Nga đang thảo luận về hợp đồng bán dầu cho Indonesia và các nước khác trong khu vực. Bà Nicke Widyawati, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Indonesia cho biết, hiện có cơ hội mua dầu với giá tốt. Tập đoàn này đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Trung ương Indonesia.
"Nga đang tìm kiếm những người mua khác ở nước ngoài, khách hàng cũng đang tìm đến Nga. Họ có thể là Ấn Độ và Trung Quốc. Xu hướng này còn phụ thuộc vào mức giá bán dầu bao nhiêu, giá của từng loại dầu. Hiện tại, Nga đang bán dầu của mình với giá giảm 35 USD/thùng so với thị trường cho Ấn Độ và Trung Quốc. Và nếu điều này tiếp diễn, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tài chính của Nga"
Nga cũng có thể cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu thô để giảm bớt tác động vào tài chính của mình. Theo Phó Chủ tịch công ty dầu mỏ Lukoil của Nga, ông Leonid Fedun, Nga nên cắt giảm sản lượng dầu tới 30% để đẩy giá lên cao hơn và tránh bán các thùng dầu với giá rẻ.
Bán dầu, khí đốt để thu về nguồn ngoại tệ sẽ hỗ trợ đổn định thị trường tài chính của Nga. Nga vẫn thu được số tiền mặt trung bình 800 triệu USD/ngày từ dầu và khí đốt. Theo ước tính của Bloomberg Economics, doanh thu từ dầu và khí đốt của vẫn Nga sẽ đạt khoảng 285 tỷ USD trong năm nay. Con số này sẽ vượt qua doanh thu của năm 2021 hơn 25%.
"Hiện không quá khó khăn về mặt tài chính đối với Nga vì giá toàn cầu đang tăng cao, chúng cao hơn nhiều so với năm ngoái. Nên ngay cả khi Nga giảm xuất khẩu thì họ vẫn có thể bán dầu của mình với giá trị gần bằng năm ngoái. Nhưng Nga sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm khách hàng cho lượng dầu mất đi khỏi thị trường châu Âu và có thể nước này phải giảm giá nhiều hơn"
Phần lớn thế giới không tham gia vào việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Thương mại sẽ tiếp tục, nhu cầu về nhiên liệu vẫn còn và người mua ở châu Á hoặc Trung Đông sẽ tăng lên. Việc làm hiện nay của Nga cần phải nhanh chóng định hình chuỗi cung ứng năng lượng mới của thế giới.
Nga tìm kiếm đồng minh Vùng Vịnh
Đối mặt với các lệnh trừng phạt, Nga không chỉ phải tìm kiếm các khách hàng mới mua năng lượng mà còn cần tìm kiếm và củng cố thêm đồng minh. Trong tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có chuyến công du Trung Đông, ngay trước thềm cuộc họp của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đối tác. Mục đích của chuyến thăm này không nằm ngoài việc phối hợp hành động giữa Nga và các đối tác OPEC trên thị trường dầu.
Cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với người đồng cấp từ 7 quốc gia Vùng Vịnh tại Riyadh (Saudi Arabia). 5 trong số các quốc gia tại đây được xếp vào danh sách đồng minh của Mỹ. Vậy nhưng những gì người ta ghi nhận chỉ là một sự tin của ngoại trưởng Nga vào mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Moscow và những đối tác nơi đây.
"Chúng tôi cùng với những đối tác đã bàn về những lệnh cấm vận nhằm vào Nga. Nhưng chỉ là để khẳng định lại sự thống nhất hợp tác trong OPEC+, vốn đã được khẳng định nhiều lần bởi các nhà lãnh đạo. Nguyên tắc trong sự hợp tác giữa chúng tôi vẫn đang cho thấy ý nghĩa và sự đúng đắn"
Cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và các quốc gia Vùng Vịnh diễn ra đúng vào thời điểm Liên minh châu Âu vừa áp đặt lệnh cấm vận với 2/3 lượng dầu mà họ đang nhập khẩu từ Nga. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cũng đã bỏ ngỏ khả năng sẽ tiến hành chuyến thăm tới Saudi Arabia trong tương lai gần. Những động thái đang gửi thông điệp ngày càng rõ ràng về sự trung lập của các quốc gia Vùng Vịnh, bất chấp các sức ép của phương Tây.
"Nga thời gian qua đã can dự ngày càng sâu và thể hiện sức ảnh hưởng của mình tại Trung Đông. Chẳng hạn Trung Đông không thể bỏ qua vai trò của Nga trong vấn đề Iran, Trung Đông cũng cần Nga trong vấn đề Syria, Lybia hay cuộc xung đột hiện nay tại Yemen"
"90% các chính sách về dầu bị chi phối bởi các yếu tố chính trị. Nơi nào cũng vậy. Đừng quên điều đó. Và nếu như thế thì cũng có thể thấy, dù sức ép của phương tây lên các nước Vùng Vịnh là thế nào đi chăng nữa, cho tới khi những căng thẳng Nga - Ukraine chưa thể giải quyết, viễn cảnh giá dầu dưới 90 USD/thùng hầu như là không thể"
Các quốc gia Vùng Vịnh một thời gian dài sống dưới chiếc ô an ninh, gắn chặt lợi ích của mình với Mỹ. Nhưng tình thế hiện nay, Vùng Vịnh đã hầu như không còn thể bỏ qua vai trò của Nga trong những bài tính lợi ích của mình. Vùng Vịnh được cho còn có khả năng tăng sản lượng dầu, từ 2 - 4 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, mọi áp lực để Vùng Vịnh bỏ qua Nga mà mở van dầu, được cho là không thực tế lúc này.
Thế giới đang thiếu dầu
Nhiều người cho rằng giá dầu tăng vọt là do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những nguyên nhân. Thực tế là nguồn cung toàn cầu đang khan hiếm, trong khi nhu cầu tăng vọt.
Theo chuyên trang kinh tế CNBC, trước đại dịch, vào năm 2019, dầu là "một thị trường khá cân bằng". Nhu cầu toàn cầu là khoảng 100,3 triệu thùng/ngày; trong khi nguồn cung khoảng 100,6 triệu thùng.
Đến ngày hôm nay, nhu cầu được cho là vào khoảng 103 triệu thùng/ngày. Nhưng nguồn cung gần như không theo kịp. Nguồn cung vẫn giữ nguyên so với năm 2019 và kết quả là giá tăng đột biến đã khiến nhu cầu thực tế giảm bớt 2 triệu thùng.
Thị trường thiếu dầu trong năm thứ hai liên tiếp. Để ổn định giá dầu, nhiều nước đã quyết định mở kho dự trữ chiến lược. Nhưng như vậy không thể đủ để hạ nhiệt cơn khát năng lượng. Ngân hàng Trung ương Mỹ đã cảnh báo rằng tồn kho dầu toàn cầu đã giảm xuống "điểm thấp nguy hiểm". Điều cần làm không chỉ là mở các kho dự trữ mà làm thế nào để tăng nguồn cung ra thị trường bên cạnh việc đẩy mạnh sử dụng các năng lượng thay thế.
Làm thế nào để tăng lượng dầu xuất ra thị trường, tất cả trông chờ vào Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+). Ngày 2/6, nhóm này đã nhất trí tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, cao hơn so với mức tăng hằng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 lặp lại
Để dự báo về viễn cảnh cơn khát dầu hiện nay sẽ đưa thế giới đi về đâu, Trung Đông đang có xu hướng nhìn lại cuộc khủng hoảng hồi năm 1973, thời điểm các nước A rập đồng loạt ngừng sản xuất dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel.
Quy mô tiêu thụ dầu hiện nay đã lớn hơn nhiều. Nhưng nên nhớ dầu lúc ấy còn là nhiên liệu chính cho sưởi ấm và sản xuất điện nữa, chiếm tới 30%. Trong khi bây giờ, dầu chủ yếu phục vụ vận tải, sưởi ấm hay sản xuất điện từ dầu hiện chỉ chiếm có 3%.
Thời ấy giá dầu đã tăng 5 lần. Nhưng cuộc khủng hoảng hồi năm 1973 cũng đã mở ra cho thế giới những xu hướng năng lượng mới. Xu hướng đầu tiên là thế giới đi tìm các nguồn cung năng lượng thay thế. Đến cuối thập kỷ 1970, than, khí đốt, năng lượng hạn nhân đã ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho sưởi ấm và sản xuất điện. Và xu hướng thứ hai là sự nổi lên của các cơ sở khai thác dầu mới, như khu vực Biển Bắc, Nga, Trung Quốc hay Mexico.
Trung Đông cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng sẽ kích thích một xu thế đi tìm năng lượng thay thế tương tự như hồi năm 1973. Có điều mọi sự sẽ phải diễn ra chậm hơn, xét tới trình độ phát triển hiện tại của năng lượng xanh. Ngoài ra, trong bối cảnh thế giới vừa mới tung một loạt các gói kích thích kinh tế vì COVID-19, mức độ gây lạm phát của cơn khát năng lượng hiện nay được cho sẽ là sâu sắc hơn, thiệt hại hơn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng cách đây 50 năm đã cho thế giới những bài học về an ninh năng lượng. Nhưng việc thực hành những bài học đó, như đẩy mạnh năng lượng tái tạo, cần rất nhiều thời gian và cả tiền bạc nữa. Vì thế, chúng ta phải đối mặt với thực trạng là giá năng lượng còn tiếp tục tăng ngay cả khi cuộc xung đột Nga - Ukraine kết thúc bởi các nguồn năng lượng tái tạo, ngay khi được tăng tốc, cũng không thể thay thế cho nhiên liệu hóa thạch với tốc độ cần thiết để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung cấp dầu và khí đốt.
Giới chuyên gia cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của các nước nhập khẩu năng lượng cần phải thẳng thắn với công chúng về thực trạng khó khăn hiện nay. Nếu các vòng xoáy trừng phạt không kết thúc và thế giới không thể cắt giảm nhu cầu năng lượng, cuộc khủng hoảng này chưa thể thấy điểm kết thúc.